|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tương lai đầy thách thức của các nền tảng trực tuyến

08:37 | 26/05/2020
Chia sẻ
Các nền tảng tạo sức mạnh cho các công ty có giá trị nhất thế giới, nhưng nắm bắt và kiếm tiền từ tiềm năng đột phá của chúng sẽ là việc ngày càng khó.

Các công ty có giá trị niêm yết lớn nhất thế giới và các doanh nghiệp nghìn tỉ USD cung cấp nền tảng trực tuyến đầu tiên xuất hiện nhờ kết hợp được hai hoặc nhiều yếu tố thị trường và phát triển nhờ hiệu ứng mạng xã hội.

Nhóm công ty được xếp hạng hàng đầu theo vốn hóa thị trường hiện nay là Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon. Facebook, Alibaba và Tencent cũng đang cạnh tranh gắt gao. 

Đến tháng 1, những tập đoàn ấy chiếm hơn 6,3 nghìn tỉ USD giá trị thị trường và tất cả đều là các doanh nghiệp cung cấp nền tảng.

Nhóm nhà đầu tư mạo hiểm hay các dự án tư nhân cũng đang ưu tiên cho nền tảng. Danh sách 200 công ty khởi nghiệp "unicorn" (được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) có tới 60% - 70% các doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Vào thời điểm đó, những công ty này bao gồm Ant Financial (một chi nhánh của Alibaba), Uber, Didi Chuxing, Xiaomi và Airbnb.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thành công cho một nền tảng chưa bao giờ dễ dàng hay được đảm bảo, cũng không bao giờ khác biệt so với nhóm công ty có mô hình kinh doanh thông thường. 

Bởi như tất cả mọi doanh nghiệp trong cuộc chơi, mỗi nền tảng đều phải hoạt động tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh và để tồn tại lâu dài, giá trị về chính trị và xã hội của nền tảng phải được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ và các mạng xã hội, tính năng của nền tảng thường được thổi phồng và phần nào chi phối truyền thông. Đây là một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu tại MIT gọi là platformania - hội chứng 'cuồng' nền tảng vô cùng phổ biến tại thung lũng Sillicon.

Tương lai thách thức của các nền tảng trực tuyến  - Ảnh 1.

các doanh nghiệp vận hành nền tảng đã đạt mức doanh số ấn tượng chỉ với một nửa số lượng nhân viên của nhóm doanh nghiệp còn lại. Ảnh: The Verge

Giá trị của các công ty cung cấp nền tảng

Hầu hết doanh nghiệp nền tảng mới xuất hiện gần đây đều thua lỗ (đôi khi lên tới hàng tỉ USD) nhưng nhóm nền tảng thống trị thị trường lại đạt được thành công phi thường. 

Khi so sánh 43 công ty nền tảng lớn nhất đã niêm yết trong giai đoạn 1995 - 2015 với khoảng 100 công ty ở các lĩnh vực khác có cùng mô hình kinh doanh, nhóm chuyên gia MIT nhận thấy rằng hai nhóm có mức doanh thu hàng năm tương đương (khoảng 4,5 tỉ USD). 

Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp vận hành nền tảng đã đạt mức doanh số ấn tượng chỉ với một nửa số lượng nhân viên của nhóm doanh nghiệp còn lại. Hơn nữa, họ lại có lợi nhuận cao gấp đôi, tăng trưởng nhanh gấp đôi và có giá trị cao gấp đôi so với các doanh nghiệp truyền thống.

Số lượng nền tảng thất bại và 'chết yểu' cũng khá lớn. Thực tế cho thấy ngay cả các doanh nghiệp nền tảng cũng rất dễ thất bại hoặc phải vật lộn để tồn tại khi môi trường cạnh tranh hoặc các yếu tố khác thay đổi. 

Rất nhiều nền tảng điện toán và truyền thông đã phải đối mặt với mối đe dọa liên tục đến từ các công nghệ mới trong 40 năm qua. Những câu chuyện thành công ban đầu như Myspace, Nokia và BlackBerry nhanh chóng biến thành ví dụ điển hình về thất bại. 

Nhìn vào bức tranh lớn hơn, PC có thể thay thế máy tính lớn, điện thoại thông minh có thể khiến điện thoại di động truyền thống 'tuyệt chủng' cũng như điện toán đám mây đang tiêu diệt máy tính cá nhân.

Xu hướng các nền tảng trong tương lai

20 năm qua đã là giai đoạn mở rộng mạnh mẽ của công nghệ, ứng dụng và mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng và 20 năm tiếp theo thậm chí còn tiềm ẩn nhiều đột phá hơn. Số hóa và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu lớn trong khi dịch vụ và cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp. 

Tuy tương lai rất khó dự đoán nhưng các chuyên gia phân tích từ MIT đã đưa ra 4 xu hướng mới của các nền tảng trong thời gian tới vốn đã nhen nhóm ngay từ thời điểm sau đại dịch này.

