|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ứng phó khi Mỹ tăng áp thuế hàng nhập khẩu

15:38 | 16/02/2025
Chia sẻ
Việc Mỹ tăng áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ một số nước có tác động lớn tới thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Lường trước tác động tiêu cực 

Sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này, không có ngoại lệ hay miễn trừ. Hai mặt hàng này Việt Nam đang phải chịu mức thuế lần lượt 10% và 25% tại Mỹ và áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại năm 2024 của Việt Nam đạt trên 12,6 triệu tấn, thu về hơn 9 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm 13,2% sản lượng và chiếm 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép trong nước, với 1,67 triệu tấn.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nếu Mỹ áp dụng thuế 25% với hàng nhập khẩu sắt thép, Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất của Mỹ chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp Việt sẽ giảm. 

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với việc có thể bị tăng áp thuế từ Mỹ. (Ảnh: TTTXVN).

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nêu ví dụ, Tập đoàn Hòa Phát có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 30% tổng doanh thu ngành thép, trong đó thị trường Mỹ chiếm 5 - 10%, tương đương mức 2 - 3% doanh thu. Dù mức áp thuế cao, nhưng tỷ trọng nhỏ, tác động không lớn, chỉ một số doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ bị ảnh hưởng. Song, với các đơn vị xuất khẩu thép cuộn cán nóng lớn như Hoa Sen, Nam Kim... sẽ bị ảnh hưởng ở mức trung bình lớn.

“Doanh nghiệp cần phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại đa phương và song phương, nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giảm áp lực trên thị trường trong nước; đề xuất Chính phủ tăng cường quan hệ ngoại giao, đối thoại với các đối tác thương mại lớn, nhằm hạn chế các chính sách bất lợi về thuế, bảo hộ thị trường… đối với hàng hóa từ Việt Nam,” đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam đề xuất.

Còn theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần thận trọng, có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2025. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may, thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK) chia sẻ: “Thương mại thế giới mặc dù có sự ‘xáo trộn’ do Mỹ áp thuế đối với một số quốc gia, làm ảnh hưởng tới hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, song bên cạnh thách thức cũng còn nhiều cơ hội.

Tổng cầu về hàng may mặc vẫn có xu hướng tăng, với nhiều tín hiệu tích cực trong quý I/2025 và khả năng năm 2025, ngành dệt may có thể xuất khẩu tăng trưởng 2 con số so với năm 2024. Doanh nghiệp cần cẩn trọng về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, nhất là việc chuyển dịch vào Việt Nam để xuất khẩu nhằm tránh bị áp thuế, gây bất lợi cho hàng Việt Nam”.

Chiến lược “không bỏ trứng vào một giỏ”

Trong bối cảnh nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tập trung giảm thiểu những thiệt hại và duy trì quan hệ cân bằng với các đối tác quan trọng. TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, vị thế đặc biệt của Mỹ khiến bất cứ động thái chính sách mới nào cũng được Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt quan tâm và cần sẵn sàng các kịch bản ứng phó với chính sách thuế quan mới.

“Doanh nghiệp cần vạch ra những kịch bản chủ động ứng phó với việc có thể bị tăng áp thuế từ Mỹ. Trường hợp bị áp thuế ở mức thấp, cần tiếp tục bám trụ thị trường và thực hiện các giải pháp đầu tư công nghệ, tối ưu hoá chi phí sản xuất, nhằm giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận; đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa thị trường, thực hiện chiến lược ‘không bỏ trứng vào một giỏ’ để tránh những rủi ro; bám sát các thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để triển khai các đối sách ứng phó kịp thời”, TS Lê Quốc Phương đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân khuyến cáo, trước bối cảnh Mỹ áp thuế mới đối với Canada, Mexico, Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần có các chiến lược thích ứng linh hoạt hơn với thương mại toàn cầu, bảo đảm sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách đối ngoại linh hoạt, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Mỹ, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cần có cơ chế giám sát chặt chẽ động thái của chính quyền Mỹ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp để tăng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, từ đó thay đổi năng lực của nền sản xuất trong nước, giúp tăng năng suất lao động, tạo sự tăng trưởng bền vững. Việt Nam cũng có thể tính đến việc tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng, kể cả máy bay, phương tiện dân dụng... để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mục tiêu của ông Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu, Mỹ đã từng sử dụng công cụ cổ điển là thuế quan. Thực tế, Mỹ đã áp thuế cao với hàng hoá từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU...

Trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Mỹ chưa lớn. Tuy nhiên, năm 2025, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.

Kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Mỹ và tạo sức ép với Việt Nam. Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường thời gian tới.

Ý kiến của ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa tài chính ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi:

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa tài chính ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi.(Ảnh: TTTXVN).

Mỹ đang mở rộng chính sách thuế quan với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada, Mexico, EU và có thể nhiều quốc gia khác. Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trên nhiều phương diện, đó là xuất khẩu sang Mỹ, EU có thể suy giảm do hàng rào thuế quan và tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn. Để thích ứng, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn như: Nâng cao năng lực sản xuất, chủ động chuỗi cung ứng; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất; phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng nội địa, tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm rủi ro liên quan đến nhập khẩu và tỷ giá; tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTAs) để tiếp cận nguồn cung từ các đối tác ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm như: Đáp ứng tiêu chuẩn xanh của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc (ESG, carbon footprint, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc); đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ, EU để phân tán rủi ro; tăng cường nghiên cứu và phát triển, nâng cao giá trị gia tăng để duy trì sức cạnh tranh.

Ý kiến của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính:

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính.(Ảnh: TTTXVN).

Các chính sách của Mỹ hiện tại là đánh vào các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Giải pháp trước mắt là phải thu hẹp khoảng cách này để không bị "soi" bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ. Việt Nam đang có lợi thế là các hiệp định thương mại đã ký kết, ngành Công Thương cần nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững; đồng thời, phải cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để tăng năng lực vận tải, logistics, thu hút các dự án công nghệ cao.

Minh Phương - Thu Trang