|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quan hệ từ 'anh em' thành kẻ thù giữa Google và Uber

19:01 | 08/02/2018
Chia sẻ
Tham vọng phát triển xe tự lái và dịch vụ đặt xe trực tuyến của Uber khiến thâm tình giữa hãng và Google rạn nứt, để rồi sau đó hai bên đối đầu nhau trong một cuộc chiến pháp lý.

Vài năm trước, Uber Technologies tự coi họ là em của Alphabet, tập đoàn sở hữu Google. Năm 2013, Google đầu tư 258 triệu USD vào Uber và tích hợp Uber vào Google Map. Nhưng quan hệ nồng ấm giữa hai bên nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu và dẫn tới một cuộc chiến pháp lý, với phiên xử đầu tiên diễn ra tại tòa án liên bang ở thành phố San Francisco vào ngày 6/2 theo giờ Mỹ.

Xuất hiện trong phiên tòa, ông Travis Kalanick, cựu tổng giám đốc Uber, mô tả quá trình thay đổi quan hệ giữa ông và Larry Page,Tổng giám đốc Alphabet, do hai bên cạnh tranh trong quá trình phát triển công nghệ xe tự lái và ứng dụng gọi xe trực tuyến, Reuter đưa tin.

quan he tu anh em tha nh ke thu giu a google va uber ky 1
Ông Travis Kalanick, người đồng sáng lập và cựu tổng giám đốc Uber, rời khỏi Tòa án liên bang Mỹ tại thành phố San Francisco hôm 7/2. Ảnh: Forbes

Một năm trước, Waymo, công ty chế tạo xe tự lái trực thuộc Uber, tố cáo một cựu kỹ sư của họ từng tải hơn 14.000 trang tài liệu mật vào năm 2015 trước khi nghỉ việc. Anthony Levandowski, tên của kỹ sư đó, thành lập một công ty chế tạo xe tự lái. Uber mua lại công ty của anh vào năm 2016.

Waymo ước tính thiệt hại do Levandowski gây ra lên tới 1,9 tỷ USD, nhưng Uber phản đối. Levandowski không phải bị đơn trong vụ kiện của Waymo.

Thông tin mà Kalanick cung cấp trong phiên xử ngày 6 và 7/2 là phần quan trọng của vụ kiện. Kết quả của phiên tòa sẽ tác động tới một trong những mảng hấp dẫn nhất ở Thung lũng Silicon: Phát triển xe tự lái.

“Trong giai đoạn đầu của Uber, quan hệ của chúng tôi với Google giống như một người em với một ông anh”, Kalanick nói trước tòa. Ông kể rằng, hồi ấy, Larry Page và David Drummond, một nhà quản lý cấp cao của Alphabet, giống như hai người thầy đối với ông, một người chưa có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp.

Sau khi Uber biết tin Alphabet muốn phát triển dịch vụ đặt xe trực tuyến qua ứng dụng trên thiết bị di động, Uber khởi động dự án chế tạo xe tự lái. Nhưng Alphabet đã thực hiện dự án tương tự từ năm 2009. Uber thuê 40 chuyên gia từ Đại học Carnegie Mellon để thành lập phòng nghiên cứu xe tự lái ở bang Pennsylvania, một quyết định khiến Larry Page không hài lòng.

“Anh ấy tỏ ra giận và hỏi: Tại sao cậu lại thực hiện ý tưởng của tôi?”, Kalanick mô tả phản ứng của Larry Page.

Việc Uber mua Otto, công ty do Levandowski sáng lập, càng khiến sự rạn nứt giữa Kalanick và Uber trở nên lớn hơn. Vài ngày sau khi Uber công bố thương vụ mua Otto, ông Drummond rời khỏi hội đồng quản trị Uber. Lúc ấy, Kalanick cảm thấy một cuộc chiến pháp lý sẽ xảy ra.

Mặc dù nổi tiếng là người nóng nảy, Kalanick tỏ ra điềm đạm trong phiên xử hôm 7/2. Ông trả lời ngắn gọn mỗi khi nhóm luật sư của Waymo hỏi.

Charles Verhoeven, một người trong nhóm luật sư của Waymo, cho Kalanick xem một tin nhắn SMS mà trong đó kỹ sư Levandowski nói với Kalanick: “Tôi coi đây là một cuộc đua mà chúng ta phải thắng. Người về thứ hai vẫn là kẻ thua cuộc”. Kalanick thừa nhận ông đồng ý với quan điểm đó.

Kalanick buộc phải từ chức Tổng giám đốc Uber hồi tháng 6 năm ngoái sau hàng loạt vụ tai tiếng và cuộc điều tra của giới chức. Thương vụ mua Otto và phát triển xe tự lái diễn ra trong thời kỳ ông còn tại nhiệm.

Ban điều hành Waymo cho rằng Kalanick muốn thúc đẩy quá trình phát triển xe tự lái của Uber nên ông nhanh chóng mua Otto và bổ nhiệm Levandowski mà không lường trước nguy cơ. Theo họ, Kalanick bực bội vì chương trình xe tự lái của Uber tiến triển chậm hơn chương trình xe tự lái của Waymo, và nghĩ Levandowski có thể xoay chuyển tình thế.

Kalanick khẳng định trước hội đồng xét xử rằng ông chưa bao giờ thấy bất kỳ bài báo hay thông tin mật nào cho thấy Levandowski lấy cắp tài liệu bí mật của Google.

Nhạc Dương