|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tuyên bố không ngại cạnh tranh với Zara, H&M, thời trang MYM của bà chủ cũ chuỗi Maximark bất ngờ đóng cửa

20:21 | 08/07/2019
Chia sẻ
Tâm huyết của bà Ánh Hồng, chủ cũ chuỗi Maximark, và con gái Ý Vân, thương hiệu thời trang MYM mới đây đã chính thức nói lời tạm biệt với thị trường.

Cuối tháng 6, website thương hiệu thời trang MYM bất ngờ đưa thông tin "Chia tay gần đến," trong đó thương hiệu này cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trên toàn quốc sau ngày 30/6. 

Việc đóng cửa dần các của hàng đã được MYM thực hiện từ đầu tháng 6. Công ty cho biết sẽ phục vụ người mua sắm tại khoảng 12 điểm bán hàng đến hết tháng 7.

Trong nửa đầu tháng 7 này, MYM tiến hành thanh lý toàn bộ hàng tồn với giá "cực rẻ, cực tốt".

thanh-ly

(Nguồn: MYM)

Được điều hành bởi Võ Ngọc Ý Vân cùng sự hẫu thuẫn của mẹ, doanh nhân Nguyễn Ánh Hồng, cái tên MYM có lẽ đã hàm chứa tất cả những gì họ muốn với thương hiệu của mình.

"Make Your Miracle" (tạm dịch: Tạo nên điều kì diệu của chính bạn). Thế nhưng, với lời chia tay gần đây, rất nhiều điều kì diệu của thương hiệu MYM vẫn còn dang dở...

Hành trình từ chuỗi siêu thị Maximark

nguyen-anh-hong-1557050021

Bà Nguyễn Ánh Hồng từng để lại nhiều dấu ấn với chuỗi siêu thị Maximark. (Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn)

Hình ảnh bà Nguyễn Ánh Hồng vốn từng gắn liền với chuỗi siêu thị Maximark. Sau một thời gian mở cửa hàng kinh doanh và điều hành một số công ty nhỏ, bà Ánh Hồng mở siêu thị Maximark đầu tiên trên đường 3/2, quận 10, TP HCM vào năm 1996, sau khi bà nhận ra thị trường Việt Nam còn khuyết nhiều cơ hội cho phân khúc này.

Lúc ấy, bà Ánh Hồng mới chỉ vừa bước qua tuổi 24. 

Bà Ánh Hồng được xem là một trong những người khai phá mô hình chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Dù vậy, do đi theo chiến lược chỉ mở siêu thị ở những vị trí đẹp và đắc địa, tốc độ mở rộng của Maximark không quá ấn tượng sau 20 năm hoạt động.

Đến tháng 11/2015, thị trường bán lẻ bất ngờ trước thông tin Vingroup đã mua lại chuỗi Maximark của bà Ánh Hồng trong một thương vụ mà không có nhiều chi tiết về tài chính được tiết lộ. 

Dù vậy, thông tin từ báo cáo tài chính được VinGroup công bố vào năm sau đó cho thấy Maximark có thể đã được bán đi với giá trên 1.800 tỉ đồng.

… cho tới bén duyên ngành thời trang

mym3

MYM được xây dựng trên nền tảng của Emigo nhưng đi theo phong cách thời trang khác. (Nguồn: Tạp chí doanh nhân online)

Thời điểm bán chuỗi Maximark cho Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) vào cuối tháng 10/2015, tức sau chưa đầy 20 năm khai phá ngành bán lẻ trong nước, bà Ánh Hồng chia sẻ với truyền thông rằng bà sẽ không còn hoạt động thêm trong lĩnh vực bán lẻ. 

Thế nhưng, chỉ chưa đầy một tháng sau đó, bà đã hậu thuẫn con gái mua lại thương hiệu thời trang Emigo từ Vingroup với số vốn đầu tư 300 tỉ đồng. Emigo sau đó được bà Ánh Hồng và con gái Ý Vân đổi tên thành MYM.

Dù vậy, quyết định bén duyên với ngành thời trang của bà Ánh Hồng không hoàn toàn là một điều ngẫu nhiên.

Con gái bà, Ý Vân, có nền tảng vững chắc ở ngành này khi ngành thiết kế thời trang ở Philadelphia University và chuyên ngành quảng cáo thời trang tại Temple University. 

Quay trở về Việt Nam với mong muốn xây dựng một thương hiệu thời trang riêng, Ý Vân cùng mẹ mua lại Emigo từ VinGroup để tiết kiệm thời gian hơn so với phương án xây dựng từ mới với các hạng mục như nhà xưởng hay máy móc.

