Uber có hệ thống báo động bí mật để đối phó cảnh sát (Kỳ 1)
Hồi tháng 5/2015, khoảng 10 nhà điều tra của của cơ quan thuế tỉnh Quebec, Canada xông vào văn phòng của Uber Technology tại thành phố Montreal. Họ tin rằng công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới vi phạm luật thuế và có lệnh khám để thu thập bằng chứng. Một số người biết vụ việc kể với Bloomberg rằng các nhà quản lý của Uber tại văn phòng đã thực hiện một hành động trước khi nhóm nhà điều tra xuất hiện.
Hệ thống báo động của Uber là cơ chế hiệu quả để hãng đối phó hoạt động điều tra của lực lượng thực thi pháp luật khắp thế giới. Ảnh: Business Insider |
Giống như các nhà quản lý của hàng trăm văn phòng Uber bên ngoài nước Mỹ, họ đã được huấn luyện cách ấn một số điện thoại để báo động những nhân viên đặc biệt tại trụ sở công ty ở thành phố San Francisco, Mỹ. Khi nhận cuộc gọi, những nhân viên đặc biệt nhanh chóng truy xuất mọi máy tính trong văn phòng ở Montreal, khiến nhóm điều tra không thể lấy dữ liệu của Uber. Vì thế, họ rời khỏi văn phòng mà không có bất kỳ bằng chứng nào.
Phần lớn doanh nghiệp công nghệ không dự đoán cảnh sát sẽ thường xuyên đột kích văn phòng của họ. Song Uber là một ngoại lệ. “Danh tiếng” về khả năng lách luật lao động và luật về vận hành taxi của Uber khiến hãng trở thành mục tiêu theo dõi của các lực lượng thực thi pháp luật khắp thế giới. Vì thế, Uber tạo ra hệ thống điều khiển máy tính từ xa mà họ gọi là “Ripley”. Từ mùa xuân năm 2015 tới tận cuối năm 2016, Uber thường xuyên sử dụng Ripley để đối phó những vụ kiểm tra của cảnh sát ở nước ngoài, theo lời kể của 3 người biết về Ripley.
Đội ngũ nhân viên phụ trách Ripley tại trụ sở của Uber có thể đổi mật khẩu máy tính của các văn phòng ở nước ngoài, chặn việc truy xuất dữ liệu trên điện thoại, laptop và máy tính để bàn thuộc sở hữu công ty. Ngoài ra, họ còn có thể tắt mọi thiết bị từ xa.
Nhiều công ty khác cũng tắt máy tính khi cảnh sát xông vào văn phòng, và chỉ cho phép cảnh sát truy cập máy tính và các thiết bị sau khi xem lệnh khám. Uber có lý do để thận trọng với những thông tin nhạy cảm về khách hàng và vị trí của họ trên thế giới. Ripley “nổi tiếng” vì Uber sử dụng nó khá thường xuyên. Một số nhân viên của Uber kể rằng hãng đã kích hoạt nó ít nhất hơn 20 lần.
Giống như mọi công ty có chi nhánh khắp thế giới, chúng tôi có các thủ tục an ninh để bảo vệ dữ liệu của công ty cũng như khách hàng. Đối với các cuộc điều tra của chính phủ, chúng tôi luôn hợp tác nếu các nhà điều tra cần dữ liệu”, Uber tuyên bố.
Bộ Tư pháp Mỹ từng mở cuộc điều tra hình sự đối với Uber trong ít nhất 5 lần. Chẳng hạn, hồi tháng 2 năm ngoái, báo New York Times đưa tin Uber dùng một phần mềm mang tên Greyball để tạo ra một ứng dụng giả. Nó giống hệt ứng dụng Uber thật, nhưng có khả năng giúp các tài xế tránh vé phạt của cảnh sát khi họ phạm luật giao thông. Sự tồn tại của Ripley giúp nhiều nhóm điều tra hiểu nguyên nhân khiến họ không thể lấy dữ liệu từ các máy tính bị khóa hay các file được mã hóa. Ông Albert Gidari, giám đốc về quyền riêng tư của Trung tâm Internet và Xã hội thuộc Đại học Luật Stanford (Mỹ) nhận định các công tố viên có thể xem xét khả năng kiện Uber vì cản trở lực lượng thực thi pháp luật bằng hệ thống báo động độc đáo này.
“Ranh giới giữa việc bảo vệ dữ liệu công ty và cản trở thực thi công lý là rất mong manh”, ông bình luận.
Khoảng một năm sau khi nhóm điều tra thuế xông vào văn phòng Uber ở Quebec, một thẩm phán ở Quebec nhận định rằng Uber muốn giấu mọi bằng chứng về hoạt động phi pháp của hãng và hành động đó cản trở việc thực thi công lý”. Đáp lại, Uber khẳng định họ chưa bao giờ xóa các tệp dữ liệu. Sau đó Uber hợp tác với các nhà điều tra trong lần khám xét thứ hai bằng cách cho họ tiếp cận dữ liệu trong các máy tính. Ngoài ra, Uber cũng đồng ý thu thuế từ khách hàng mỗi khi họ sử dụng dịch vụ.