Tỷ phú Elon Musk có kế hoạch tự cấy chip vào não
Liên doanh công nghệ y tế của Elon Musk, Neuralink, đã chia sẻ các bản cập nhật cho công nghệ cấy ghép não của mình trong một sự kiện gần đây. Musk cho biết rằng ông dự định trở thành một trong những người tham gia thử nghiệm, theo CNBC.
Elon Musk cho biết hai trong số các ứng dụng mà con chip của công ty có thể làm được khi cấy ghép vào não sẽ nhằm phục hồi thị lực, ngay cả đối với những người mù bẩm sinh và ứng dụng thứ ba sẽ tập trung vào vỏ não vận động, phục hồi “chức năng toàn thân” cho những người bị đứt dây thần kinh. “Chúng tôi tin rằng không có giới hạn vật lý nào trong việc phục hồi chức năng toàn thân”, Musk nói.
Musk cho biết Neuralink có thể bắt đầu thử nghiệm công nghệ vỏ não vận động ở người sau 6 tháng nữa. “Rõ ràng là chúng tôi rất cẩn thận và muốn chắc chắn rằng nó sẽ hoạt động tốt trước khi đưa một thiết bị vào cơ thể con người, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã nộp hầu hết các thủ tục giấy tờ của mình cho FDA”, ông nói.
Elon Musk cũng cho biết ông có kế hoạch tự mình sẽ cấy một con chip. “Bạn có thể cấy ghép một thiết bị Neuralink ngay bây giờ và thậm chí bạn sẽ không biết mình bị cấy. Thực tế, tôi sẽ trở thành một trong những bản demo”, CEO Tesla nhấn mạnh.
Sự nghi ngờ về kế hoạch của Elon Musk và Neuralink
Vì không có thiết bị nào của Neuralink được thử nghiệm trên người hoặc được FDA chấp thuận, nên thông báo mới nhất của Elon Musk cho thấy sự hoài nghi, Xing Chen, trợ lý giáo sư tại Khoa Nhãn khoa - Đại học Y khoa Pittsburgh cho biết.
“Tôi không biết có bao nhiêu sự giám sát liên quan tới Neuralink, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng đối với công chúng là mọi người cần nhớ rằng trước khi có bất kỳ thứ gì được FDA hoặc các cơ quan quản lý chính phủ nào phê duyệt, tất cả các tuyên bố đều cần phải rất rõ ràng”, trợ lý giáo sư Xing Chen cho biết.
Neuralink được thành lập vào năm 2016 bởi Elon Musk và một nhóm các nhà khoa học cùng kỹ sư khác. Công ty này cố gắng phát triển các giao diện não - máy tính, hay BCI, kết nối não người với các máy tính có thể giải mã các tín hiệu thần kinh.
Musk đã đầu tư cả “núi tiền” của mình vào công ty. Tỷ phú giàu nhất thế giới hiện tại cho biết các thiết bị của Neuralink có thể kích hoạt “nhận thức siêu phàm”, cho phép những người bị liệt vận hành điện thoại thông minh hoặc tay chân robot bằng trí óc của họ vào một ngày nào đó, đồng thời “giải quyết” chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt .
Bài thuyết trình mới nhất của CEO Tesla đã lặp lại những tham vọng này, khi Musk tuyên bố rằng “nghe có vẻ kỳ diệu, song chúng tôi tin tưởng rằng Neuralink có thể khôi phục chức năng toàn bộ cơ thể cho một người bị đứt tủy sống”.
Musk đã chiếu cảnh quay một con khỉ với con chip máy tính trong hộp sọ đang chơi “telepathic video games”, trò chơi mà Neuralink ra mắt lần đầu tiên hơn một năm trước. Vị tỷ phú đồng thời là CEO của Tesla và SpaceX, vào thời điểm đó cho biết ông muốn cấy chip Neuralink vào những người liệt tứ chi, bị chấn thương não hoặc cột sống để họ có thể “điều khiển chuột máy tính, điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị nào chỉ bằng suy nghĩ”.
Anna Wexler, trợ lý giáo sư về đạo đức y tế và chính sách y tế tại Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết các bài thuyết trình của Neuralink là điều bất thường đối với các công ty trong lĩnh vực thiết bị y tế. Cô cho rằng sẽ là rủi ro khi Neuralink cố gắng khuyến khích những người khuyết tật nuôi hy vọng, đặc biệt họ có thể bị thương khi công nghệ được cấy ghép trong quá trình phẫu thuật.
Wexler khuyến khích mọi người nên đặt ra nghi vấn về những tuyên bố của Neuralink. Cô nói: “Từ góc độ đạo đức, tôi nghĩ rằng sự cường điệu đó rất đáng lo ngại. Sao Hỏa hoặc Twitter có thể là một chuyện khác, nhưng khi bạn bước vào lĩnh vực y tế, rủi ro sẽ cao hơn”. Wexler cũng tin rằng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tính toán lợi ích - rủi ro cá nhân của từng bệnh nhân.
Chen, chuyên gia về BCI, cho biết việc cấy ghép của Neuralink sẽ yêu cầu các đối tượng tham gia phải trải qua một quy trình đặc biệt. Các bác sĩ sẽ cần tạo một lỗ trên hộp sọ để đưa thiết bị vào mô não.
Mặc dù vậy, cô nghĩ rằng một số người sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro. “Có khá nhiều chứng rối loạn, chẳng hạn như động kinh, Parkinson và chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trong đó mọi người đã được cấy ghép não và các chứng rối loạn đã được điều trị khá thành công, cho phép họ cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì vậy, tôi cảm thấy rằng có nhiều người sẵn sàng tham gia với Neuralink”, trợ lý giáo sư Chen nói.
Neuralink không phải là công ty duy nhất đang cố gắng đổi mới bằng cách sử dụng BCI. Thực tế, nhiều công ty đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm gần đây. Blackrock Neurotech đang trên đường đưa hệ thống BCI ra thị trường vào năm tới, điều này sẽ khiến nó trở thành BCI thương mại đầu tiên trong lịch sử.