Tuyến metro đầu tiên ở TP.HCM dần thành hình
Tuyến metro số 1 đang dần hoàn thiện |
Đó là nhà ga khu công nghệ cao của dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) dài gần 20 km, đi qua các quận: 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và H.Dĩ An (Bình Dương).
Ông Nguyễn Ngọc Lễ, phụ trách gói thầu CP2 (từ ga Ba Son đến depot), cho biết nhà ga khu công nghệ cao đã hoàn thành 100% kết cấu thép, mọi công tác lắp xà gồ cũng đã hoàn chỉnh, chỉ còn chờ lợp mái. Đây là nhà ga đầu tiên thuộc tuyến metro được lắp đặt và hoàn thành phần kết cấu thép mái vòm nên trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do công nhân còn nhiều bỡ ngỡ.
Bên cạnh đó, toàn bộ phần khung thép là dạng lớn, siêu trường, siêu trọng phải chuyển về công trường vào buổi tối, công tác tập kết cũng vì thế khó khăn hơn. “Nhà ga đầu tiên phải mất 1 tháng rưỡi mới hoàn thành, nhưng giờ anh em quen tay, quen việc rồi, những nhà ga sau tiến độ sẽ nhanh hơn nhiều”, ông Lễ tự tin.
Vượt khó, đua với thời gian
Song song với nhà ga khu công nghệ cao, nhà ga Bình Thái (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) cũng đang thực hiện nước rút những công đoạn cuối cùng. PV Thanh Niên có mặt tại nhà ga những ngày cuối tháng 4, nhận thấy tiến độ thi công rất gấp rút. Nhiều công nhân treo mình trên bộ khung mái vòm dưới cái nắng cháy da của trưa hè để làm việc. Đây là một trong những nhà ga được thi công đầu tiên trong 11 nhà ga trên cao thuộc tuyến metro số 1 và cũng là nhà ga gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình thi công, tính đến thời điểm hiện tại.
Theo thông tin từ phía Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - chủ đầu tư dự án, nhà thầu liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC) đã thi công hoàn thành cầu cạn phần dầm U lắp ghép (còn lại dầm nhịp dẫn và dầm 3 nhịp liên tục), đã hợp long 3/5 cầu đặc biệt và hoàn thành kết cấu bê tông cốt thép 11/11 nhà ga. Theo kế hoạch, nhà thầu sẽ sản xuất, lắp đặt để hoàn thành kết cấu mái thép 2 nhà ga Bình Thái và khu công nghệ cao (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) vào đúng ngày hôm nay (30.4) nhằm chào mừng kỷ niệm 43 năm ngày đất nước thống nhất, nhưng tới giờ chót chỉ có thể hoàn thành ở nhà ga khu công nghệ cao.
Hệ thống mái vòm được làm bằng thép, phần khung sơn màu trắng, chạy dọc theo chiều dài nhà ga, cơ bản đã hoàn thiện. Anh Toàn, đại diện nhà thầu GS (nhà thầu chính phần xây lắp nhà ga), cho biết 100% hệ thống kèo và giằng đã lắp xong, hiện đang triển khai lắp xà gồ, tiến độ cũng đã đạt 40%. Hai ngày thứ bảy và chủ nhật trước lễ, công nhân sẽ tăng công suất để nâng tiến độ hoàn thành lên khoảng 50%.
Cũng theo anh Toàn, một khó khăn nữa khi triển khai xây dựng nhà ga dọc tuyến metro chạy trên cao là không thể dùng xe cẩu tiếp cận từ phía ngoài như các công trình khác vì sẽ lấn vào đường giao thông của người dân. Để khắc phục, nhà thầu phải đưa xe cẩu lên phần ray trên cao.
“Khó khăn lớn nhất vẫn là đường điện, nó hạn chế cẩu đã đành, mà còn khiến anh em không làm việc được nếu trời mưa. Dang nắng cả ngày trời không sao chứ mưa là anh em phải ngưng, lãng phí một buổi ai cũng sốt ruột”, anh Toàn chỉ tay về phía đường điện gần đó nói. “Nhưng chúng tôi phải chủ động, không chờ ga Bình Thái mà đang cùng lúc tiến hành lắp khung mái thêm 2 nhà ga khác dọc tuyến”, anh Toàn cho biết.
Giải tỏa áp lực giao thông khu vực
Theo thiết kế, ga Bình Thái và ga khu công nghệ cao là 2 nhà ga loại A với chiều rộng trung bình khoảng 22 m, diện tích mái 3.000 m2, diện tích sàn 1.700 m2, chiều cao 19,45 m.
