Doanh nhân Nguyễn Ánh Hồng: Từ chuỗi siêu thị Maximark đến Thời trang MYM
Trong cửa hàng MYM vừa mở trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM), buổi trò chuyện với hai mẹ con bà Nguyễn Ánh Hồng - chủ thương hiệu thời trang MYM bắt đầu bằng những năm tháng kinh doanh bán lẻ mà bà cho là "cực như chăm con mọn".
Là một trong hai người (bà cùng với chị gái Nguyễn Ánh Hoa - chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart) đưa mô hình kinh doanh siêu thị về Việt Nam từ năm 1996, bà Nguyễn Ánh Hồng đã gầy dựng được Maximark thành một thương hiệu có uy tín ở Việt Nam.
Những tưởng cuộc sống của bà gắn chặt với những món hàng tiêu dùng hằng ngày, với rau củ, trái cây, quần áo, hàng gia dụng, văn hóa phẩm..., nhưng cuối năm 2015, giới kinh doanh và cả người tiêu dùng trong nước bất ngờ khi hay tin hệ thống siêu thị Maximark đã thuộc về Tập đoàn Vingroup. Mọi thông tin về thương vụ này được giữ kín đến phút chót, khi mọi giao dịch đã hoàn tất.
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho một trong số rất ít thương hiệu Việt Nam thành công đã bị sang tên đổi chủ, nhưng với bà Hồng thì thấy nhẹ nhõm. Bởi việc xây dựng và phát triển Maximark tuy đem đến nguồn tài chính lớn nhưng cũng mang lại cho bà sự mệt mỏi quá sức chịu đựng. Đó là chuyện nhân viên nhảy việc, chuyện kiểm tra từ các cơ quan ban ngành...
Dù siêu thị không có bất cứ sai sót nào hay vi phạm vấn đề gì nhưng có những ngày, bà phải tiếp đến 3 đoàn kiểm tra với cùng một nội dung. Mùa Tết là mùa kinh doanh bận rộn nhưng hết đoàn kiểm tra này tới đoàn khác, từ cảnh sát môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng dịch, cho tới đoàn tổng hợp quận, tổng hợp thành phố tìm đến. Vì thế bà đi đến quyết định dừng kinh doanh siêu thị khi đối tác đặt vấn đề sang nhượng.
Bán đứa còn tinh thần đã gầy dựng bao công sức nhưng bà Hồng không hề tiếc nuối. Bà bảo mình không ham danh cũng chẳng ham lợi. Sống vui là được rồi.
Cứ ngỡ sau khi đã nhượng lại chuỗi siêu thị Maximark bà sẽ được vui thú điền viên nhưng "nợ kinh doanh vẫn chưa dứt" khi phải "tiếp ứng" con gái trong việc điều hành và quản lý Công ty MYM - một thương hiệu mới trong làng thời trang Việt Nam.
Làm tường để con tựa lưng
* Bà bảo làm kinh doanh mệt mỏi quá thì nên dừng lại, nhưng sao lại chuyển qua thời trang - một lĩnh vực được cho là cực khó?
- Tôi đầu tư vào lĩnh vực này là vì con gái. Lúc đầu, tôi chỉ định mở một công ty nhỏ cho con làm, nhưng khi mua lại thương hiệu thời trang Emigo của Vingroup với số vốn quá lớn (đến 300 tỷ đồng) nên không thể để một mình con "bơi". Ý Vân có đam mê, có sáng tạo, có kiến thức điều hành nhưng kinh nghiệm thì còn phải học nhiều, vì vậy tôi phải theo để hỗ trợ con. Đã cương quyết về hưu nhưng vẫn chưa dứt được.
* Sau gần một năm thâm nhập lĩnh vực thời trang, vấn đề mà hai mẹ con bà gặp phải là gì?
- Khi mua lại Emigo chúng tôi đồng thời tiếp nhận một kho hàng tồn đến vài trăm ngàn sản phẩm cùng kho vải nguyên liệu khổng lồ. Thời gian qua là thời gian chúng tôi giải quyết lượng hàng tồn chứ chưa làm được cái riêng của mình. Và bây giờ mới là chặng đường mới của MYM.