Thời trang MYM đi theo hướng những món đồ giao thoa hoàn hảo giữa tính chất thời trang và sự tiện dụng. Vân từng chia sẻ với truyền thông rằng: "Chúng tôi muốn tạo ra những mẫu thiết kế đảm bảo yếu tố thời trang nhưng không kém phần tiện dụng, để khách hàng dù đang đi chơi nhưng có cuộc họp gấp thì vẫn duện bộ trang phục đang mặc đến đó được".

Emigo được thành lập với tên gọi đầy đủ là CTCP Thời trang Emigo Việt Nam vào ngày 30/6/2014. Đầu tháng 12/2015, sau khi đổi tên thành CTCP Thời trang M.Y.M, vốn điều lệ công ty đạt 100 tỉ đồng, trong đó Vingroup nắm sở hữu 70%, còn lại hai cá nhân là Dương Thị Thanh Ngà và Nguyễn Hiền Thư mỗi người nắm 15%.

Đến giữa tháng 12/2015, M.Y.M tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ đồng, các cổ đông đều tăng số vốn góp, tuy nhiên tỉ lệ sở hữu của Vingroup giảm còn 39%, hai cá nhân còn lại cùng tăng lên 20,5%; còn 20% không được tiết lộ ai sở hữu.

Theo thông tin người viết tìm hiểu, tính đến tháng 9/2017, vốn điều lệ M.Y.M tăng lên 320 tỉ đồng; trong đó, hai cá nhân trên đã thoái toàn bộ vốn, còn Vingroup giảm sở hữu xuống 19%.

Người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của M.Y.M hiện này là chồng bà Ánh Hồng, ông Võ Ngọc Thành (từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư An Phong – Hệ thống Maximark từ năm 1996 – 2015).

Từng tuyên bố khó khăn nhưng có lợi thế cạnh tranh với những thương hiệu thời trang nước ngoài

1-1510281152033-crop-1510281163214

Võ Ngọc Ý Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thời trang M.Y.M, không ngại cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài nhờ lợi thế am hiểu thị trường. (Ảnh: DNSG)

Bà Ánh Hồng từng thừa nhận ngành thời trang tại Việt Nam rất khó chinh phục bởi nhiều yếu tố như thị trường và thị hiếu khách hàng. 

Ở phân khúc cao cấp, các thương hiệu Việt Nam như MYM chịu không ít áp lực từ những thương hiệu nước ngoài đến từ Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Trong khi đó, ở phân khúc giá thấp, sức ép nhiều từ sản phẩm từ Trung Quốc. Phần lớn người dùng Việt cùng lúc cũng ưu ái thương hiệu ngoại hơn.

Vì những lý do này bà chủ chuỗi Maximark chia sẻ bà có mong muốn phát triển thương hiệu từ nước ngoài trước, sau đó mới đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, chiến lược này lại không phù hợp bởi bà và con gái đã chọn con được mua lại một thương hiệu trong nước để bắt đầu.

Dù có những khó khăn, thương hiệu MYM vẫn tự tin mình có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn từ nước ngoài như Zara hay H&M nhờ sự am hiểu về thị trường. 

Ý Vân nhận định cho dù một thương hiệu mạnh đến mức nào đi chăng nữa thì cũng không thể làm hài lòng tất mọi người, vì thế những thương hiệu thời trang Việt Nam nói chung và MYM nói riêng vẫn luôn có thể tìm được chỗ đứng của mình. 

MYM có thế mạnh ở việc am hiểu "phom dáng" của người Việt. Trong một bài phỏng vấn, Ý Vân từng chia sẻ rằng một chiếc váy với thiết kế từ Italia có thể phù hợp với phom dáng người Italia nhưng chưa chắc người Việt Nam khi mặc đã cảm thấy đẹp và phù hợp.

Ý Vân từng lên kế hoạch sẽ đưa thương hiệu MYM đến Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc và Singapore cho tới năm 2020. 

Dù vậy, với lời chia tay gần đây, điều kì diệu này đã không thể xảy ra. Mặc dù không công bố lý do, sự ra đi của MYM phần nào đó đã cho thấy sự khắc nghiệt của ngành bán lẻ thời trang trong nước trong bối cảnh thị hiếu người dùng Việt Nam vẫn rất ưu thích những thương hiệu nước ngoài.

Thái Sơn