Tương lai thị trường bán lẻ Việt Nam
Đặc biệt, cơ hội sẽ mở rộng cho những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ cao vào quản lý và bán hàng - một xu hướng đang phát triển với một tốc độ rất nhanh ở nhiều nước trên thế giới.
Tác động của cuộc cách mạng 4.0
Công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào nhiều lĩnh vực, cả sản xuất và tiêu dùng tại các nước. Ở Việt Nam, dự báo giai đoạn 2018 - 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng sẽ là giai đoạn mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại (kể cả bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng) và kênh bán hàng truyền thống.
Thời gian tới, với sự bùng nổ phát triển của công nghệ thông tin sẽ đem lại năng suất cao hơn cho các nhà bán lẻ; đồng thời cũng làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội. Các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để kịp thời áp dụng công nghệ tiên tiến vào từng khâu.
Ảnh minh họa. |
Giai đoạn tới cũng là giai đoạn phát triển của các doanh nghiệp bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và online. Mô hình bán lẻ kiểu chuyên doanh, dạng như Parkson ở Việt Nam đã đến lúc không còn phù hợp. Năm 2017-2018 đã chứng kiến việc đóng cửa hàng loạt các trung tâm của hệ thống Parkson. Thay vào đó là mô hình shopping mall vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp (vui chơi ăn uống, làm đẹp,...) như các mô hình Aeon, Lottemart đang hiện diện và phát triển mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, từ 1-2 năm nay, một số nhà bán lẻ trực tiếp thuần túy do không kịp thích ứng với thời đại đã phải đóng cửa. Trong khi đó các kênh bán hàng online của các tập đoàn như Amazon, Alibaba lại phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Công nghệ không chỉ được ứng dụng trong quản lý kinh doanh mà còn có ý nghĩa trong việc tạo ra kết nối liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Công nghệ thông tin tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững, đồng thời hỗ trợ cho các nghiệp vụ như thanh toán logistic nhanh, hiệu quả hơn.
Ở một số nước tiên tiến đã áp dụng công nghệ mới vào hoạt động quản lý kho bãi, dự trữ hàng hóa, vận chuyển, tương tác thường xuyên với khách hàng. Có các nhà bán lẻ mạnh đã sử dụng trí tuệ nhân tạo như đưa robot vào hoạt động thay con người trong chuỗi cung ứng của mình.
Bằng cách phân tích các dữ liệu tập hợp được cho phép các nhà bán lẻ thường xuyên biết được các thông tin khách hàng của mình. Công nghệ mới cũng sẽ đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt,… Tổng quát tình hình trên cho ta thấy, bán lẻ sẽ trở thành một ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao trong tương lai ở những nước có điều kiện phát triển.
Cơ hội từ thị trường tiềm năng
Trong khi đó, ở Việt Nam tiềm năng về thị trường bán lẻ rất lớn. Với số dân trên 90 triệu người, trung bình một người có 24h kết nối mạng trong một tuần, cộng với việc người dân phổ biến sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ là điều kiện rất thuận lợi để các nhà bán lẻ ở Việt Nam áp dụng những công nghệ bán hàng tiên tiến của mình. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Việt cần đi nhanh hơn, đi cùng nhau để có một sức mạnh tổng hợp trong điều kiện đa số các doanh nghiệp còn nhỏ.
Ảnh minh họa. |
Thống kê, ngành bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% trong tổng mức bán lẻ xã hội, kênh bán hàng truyền thống chiếm 75%. Trong khi đó, kênh truyền thống trong một vài năm gần đây chỉ có tốc độ tăng trưởng một vài %/năm; tốc độ phát triển của kênh bán hàng hiện đại lại luôn ở hai con số/năm. Điều đó cho ta thấy sự phát triển của kênh bán hàng hiện đại có áp dụng các công nghệ tiên tiến là rất sáng sủa trong những năm tới.
Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần nắm bắt công nghệ, tiếp thu nhanh và hiệu quả kinh nghiệm của các nước đi trước, để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa. Đặc biệt là cần phát huy những lợi thế so sánh vốn có với những nhà bán lẻ nước ngoài như mạng lưới cũ, am hiểu thói quen người tiêu dùng,... Bán lẻ Việt Nam cần góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng cửa đón những hàng hóa Việt có chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng, góp phần kích thích sự phát triển của quỹ hàng hóa Việt trong thời gian sắp tới.
Mặt khác, doanh nghiệp bán lẻ Việt cần tạo được sự khác biệt, luôn đổi mới, tạo được chữ tín để thu hút niềm tin lâu dài của người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường kết nối 6 nhà, đẩy mạnh quảng cáo tiếp thị, làm ăn trung thực, có trách nhiệm; Không chèn ép, giành lợi thế về mình mà phải có sự hài hòa trong việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng sản xuất phân phối.
Người đứng đầu một vụ của Bộ Công thương đã phát biểu: “Bán lẻ Việt Nam muốn có cơ hội phát triển thì trước hết hãy “đào mỏ vàng” ở thị trường trong nước trước đã”. Đó có lẽ là một định hướng đúng đắn cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Muốn như vậy, nhà bán lẻ Việt cần lưu ý hai vấn đề cốt yếu:
Về tốc độ, cần tăng cường áp dụng công nghệ vào kinh doanh và quản lý, đẩy mạnh việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà cung ứng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một ví dụ là, ở Singapore, trong ngày, họ có thể lấy thực phẩm tươi từ Nigeria và Somali. Nếu doanh nghiệp giải quyết được vấn đề tốc độ sẽ giảm được chi phí kinh doanh và quản lý, chất lượng hàng hóa ít bị suy giảm, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động trong thương mại bán lẻ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ở vấn đề niềm tin, bây giờ mua bán trên thị trường là mua bán niềm tin, người tiêu dùng không thể thông thái, hiểu biết được 40.000 mặt hàng trong siêu thị. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải giới thiệu một cách cặn kẽ, gây dựng niềm tin, từ đó xuất hiện nhu cầu mua hàng hàng ngày của họ. Niềm tin và thương hiệu bán lẻ không thể thiết lập một sớm một chiều mà phải có một quá trình bền bỉ mới có thể thực hiện được.
Niềm tin được chứng minh bằng những việc nhỏ nhất trong phục vụ và giao tiếp hàng ngày với khách hàng mua và khách hàng bán. Giá cả và chất lượng hàng hóa tạo niềm tin cho người tiêu dùng xã hội, trong đó vai trò của nguồn nhân lực của doanh nghiệp bán lẻ là vô cùng quan trọng, cần phải đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng việc vận hành doanh nghiệp theo hướng áp dụng ngày càng sâu hơn công nghệ 4.0 vào quản lý và kinh doanh. Sự phát triển của bán lẻ thế giới sẽ không chờ chúng ta. Nếu chậm chân là sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nếu làm được những vấn đề cơ bản đặt ra ở trên, chắc chắn ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội, vượt qua những thách thức để phát triển nhanh và bền vững, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước trong năm 2019 và những năm tiếp theo.