Đã nhiều lần mẹ con tôi nói với nhau, mình làm kinh doanh giống như lao đầu vô đá, nếu đá mỏng, bể ra sẽ có đường đi tiếp, còn không thì vô bệnh viện vì vết thương. Tôi đã xác định đầu tư là chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận thất bại. Có như vậy thì đầu óc mình mới thanh thản được.
* Bà có thấy mình đã đặt lên vai con một gánh nặng quá lớn?
- Tôi không lo về công việc mà lo là đưa cho con một áp lực quá lớn. Nhưng con tôi không thấy áp lực mà tôi lại áp lực thay. Có những việc con làm chưa đạt nhưng nếu được ba mẹ hướng dẫn thì lại tiếp tục lao vô với tinh thần tràn đầy nhiệt huyết. Đây là lợi thế rất lớn trong kinh doanh và cả trong cuộc sống bởi tinh thần lạc quan là rất quan trọng.
* Chuyển qua một lĩnh vực mới hoàn toàn như vậy có khó khăn với bà không?
- Có lĩnh vực nào mà không khó đâu. Ngay cả bán xôi lề đường còn khó nói chi là kinh doanh lớn. Làm gì cũng có cái khó, chỉ là nhiều hay ít và mình có đủ thông minh để giải quyết cái khó đó hay không mà thôi.
Trước đây, kinh doanh siêu thị chỉ nhập hàng vô bán, còn với thời trang phải tính đến sản xuất. Lĩnh vực này chưa làm nên có chút bỡ ngỡ nhưng tôi tin mình sẽ học nhanh vì cũng có năng khiếu về thời trang.
Nhiều khi ngồi nghĩ, tôi thấy mạo hiểm nhưng coi đây như là cách mình bỏ tiền ra để mua cho con một bài học kinh nghiệm. Nếu thành công thì tốt, còn không thì cũng là bài học kinh nghiệm cho bước đường kinh doanh của con sau này.
* Nhưng bỏ ra một số tiền quá lớn như vậy để có được bài học kinh nghiệm cho con liệu có quá đắt?
- Tôi đang xây dựng cho con một cơ ngơi để khởi nghiệp. Mới đầu chỉ dự định bỏ ra một số tiền nhỏ nhưng do tình hình thay đổi nên đầu tư lớn. Hiện tại, cả gia đình dồn sức cho MYM nhưng vợ chồng tôi chỉ làm tường để con tựa lưng.
* Vậy khi nào bà sẽ rút lui và nhường sự nghiệp này cho con?
- Tôi đã nói với con là hai năm nữa sẽ rút lui để dành thời gian cho bản thân. Là người luôn biết tạo niềm vui cho mình nên tôi không cảm thấy chán nản trong cái rảnh rỗi của người về hưu.
Mỗi ngày thức dậy, tôi có đủ việc để làm, như tưới cây, trồng hoa..., và mỗi khi hết việc thì cũng đã 12 giờ đêm. Trước kia do quá bận rộn với việc kinh doanh, có biết bao nhiêu thứ mình muốn làm nhưng không làm được, đành hẹn đến thời điểm thật sự nghỉ hưu.
Nhiều người nói tôi luôn năng động sao có thể nghỉ việc, nhưng họ không biết bản chất của tôi là... nhác việc. Tôi cũng là người mê chơi hơn mê làm. Cứ không phải làm việc là tôi thấy vui. Khi có việc thì vì trách nhiệm tôi có thể lao vô làm bất kể thời gian nhưng khi có cơ hội buông là buông. Nhờ vậy mà tôi quyết định rất nhanh việc bán Maximark và cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi nó.
* Nói như bà thì làm sao có thể gầy dựng thành công một thương hiệu như Maximark?
- Tôi vẫn làm theo kiểu làm biếng đấy thôi! Lâu lâu tôi để lại tất cả để cùng gia đình đi chơi mươi ngày, nửa tháng. Trước đây, ba tôi cũng hay nói tôi là người rất lười biếng. Nếu làm siêng tôi đã giàu to lâu rồi.
Tôi không ham tiền chứ nếu ham tôi đã làm nhiều thứ cùng lúc với kinh doanh siêu thị như mở trường học, mua bán cổ phiếu... Biết bao nhiêu việc và cơ hội đến nhưng tôi không làm. Hiện giờ tôi đã sắp xếp cuộc đời của mình đâu vô đó. Giờ giàu thì không giàu, tôi chỉ cần đủ tiền để có thể đi du lịch đây đó là vui rồi.
