Bình Dương xây nhà ga metro nối TP HCM
Thông tin được ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết trong buổi họp báo công bố quy hoạch Bình Dương chiều 19/9. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Bình Dương sẽ khởi công ngày 26/9 tới.
Theo ông Dũng, dự án nhà gà metro nằm trong tổ hợp vòng xoay A1 khởi động sẽ kết nối tuyến metro từ TP HCM về Bình Dương, trong đó nhà ga sẽ chiếm 5.800 m2 kết hợp thương mại dịch vụ.
Nhà ga sẽ nằm dưới trung tâm thương mại dịch vụ vòng xoay A1 tại thành phố mới bên cạnh Trung tâm hành chính Bình Dương. Dự án sẽ được thi công trong 18 tháng với kinh phí khoảng 2.400 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, khu tổ hợp này sẽ đáp ứng hoạt động cho khoảng 14.700 khách và 1.630 người làm việc.
Theo ông Dũng, đây là khu phức hợp đa chức năng gồm văn hóa, thương mại dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, nhà ga trung tâm... Điểm nhấn của dự án là quảng trường có sức chứa từ 4.000 đến 10.000 người. Nhà thi đấu, biểu diễn nghệ thuật trong nhà có sức chứa 4.000 người cùng lúc.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện tuyến metro nối dài từ TP HCM về Bình Dương đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản nghiên cứu, nhưng về cơ bản điểm cuối sẽ kết nối với nhà ga tại vòng xoay 7 ha. Theo tính toán để đầu tư nối metro từ Suối Tiên đến Bình Dương dài khoảng 30 km, tổng kinh phí hơn 51.700 tỷ đồng.
Việc kết nối metro từ TP HCM đi Bình Dương và Đồng Nai cũng được các địa phương liên quan lấy ý kiến. Theo phương án đưa ra, đoạn cuối Metro số 1 ở ga bến xe Suối Tiên (TP HCM) sẽ tiếp tục nối dài dọc quốc lộ 1 sau đó rẽ trái nối qua ga Bình Thắng (ga S0) trước nút giao Tân Vạn (Bình Dương).
Từ khu vực trên, tuyến metro chia làm hai nhánh. Một nhánh tới Bình Dương với chiều dài gần 30 km, xây trên cao. Từ ga S0, tuyến chạy qua nút giao Bình Chuẩn, sau đó nối đến Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương (TP Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một). Nhánh còn lại dài 18,3 km đi trên cao về tỉnh Đồng Nai, nối đến các điểm như ngã ba Vũng Tàu, Chợ Sặt, khu vực xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).
Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, hệ thống metro kết nối vùng sẽ có 8 tuyến. Đó là tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP HCM - Cần Thơ, TP HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Hiệp Phước.