Ứng phó cho con tôm 2017
Trao đổi với NNVN, ông Trần Đình Luân (ảnh), Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh, tại thời điểm này, thời tiết ở ĐBSCL khá thuận lợi cho việc xuống giống. Miền Bắc đang có rét nên ngành khuyến cáo các địa phương tập trung cho việc cải tạo ao đầm nuôi, chưa xuống giống thời điểm này.
Đối với nguồn nước, quán triệt quan điểm “nuôi tôm chính là nuôi nước”. Do đó, yếu tố căn bản để nuôi tôm bền vững chính là đảm bảo chất lượng nguồn nước nhằm phòng tránh dịch bệnh, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh. Đồng thời cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào xử lý nguồn nước thải từ nuôi tôm để bảo vệ môi trường.
Năm 2017, biến đổi khí hậu còn diễn ra khó lường, nằm ngoài và diễn ra sớm hơn dự báo. Những năm tới, sự xuất hiện ngày càng nhiều các đập thủy điện phía thượng lưu sông Mekong, khả năng điều tiết nước ngọt sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng nước biển dâng, tình trạng hạn hán có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn đặc biệt là vùng ven biển ĐBSCL. Do vậy, cần có những điều chỉnh về diện tích vùng nuôi, về cơ cấu mùa vụ cho phù hợp (sớm hơn thường lệ).
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2017, tình hình thế giới có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Sự tăng giá của đồng USD so với một loạt ngoại tệ khác như đồng Euro, đồng Yên làm giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng. Giá thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, nhiên liệu, máy móc phục vụ nuôi tôm tăng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm của cả nước.
Trong khi đó, dự báo sản lượng tôm của các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có thể phục hồi tăng trưởng vào các năm 2017 và 2018 sau thời kỳ sụt giảm sản lượng do dịch bệnh. Đây sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.
Một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản dự báo sẽ gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh, thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật khiến cho xuất khẩu khó duy trì được tăng trưởng mạnh.
Đó là những thách thức lớn đối với ngành tôm cả trước mắt lẫn lâu dài, cần có giải pháp tháo gỡ.
Trước hết, về con giống. Hiện chúng ta vẫn chưa làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 180.000 - 260.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại). Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh.
Hai là về giá thành sản xuất ở ta vẫn còn cao. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; công nghệ chưa được cải tiến nên năng suất thấp. Nhiều vùng nuôi thiếu điện...
Ba là, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra.
Bốn là, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ SXNN nên dễ xảy ra dịch bệnh.
Năm là, công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao.
Sáu là, nền sản xuất manh mún, nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý.
Bộ NN-PTNT xác định phát triển ngành tôm theo 2 hướng (Ảnh minh họa) |
Bảy là, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi tôm tại nhiều địa phương còn thiếu hoặc hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt là tại các vùng nuôi quảng canh. Việc kiểm soát điều kiện môi trường và dịch bệnh là yếu tố tối quan trọng đảm bảo hiệu quả nghề nuôi tôm.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành tôm Việt Nam phải là tấm gương tiêu biểu trong việc đi tắt, đón đầu trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao; trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, điện toán đám mây… vào sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến tôm, đưa kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đến năm 2025 đạt từ 8 - 10 tỷ USD. |
Tám là, cạnh tranh thương mại đang ngày càng khốc liệt. Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan. Đối với thị trường chủ lực là Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang bị đánh thuế chống bán phá giá.
Trước thực tế trên, phải làm những gì để thúc đẩy ngành tôm phát triển mạnh và bền vững?
Có mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, phải tổ chức lại sản xuất. Cần rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh diện tích vùng nuôi tôm cho phù hợp, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Tăng cường hợp tác và liên kết trong sản xuất; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình liên kết theo chuỗi.
Kết cấu lại vùng nuôi theo hướng tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng nuôi, ao nuôi có diện tích đủ lớn để sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Vận động, hỗ trợ thành lập Hiệp hội tôm Việt Nam diễn đàn tập hợp sức mạnh chung của toàn chuỗi giá trị tôm, nâng cao vị thế ngành tôm Việt Nam.
Thứ hai, về áp dụng KHCN và giải pháp kỹ thuật thì cần tăng cường đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh cho vùng nuôi, phân đấu chủ động sản xuất 100% tôm bố mẹ trong nước.
Áp dụng quy trình nuôi theo 2 giai đoạn (dèo giống); ứng dụng các mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới. Ứng dụng chế phẩm sinh học thay thế các loại hóa chất, thuốc kháng sinh và áp dụng các giải pháp KHCN để giảm giá thành sản xuất. Khuyến khích xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới chuyên ngành về con tôm, đặc biệt tại các vùng nuôi trọng điểm.
Thứ ba, về cơ chế chính sách thì phải sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với tình hình tái cơ cấu ngành hiện nay.
TRẦN ĐÌNH LUÂN
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Bộ NN-PTNT xác định phát triển ngành tôm theo 2 hướng: Một là, phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp. Hai là, phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm rừng, tôm lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái. |