|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ứng dụng truy vết COVID-19 trở thành ‘chiến trường’ mới của các doanh nghiệp công nghệ

06:21 | 23/06/2020
Chia sẻ
Nhiều công ty công nghệ trên thế giới đang tham gia vào quá trình phát triển các ứng dụng hoặc công nghệ truy vết ca dương tính với COVID-19.

Từ các "ông lớn" của Thung lũng Silicon cho tới những "gã khổng lồ" Internet Trung Quốc và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, các công ty công nghệ đang tìm nhiều cơ hội kinh doanh từ các ứng dụng truy vết COVID-19 do chính phủ nhiều nước Châu Á giới thiệu để bảo vệ sự an toàn của người dân khi mở cửa nền kinh tế.

Các ứng dụng truy vết được phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số sử dụng GPS để theo dõi các ca có nguy cơ nhiễm bệnh, trong khi đó một số ứng dụng khác lại tận dụng Bluetooth để xác định tiếp xúc giữa người lành và người nhiễm bệnh. 

Một số quốc gia tự phát triển các ứng dụng, ví dụ như MyTrace của Malaysia, song các công ty tư nhân cũng đang tham gia vào phát triển một số ứng dụng của chính phủ.

Ứng dụng truy vết COVID-19 trở thành ‘chiến trường’ mới của các công ty công nghệ - Ảnh 1.

Ứng dụng truy vết của Trung Quốc đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh của người dùng qua các bảng mã màu QR. Ảnh: Nikkei

Alibaba và Tencent (Trung Quốc) cũng xây dựng các ứng dụng mà nhiều cơ quan sử dụng để thu thập thông tin y tế của người dân.

Một trong những ứng dụng đó đánh giá mức độ rủi ro nhiễm bệnh và phát tán bệnh COVID-19 sử dụng ba mã màu QR, trong đó đỏ nghĩa là nhiễm bệnh, vàng thể hiện nguy cơ tiếp xúc gần với các ca nhiễm bệnh và xanh đồng nghĩa với không có nguy cơ.

Người dân Trung Quốc sẽ phải quét mã màu khi bước chân vào các không gian công cộng ví dụ như ga tàu hay nhà hàng.

Chính quyền địa phương kiểm soát thông tin cá nhân và Alibaba cũng như Tencent cam kết không tham gia vào quá trình. Dù vậy họ hưởng lợi sâu sắc từ đó vì nhiều người đăng kí mã QR thông qua ví địa tử AliPay (Alibaba) hay ứng dụng nhắn tin WeChat (Tencent). Từ đây, Alibaba và Tencent có thể thu hút người dùng với các dịch vụ khác trong hệ sinh thái của mình.

Tencent cho biết 1 tỉ người dùng đã đăng kí các ứng dụng truy vết mà hãng phát triển. Tính tới thời điểm trung tuần tháng 5, các ứng dụng nói trên đã được dùng hơn 140 tỉ lần.

Trong khi đó, tháng trước, Apple và Google cùng nhau ra mắt một hệ thống dựa trên kết nối Bluetooth có thể giúp chính phủ phát triển nhanh các ứng dụng truy vết. Mang tên gọi Exposure Notification, hệ thống chạy trên smartphone Android và iPhone. Nó cho các người dùng dương tính với COVID-19 có thể báo cáo dữ liệu và nhờ đó những người tiếp xúc gần với họ sẽ nhận thông báo.

Ứng dụng truy vết COVID-19 trở thành ‘chiến trường’ mới của các công ty công nghệ - Ảnh 2.

Ứng dụng truy vết COVID-19 của Nhật Bản do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi triển khai. Ảnh: Nikkei

Cuối tuần trước, Nhật Bản giới thiệu hệ thống truy vết do Microsoft và một số công ty khác thiết kế dựa trên công nghệ cốt lõi từ Apple và Google. Công nghệ này cũng được một số nước Châu Âu, bao gồm Italy và Đức, áp dụng. 

Nikkei nhận định Exposure Notification có thể giúp Apple và Google gần gũi với chính quyền địa phương - một yếu tố tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ.

Trái lại, Singapore không sử dụng hệ thống của Apple và Google khi nói rằng nó không hiệu quả với tình hình địa phương. "Mặc dù những người tiếp xúc gần nhận thông báo nhưng không có cách nào để xác định khi nào, bằng cách nào và với những ai họ đã nhiễm bệnh hoặc truyền bệnh", Bộ trưởng ngoại vụ Vivian Balakrishan chia sẻ.

Singapore sử dụng ứng dụng TraceTogether của riêng mình với khả năng lưu trữ "nhật kí" tiếp xúc của người dùng thông qua Bluetooth.

Dù thế, các công ty tư nhân cũng góp sức cùng chính phủ Singapore khi họ lên kế hoạch sẽ phát cho người dân các thiết bị ngoại vi siêu nhỏ có tên gọi TraceTogether Tokens. Các thiết bị này hoạt động tương tự với ứng dụng song dành cho những ai không sử dụng smartphone.

PCI, một công ty địa tử địa phương, được chính phủ Singapore để lựa chọn sản xuất lô phần cứng đầu tiên. Trong giai đoạn tiếp theo, chính phủ Singapore sẽ mở thầu sản xuất thiết bị và kì vọng sẽ thu hút khoảng 20 công ty tham gia.

Cùng thời điểm, Amazon Web Services, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon, đã hợp tác với chính phủ Úc để phát triển ứng dụng COVIDSafe tận dụng kết nối Bluetooth.

Ở Hong Kong, SagaDigits, một startup địa phương, phát triển hệ thống Stay Home Safe để đảm bảo những người từ bên ngoài ghé thăm Hong Kong sẽ thực hiện nghiêm túc lệnh cách li 14 ngày.

Trong khi các hãng công nghệ và chính phủ hợp tác với nhau, không ít người dùng hoài nghi về vấn đề an ninh và riêng tư với dữ liệu cá nhân thu thập thông qua tín dụng.

Hệ thống truy vết của Trung Quốc thu thập các thông tin như danh tính, địa điểm và thậm chí cả lịch sửa chữa bệnh tại các bệnh viện để đảm bảo người dùng tuân thủ cách li.

Cùng thời điểm, ứng dụng của Hàn Quốc cho phép truy cập thông tin thẻ tín dụng, bệnh án, các video an ninh và dữ liệu di động của một bệnh nhân. Chính phủ thậm chí có thể theo dõi cả thông tin của những người mới chỉ nghi nhiễm, theo Nikkei.

Thái Sơn