Tự tin từ bệ đỡ của mẹ
Trong khi người mẹ muốn "vui thú điền viên" thì cô con gái lại ấp ủ giấc mơ thời trang khi còn rất bé và quyết thực hiện niềm đam mê của mình. Sau khi hoàn thành ba bằng đại học về thiết kế thời trang, quảng cáo thời trang và quản trị kinh doanh ở Philadelphia University và Temple University cùng 2 năm làm việc tại Digitas lẫn Saatchi & Saatchi (Mỹ), Võ Ngọc Ý Vân đã trở về Việt Nam.
Cuối năm 2015, Công ty CP Thời trang MYM do Ý Vân làm tổng giám đốc đã được thành lập. Mới chưa đầy một năm nhưng MYM đã xây dựng hệ thống 23 cửa hàng và dự định sẽ mở đến 100 cửa hàng. MYM đang xây dựng chiến lược để đưa thương hiệu ra thế giới mà nước đầu tiên có mặt sẽ là Mỹ. Vân rất tự tin về những trải nghiệm sáng tạo cùng "bệ đỡ” từ người mẹ nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ.
* Học thời trang, đã từng làm cho những doanh nghiệp lớn ở Mỹ, khi về Việt Nam bà có nghĩ mình có thể cáng đáng được trọng trách của ba mẹ giao? Mới bắt đầu mà đã điều hành một công ty với quy mô lớn như vậy có là áp lực với bà?
- Áp lực thì lúc nào cũng có nên tôi không ngại. Tôi tự tin và ba mẹ tôi có đủ trải nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, kinh doanh để đưa MYM tiến lên phía trước. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp tôi vượt qua mọi thách thức.
Nếu vướng về nhân sự, tôi có thể trao đổi với mẹ, còn vấn đề đầu tư, mặt bằng thì tôi trao đổi với ba.
Tôi muốn nhanh chóng đưa xưởng sản xuất với 1.000 công nhân ở Sài Gòn vào hoạt động trong 6 tháng tới để có giá tốt hơn, quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn đến người tiêu dùng. Xa hơn nữa là đưa thương hiệu ra nước ngoài mà nơi đến đầu tiên là Mỹ, sau đó là các nước châu Âu và châu Á.
* Kinh doanh trong một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt khi có sự lấn át của hàng giá rẻ Trung Quốc cùng với hàng thời trang Thái Lan, Hàn Quốc và cả hàng hiệu đến từ Mỹ, Ý, Pháp..., bà không ngại sao?
- Kinh doanh thời trang tôi không ngại lắm về tài chính mà ngại về sự sáng tạo. Các thương hiệu lớn trên thế giới có thể xây dựng đội ngũ thiết kế lên đến cả mấy trăm người trong khi mình chỉ vài chục người. Không nói là thiết kế của họ đẹp hơn mà với đội ngũ đông đảo như thế chắc chắn mẫu mã sẽ phong phú hơn.
Tuy vậy, tôi biết lợi thế của mình là người Việt, hiểu "phom dáng" của người Việt, biết được người Việt muốn gì nên có thể thiết kế phù hợp.
Việt Nam cũng có hàng hiệu nhưng người tiêu dùng vẫn chọn hàng nước ngoài vì họ không tự hào về hàng trong nước. Đó cũng là lý do để chúng tôi quyết đưa MYM ra nước ngoài vì khi đã là thương hiệu quốc tế rồi thì về Việt Nam sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
* Bà có nghĩ sẽ xây dựng được một thương hiệu thời trang đứng hàng top như mẹ mình đã từng làm trong lĩnh vực bán lẻ?
- Đương nhiên là vậy. Vì nghĩ như thế tôi mới từ bỏ công việc ổn định ở Mỹ để quay về Việt Nam và bắt tay vào lĩnh vực này. Tôi không biết phải mất khoảng bao lâu nhưng tôi tin mình sẽ làm được như mẹ.
* Cám ơn hai mẹ con bà về cuộc trò chuyện này!
Theo Hồng Nga
Doanh nhân Sài Gòn