Chuyên gia đề xuất giải pháp phát triển đô thị gắn với hệ thống metro
Theo Phó chủ tịch Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số. Tỷ lệ đất dành cho giao thông với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh còn thấp so với qui chuẩn với đô thị lớn, nhất là đô thị đặc biệt.
"Trong phát triển giao thông, định hướng là phát triển đồng bộ, ưu tiên giao thông công cộng với loại hình vận tải là khối lượng lớn và trung bình, nhiều đô thị lớn đang xác định trọng tâm là phát triển đường sắt đô thị.
Đây là xu thế khoa học, song rất cần xây dựng hệ thống kỹ thuật đặc thù để gắn với ứng dụng phù hợp thực tế từng đô thị, nhất là khi áp dụng mô hình TOD", Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay.
Trước nhu cầu phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các đô thị hiện nay, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD-Transit Oriented Development) được đánh giá là một trong những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình TOD là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư, từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Các đô thị được phát triển theo mô hình TOD thường được xây dựng xung quanh các bến xe bus, ga tàu điện hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác.
Viện trưởng Đặng Huy Đông, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cũng đồng tình khi cho rằng mô hình TOD là giải pháp thiết thực và hiệu quả trong phát triển đô thị hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM hiện nay.
Viện trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, tầm quan trọng và sự cần thiết của mô hình TOD tại các nhà ga thuộc hệ thống Metro (dự án Metro TOD).
Theo mô hình này, giao thông đi đến đâu, đô thị phát triển đến đó, có mối quan hệ mật thiết tương hỗ với nhau. Bởi, đô thị kết nối thuận tiện với giao thông công cộng metro, sẽ giảm tắc đường. Lúc này, dân cư trong các đô thị là hành khách mặc định đảm bảo doanh thu cho metro.
Không những vậy, việc thực hiện dự án Metro TOD được kỳ vọng giúp huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đó tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.
Theo phân tích từ Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, Nhà nước quy hoạch và quản lý, tổ chức đấu giá nhượng quyền đầu tư các dự án bất động sản trong khu đô thị TOD sẽ tạo nguồn thu ngân sách đủ để đầu tư hệ thống metro mà không cần vay nợ nước ngoài. Bằng cách quản lý theo mô hình này, Nhà nước thu được lượng tiền lớn để đầu tư.
Với mô hình kinh tế tuần hoàn như vậy, các chuyên gia cho rằng, các đại đô thị như Hà Nội vàTP HCM cần sớm nghiên cứu áp dụng mô hình TOD cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn và phát triển đô thị bền vững, kết hợp giữa vai trò chủ đạo của Nhà nước với nguồn lực, sự sáng tạo khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển.
Đây cũng là giải pháp khả thi trước thách thức việc hoàn thành gần 600 km đường sắt đô thị còn lại; trong đó, Thủ đô Hà Nội 400 km vàTP HCM gần 200km trong vòng 12 năm tới.