Xu hướng 1: Nhiều mô hình kinh doanh và liên doanh mới

Khả năng cạnh tranh và tiềm năng của công nghệ cũng như dữ liệu kỹ thuật số sẽ biến nhiều công ty nền tảng thành liên doanh. Động lực cơ bản của xu hướng này là cạnh tranh kỹ thuật số. 

Không giống như nền kinh tế truyền thống, nơi các công ty cần phải đầu tư vật chất đắt đỏ để xây dựng mô hình kinh doanh, thế giới công nghệ cho phép mọi doanh nghiệp phát triển nhanh chóng với sự kết hợp thông minh giữa dữ liệu, phần mềm và chiến lược hệ sinh thái.

Tương lai thách thức của các nền tảng trực tuyến  - Ảnh 2.

Ảnh: DealStreetAsia

Theo một số nguồn tin, hai nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu Việt Nam là Tiki và Sendo đã bước đầu đạt được thỏa thuận sáp nhập. Trong bối cảnh này, người dùng hoàn toàn có thể hi vọng vào một trải nghiệm mua sắm đột phá do chính các doanh nghiệp Việt mang lại ở tương lai không xa.

Xu hướng 2: Đổi mới dồn dập 

Các nền tảng thế hệ tiếp theo sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới lên một tầm cao mới. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, học máy và phân tích dữ liệu lớn sẽ cho phép các tổ chức làm nhiều hơn với ít vốn hơn. 

Dù AI vẫn đang trong giai đoạn non trẻ, nhiều tập đoàn lớn như Google, Amazon, Apple, Microsoft, IBM... không còn coi công nghệ là bí mật độc quyền. Thay vào đó, họ đã đưa một số tính năng AI thành dịch vụ nền tảng, cho phép bên thứ ba truy cập và xây dựng ứng dụng riêng như các sản phẩm sử dụng giọng nói và xe không người lái.

Xu hướng 3: Tập trung hơn

Khi số lượng nền tảng bùng nổ thì việc chiếm được thị phần lớn hơn cũng như hiệu ứng mạnh mẽ hơn ngày càng khó khăn vì hiện tượng phân mảnh. Khả năng người dùng truy cập nhiều hơn một nền tảng cho cùng một mục đích, như sử dụng cả Grab và Vietgo để đặt xe là rất cao. 

Tuy nhiên, trong những năm tới, nhóm chuyên gia MIT cho rằng thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào tay một số lượng nhỏ các nền tảng lớn.

Tình huống nghịch này có thể xảy ra vì một số thị trường sẽ nghiêng về nhóm nền tảng lớn nhất và tập trung hơn nữa sức mạnh thị trường. Thành công của IBM trong ngành công nghiệp máy tính vào giai đoạn 1960 và 1970 hay Intel và Microsoft trong những năm 1980 và 1990 là các ví dụ điển hình. 

Trong thập kỉ qua, số lượng doanh nghiệp thống trị thị trường đã tăng lên không nhiều. Amazon, Alibaba, Apple, Google, Facebook, Microsoft, Tencent và Uber là số ít các nền tảng đạt được thị phần hơn 50% trong ngành dịch vụ tương ứng.

Xu hướng 4: Nhiều quy định và khung luật mới 

Mark Zuckerberg đã dựa một triết lí tốt đẹp khi bắt tay vào xây dựng Facebook: những điều tốt đẹp sẽ đến nếu mọi người trên thế giới kết nối với nhau. 

Hầu hết các doanh nhân và nhà đầu tư nền tảng đều đồng ý với Mark. Họ tin rằng nền tảng sẽ kết nối con người bằng các sản phẩm và dịch vụ với mức giá không ngừng giảm và giải quyết những xung đột và trở ngại của thị trường truyền thống. 

Tuy nhiên, sự thật là không phải mọi người dùng nền tảng đều mang mục tiêu kết nối hòa bình và hạnh phúc. Các phe phái chính trị, gián điệp, khủng bố, lừa đảo, rửa tiền và buôn bán ma túy đều tìm cách sử dụng nền tảng làm lợi thế hoạt động.

Một khi các nền tảng đạt đến quy mô có thể ảnh hưởng đến hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế, các chủ sở hữu và đơn vị phát triển sẽ phải giải quyết các nghĩa vụ mới về pháp lí. Trong những năm tới, hầu như tất cả các công ty nền tảng lớn sẽ phải chuyển đổi từ thị trường tự do sang nhóm doanh nghiệp được chính phủ giám sát với các khung pháp lí ngày càng chặt chẽ và khắt khe. 

Đối với các nền tảng hàng đầu thế giới, ảnh hưởng ngày càng tăng đồng nghĩa với trách nhiệm và ràng buộc ngày càng lớn.

Thu Phương