Nhà ga có 2 tầng trên cao, tầng 1 kết cấu bê tông cốt thép, tầng mái kết cấu lai khung thép. Hệ thống thang cuốn, thang bộ, thang máy được bố trí để vào khu vực thương mại, phòng đợi lớn bao gồm khu vực đã mua vé tàu và chưa mua vé tàu tại tầng 1, sân ga tại tầng 2. Khu vực thương mại bao gồm các ki ốt, cửa hàng sẽ được bố trí riêng biệt với khu vực của hệ thống tàu điện.
Ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết dự kiến đến cuối năm 2018, đơn vị sẽ tiếp tục lắp mái vòm 6 nhà ga tương tự trên toàn tuyến và sẽ hoàn thiện cả 11 nhà ga trong năm 2019.
Về tổng thể các gói thầu thuộc dự án tuyến metro số 1, ông Hòa cho biết tiến độ đã đạt khoảng 52%. “Dù khó khăn về vốn cấp phát từ T.Ư nhưng lãnh đạo TP đã 4 lần tạm ứng ngân sách 3.217 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu, thể hiện quyết tâm đưa tuyến metro số 1 về đích đúng kế hoạch. Hiện công trường vẫn tiếp tục thi công với mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP năm 2020”, ông Hòa nói.
Tuyến metro số 1 có ý nghĩa kinh tế xã hội rất lớn đối với TP.HCM. Nghiên cứu của JICA cho thấy, nếu không xây dựng metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên, để đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến này phải cần hệ thống xe buýt với thời gian giãn cách 10 giây/chuyến trong suốt giờ cao điểm và cần 5.000 xe buýt/ngày, dự báo vào năm 2020 cần khoảng 6.000 - 10.000 xe buýt/ngày.
Khi thực hiện dự án, dự báo tuyến đường này đến năm 2020 sẽ thu hút được 625.000 lượt hành khách/ngày đêm. Đến năm 2040 sẽ có hơn 1 triệu lượt hành khách/ngày đêm. Đường sắt sẽ trở thành xương sống vận chuyển hành khách công cộng, còn xe buýt thành mạng lưới thu gom.
Số xe buýt chạy trên hành lang xa lộ Hà Nội sẽ giảm khoảng 50 - 70%, không còn tình trạng ùn tắc giao thông.
Kích hoạt cả một vùng kinh tế
Không chỉ thế, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến khu vực ngoại thành quận 2, 9, Thủ Đức và TX.Dĩ An (Bình Dương). Trong tương lai, tuyến sẽ kéo dài đến TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Các khu đô thị mới hình thành, phát triển nhanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tăng doanh thu cho việc khai thác và vận hành tuyến đường sắt này.
PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, đánh giá tuyến metro số 1 hoàn thành sẽ tác động trực tiếp đến bộ mặt đô thị của TP hiện nay. Đó là kết thúc tất cả các điểm xây dựng, các lô cốt đang chiếm dụng mặt đường, gây ách tắc giao thông, trả lại không gian kinh doanh cho các hộ gia đình sống tại khu vực bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng trong suốt thời gian qua, đặc biệt là khu vực buôn bán sầm uất như đoạn nhà ga Bến Thành.
Người dân dần hình thành thói quen mua bán trong sân ga, đô thị ngày càng trở nên văn minh. “Khi các tuyến đi vào hoạt động thì tất cả hệ thống xe buýt xung quanh cũng sẽ được sắp xếp lại, có trật tự để đảm bảo phục vụ khách đi, đến các ga thuận tiện”, ông Hoàng nói.
TS Nguyễn Bá Hoàng cũng lưu ý giao thông công cộng chỉ thật sự phát triển khi hình thành cả một mạng lưới. Theo quy hoạch, TP sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị. Để có thể triển khai hiệu quả, đảm bảo nguồn vốn xây dựng cho hệ thống 8 tuyến này, không thể tiếp tục sử dụng vốn vay nước ngoài, vừa khiến nợ công tăng cao, vừa phụ thuộc về kỹ thuật, nhân công, máy móc...
“Nên phát huy tiềm lực, nội lực hiện có. Giao cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực khai thác, quy hoạch xung quanh nhà ga, kết hợp phát triển đường sắt song song với phát triển đô thị dọc tuyến để tạo nguồn vốn xây dựng mạng lưới metro rộng khắp”, ông Hoàng nhấn mạnh.