|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Ứng dụng giúp người dùng mạng vượt tường lửa ở Trung Quốc vừa biến mất

16:08 | 12/10/2020
Chia sẻ
Tuber, ứng dụng cho phép người dùng mạng Trung Quốc truy cập vào các trang web bị cấm như Facebook và Google, đã biến mất. Vụ việc này làm dấy lên nhiều đồn đoán về hoạt động kiểm duyệt của Bắc Kinh trong tương lai.

Trình duyệt Tuber do gã khổng lồ an ninh mạng 360 Security Technology của Trung Quốc hậu thuẫn. Ứng dụng này được cho là đang hỗ trợ 904 triệu người dùng mạng tại Trung Quốc truy cập hợp pháp vào các trang web và mạng xã hội nước ngoài.

Theo Bloomberg, người dùng mạng Trung Quốc khen ngợi Tuber vì ứng dụng này cho phép họ khai thác nội dung từ YouTube hoặc Instagram mà không cần mạng ảo bất hợp pháp (VPN).

Tuy nhiên, trình duyệt Tuber đã ngừng hoạt động vào ngày 10/10 và biến mất khỏi cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động của Huawei Technologies. Hiện chưa rõ liệu cơ quan chính phủ Trung Quốc có ra lệnh xóa ứng dụng này hay không.

Ông Rich Bishop, CEO của AppInChina (một nền tảng giúp các ứng dụng quốc tế tiếp cận thị trường tỉ dân), nhận định: "Có lẽ chính phủ Trung Quốc đã biết đến Tuber và yêu cầu kho ứng dụng của Huawei xóa trình duyệt này".

Tuber yêu cầu người dùng đăng kí tài khoản bằng số điện thoại di động và cho phép nhà phát triển theo dõi hoạt động của người dùng. Ứng dụng này cũng kiểm duyệt một số kết quả nhất định từ các trang web bị cấm từ trước.

Nhân viên PR tại 360 Security từ chối bình luận về vụ việc. Cơ quan Quản lí Không gian Mạng Trung Quốc cũng không phản hồi cuộc gọi và email từ Bloomberg.

Ứng dụng giúp người dùng mạng vượt tường lửa ở Trung Quốc vừa biến mất - Ảnh 1.

Vào ngày 9/10, trên mạng xã hội Twitter, tài khoản Rita Bai Yunyi (một phóng viên của tờ Global Times, tức Thời báo Hoàn cầu) chia sẻ về ứng dụng Tuber. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau tài khoản này cho biết Tuber không còn trên kho ứng dụng của Huawei và người dùng mạng ở Trung Quốc còn một trình duyệt khác có thể vượt tường lửa là GreenNet). (Nguồn: Rita Bai Yunyi/Twitter).

Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã duy trì chính sách kiểm soát nghiêm ngặt đối với không gian mạng, yêu cầu các công ty công nghệ lớn từ Tencent Holdings đến ByteDance kiểm duyệt và loại bỏ nội dung được cho là chỉ trích chính phủ hoặc chính sách nhà nước.

Trước khi bị gỡ bỏ, Tuber đã được tải xuống 5 triệu lần từ kho ứng dụng của Huawei. Theo nhiều bài đăng trên WeChat, ứng dụng này vẫn còn trên kho ứng dụng ít nhất là vào cuối tháng 9.

Công ty mẹ 360 Security của Tuber do tỉ phú kiêm ông trùm công nghệ Zhou Hongyi kiểm soát. Năm 2016, ông Zhou hủy niêm yết công ty bảo mật Qihoo 360 khỏi sàn giao dịch chứng khoán New York và sau đó điều chỉnh chính sách nội bộ cho phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Hồi tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã xử phạt hai công ty của tỉ phú Zhou trong số 24 thực thể mà bộ này cho là gây rủi ro về an ninh quốc gia.

Ông Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết ông tin tưởng Bắc Kinh cuối cùng sẽ mở cửa không gian mạng ở một mức độ nào đó.

"Gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một sáng kiến nhằm thúc đẩy trao đổi dữ liệu xuyên biên giới. Điều này phù hợp với thực tế là Bắc Kinh đang gỡ bỏ hạn chế với một số trang web nhất định nhằm gửi đi tín hiệu tích cực tới cộng đồng quốc tế", ông nói.

Khả Nhân

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.