|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Uber, Grab không phải sàn giao dịch mà đang kinh doanh vận tải

11:17 | 16/03/2018
Chia sẻ
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, Uber, Grab đang kinh doanh vận tải, không đơn thuần cung cấp phần mềm.

Sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT về quản lý Uber, Grab như taxi, hai đơn vị này cho rằng, nếu điều này xảy ra sẽ là bước lùi của Việt Nam ở kỷ nguyên công nghệ 4.0. Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, Grab và Uber đang kinh doanh vận tải, không đơn thuần cung cấp phần mềm.

uber grab khong phai san giao dich ma dang kinh doanh van tai

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.

Người dân đang mua dịch vụ vận tải của Grab, Uber

Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đang được Bộ GTVT lấy ý kiến sửa đổi. Theo ông, đâu là điểm đáng chú ý trong dự thảo để quản lý được loại hình như Uber, Grab?

Luật GTĐB quy định có 5 loại hình vận tải gồm: Vận tải tuyến cố định, taxi, xe buýt, hợp đồng và du lịch. Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 định nghĩa về kinh doanh vận tải như sau: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện một số hoặc toàn bộ các công đoạn của hoạt động vận tải (kể cả việc thực hiện các công đoạn này thông qua phần mềm) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; trong đó có thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính gồm: Trực tiếp điều hành phương tiện và lái xe để vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa, quyết định giá cước vận tải”.

Từ định nghĩa này, những dịch vụ như Uber, Grab hoặc tương tự đều được coi là kinh doanh vận tải, sẽ phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải theo pháp luật Việt Nam. Uber, Grab tham gia kinh doanh loại hình vận tải nào, phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của loại hình vận tải đó.

Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Tại Việt Nam, Grab và Uber đang điều hành và định giá cước vận tải, vì vậy tôi khẳng định họ đang kinh doanh vận tải. Dịch vụ vận tải bao gồm những công đoạn, tìm kiếm khách hàng, kết nối giữa khách hàng với người làm vận tải, định giá vận tải, thỏa thuận, vận chuyển, thanh toán. Uber, Grab chỉ mua công đoạn vận chuyển, còn việc công bố dịch vụ, tên sản phẩm, điều hành sản phẩm theo yêu cầu về chất lượng của khách hàng, đến việc thỏa thuận, thanh toán đều do họ thực hiện, cho nên bản chất Uber và Grab là kinh doanh vận tải. Không phải ngẫu nhiên Tòa án Công lý châu Âu phán quyết Uber là kinh doanh vận tải taxi.

Người dân đang mua dịch vụ vận tải của Grab và Uber, không phải của DN vận tải hay hợp tác xã (HTX). Bản chất dịch vụ vận tải đang được Uber, Grab sản xuất ngoài những phần của Uber, Grab, hai đơn vị này mua một phần dịch vụ của nhà sản xuất khác là HTX, lái xe cá nhân và hộ cá thể, để đưa vào chuỗi cung ứng sản phẩm và bán cho khách hàng. Điều này cũng giống như bán hàng trong chợ điện tử Aeon, khi người dân mua sản phẩm giày Nike và có vấn đề về sản phẩm, hãng Nike phải chịu trách nhiệm. Uber, Grab không phải là chợ điện tử mà chính là người sản xuất và bán sản phẩm của mình.

Từ những nhận định của ông, vậy Grab và Uber phải chịu trách nhiệm gì khi xảy ra rủi ro với hành khách?

Những nhà cung cấp nền tảng công nghệ có thể tham gia vào bất kỳ khâu nào của vận tải. Khi thông điệp dịch vụ đến người dân mang tên nhà cung cấp, họ phải chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng, an toàn của dịch vụ. Uber, Grab chính là người ký hợp đồng với khách hàng, định giá cước, chịu trách nhiệm về thương hiệu, đồng nghĩa với việc Uber, Grab phải chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ đối với hành khách.

Uber, Grab không phải là sàn giao dịch mà thực sự là kinh doanh vận tải. Hai đơn vị này đang mua yếu tố đầu vào là vận chuyển hành khách từ đối tác khác. Điều này cũng giống như sản xuất và bán ô tô, nhiều dòng xe của Toyota dùng động cơ của Yamaha, khi xảy ra lỗi khách hàng chỉ tìm đến Toyota vì anh bán xe dưới thương hiệu Toyota.

uber grab khong phai san giao dich ma dang kinh doanh van tai

Uber, Grab đang điều hành và định giá cước nghĩa là đang kinh doanh vận tải - Ảnh: Khánh Linh.

Đã kinh doanh phải đúng quy định pháp luật

Ông đánh giá thế nào sau hai năm Việt Nam thí điểm quản Uber, Grab?

So sánh với các quốc gia khác trong quản lý Grab, Uber, sau 2 năm thí điểm, Việt Nam đã rất chủ động trong việc thực hiện thí điểm, tổng kết đánh giá và khẳng định xét về bản chất Grab, Uber đúng là đang kinh doanh vận tải. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã đưa ra giải pháp quản lý theo đúng quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh theo định nghĩa về kinh doanh vận tải. Nếu Uber, Grab chỉ đơn thuần là bán vé hộ doanh nghiệp, HTX vận tải thì khi đó họ có quyền nói không kinh doanh vận tải. Người dân mua sản phẩm dịch vụ là tên của Uber, Grab, không phải sản phẩm của bất kỳ DN vận tải nào.

Grab, Uber hay bất kỳ ứng dụng công nghệ nào làm chức năng liên quan đến điều độ, định giá sản phẩm, công bố thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, chính là bán dịch vụ vận tải. Trong trường hợp người dân gọi xe, phần mềm Grab, Uber báo đây là xe của taxi Group, Mai Linh hay HTX vận tải nào đó, khi đó các đơn vị taxi chịu trách nhiệm xuất hóa đơn và hóa đơn này không phải hóa đơn của Grab, Uber. Như thế Grab, Uber mới chối bỏ được trách nhiệm.

Ông nhận định thế nào về việc ý kiến đưa ra quản lý như taxi sẽ kéo lùi kỷ nguyên 4.0 tại Việt Nam?

Tôi không đồng tình với quan điểm này. Quy định quản lý Grab, Uber như taxi là để tạo ra môi trường thống nhất, rõ ràng cho những đơn vị muốn sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải. Dự thảo nghị định đưa ra định nghĩa và giải thích đầy đủ định nghĩa vận tải. Từ đó, soi chiếu lại các hoạt động có liên quan đến vận tải ở Việt Nam để xem xét đối tượng thuộc kinh doanh vận tải.

Việc ứng dụng công nghệ Bộ GTVT không phản đối, nhưng khi tham gia kinh doanh kiếm lời ở Việt Nam phải thực hiện quy định pháp luật về vận tải ở Việt Nam. Thông điệp Bộ GTVT đưa ra là tạo môi trường pháp lý bình đẳng trong vận tải, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong tất cả các phương thức vận tải.

Cảm ơn ông!

Trần Duy