Tuần đầu tháng 6 đánh dấu điểm đảo chiều của vốn ngoại trên HOSE và UPCoM?
Lực cầu giá thấp và dòng tiền luân chuyển hỗ trợ thị trường. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng (tăng 5,4%) là động lực giữ VN-Index tăng 2,5% qua đó lấp gap giá tại 880 điểm tuần đầu tháng 6. Dòng tiền luân chuyển mạnh và vận động qua nhiều lớp cổ phiếu, đặc biệt đẩy giá tại các cổ phiếu nhỏ và cổ phiếu thị trường.
Trong tuần giao dịch (1 - 5/6), thị trường tiếp tục ghi nhận đà tăng rộng với 17/19 ngành tăng điểm và 243 cổ phiếu tăng so với 109 cổ phiếu giảm. Không còn được hỗ trợ từ dòng tiền ETFs nội, dòng tiền NĐT trong nước vẫn phát huy sức mạnh khi hấp thụ tốt lực bán, củng cố tâm lí thị trường và duy trì đà tăng ổn định của thị trường.
Chỉ số chững giá tại ngưỡng tâm lí và thanh khoản tăng cao đang thử thách tâm lí NĐT. Thị trường chưa có đợt điều chỉnh đúng nghĩa kể từ đợt phục hồi đầu tháng 4 và điều này đang củng cố tâm lí cho dòng tiền mới nắm bắt cơ hội.
Về giao dịch khối ngoại trong tuần, NĐT nước ngoài tiếp tục rút vốn 111,5 tỉ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khối ngoại xả trăm tỉ đồng cổ phiếu HPG và MSN nhưng rót vốn cho VNM và VHM
Thống kê trên sàn HOSE, giá trị bán ròng của khối ngoại là 48,7 tỉ đồng và khối lượng 31,3 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, tại giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, NĐT nước ngoài mua ròng lần lượt 73 tỉ đồng và 204,5 tỉ đồng, trong khi đó, tại giao dịch chứng chỉ quĩ ETF nội ghi nhận giá trị bán ròng 325 tỉ đồng.
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ ETF nội, khối ngoại tập trung xả mã E1VFVN30 (417,6 tỉ đồng). Ngược lại, chứng chỉ quĩ FUESSVFL và FUEVFVND lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 57,5 tỉ đồng và 40,3 tỉ đồng.
Tại giao dịch cổ phiếu, đáng chú ý tại phía bán ròng cỏ cổ phiếu HPG ghi nhận giá trị 240 tỉ đồng và MSN (115,6 tỉ đồng).
Liên quan đến cổ phiếu của Hòa Phát, tập đoàn mới đây thông tin sản lượng tiêu thụ ống thép Hòa Phát tháng 5 đạt 70.500 tấn, tăng 17% so với tháng 4/2020. Đây là mức sản lượng bán hàng cao nhất từ đầu năm đến nay của Ống thép Hòa Phát.
Theo sau đó, NĐT nước ngoài rút vốn dưới trăm tỉ đồng khỏi cổ phiếu VIC (99,9 tỉ đồng). Trong tuần, thị trường phiên 4/6 xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng 6 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng giá trị 575 tỉ đồng. Giá thực hiện giao dịch thỏa thuận trung bình là 96.499 đồng/cp, xấp xỉ với mức giá đóng cửa là 96.000 đồng/cp.
Khối ngoại còn bán ròng cổ phiếu CII với giá trị 98 tỉ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu cùng chiều bán ròng còn có HSG (47,9 tỉ đồng), BVH (42,5 tỉ đồng), TDH (40,4 tỉ đồng), CTI (35,8 tỉ đồng) và DBC (28,6 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, khối ngoại gom mạnh mã VNM sau thông tin năm thứ 8 liên tiếp Vinamilk được vinh danh trong Top “50 công ty niêm yết tốt nhất” do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Đáng chú ý, phiên đầu tháng 6, thị trường ghi nhận giao dịch thỏa thuận khủng hơn 800 tỉ đồng cổ phiếu VHM, tương đương hơn 11 triệu đơn vị. Theo đó, giá trị mua ròng cả tuần của mã này đạt 210,6 tỉ đồng.
Mặt khác, cổ phiếu thu hút trăm tỉ vốn ngoại còn có CTG (137,7 tỉ đồng) và POW (63,9 tỉ đồng). Theo sau đó, dòng tiền đầu tư nước ngoài hướng về cổ phiếu POW (63,9 tỉ đồng), KDC (44,5 tỉ đồng), KDH (35,8 tỉ đồng) và VRE (28,3 tỉ đồng).
NĐT nước ngoài bán ròng trăm tỉ trên HNX nhưng mua ròng tại UPCoM
Tương tự trên HNX, khối ngoại rút ròng 110 tỉ đồng cùng khối lượng tương ứng 9,9 triệu cổ phiếu. Hoạt động bán ròng của NĐT nước ngoài diễn ra xuyên suốt các phiên trong tuần.
Tại phía bán ròng, cổ phiếu chịu áp lực xả mạnh nhất từ khối ngoại là PVS (45,1 tỉ đồng), theo sau là SHB (43 tỉ đồng) và SHS (20,8 tỉ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền rút khỏi cổ phiếu PGS (4,1 tỉ đồng) và TIG (2,2 tỉ đồng). Một số mã cùng chiều bán ròng như ART, BVS, AMV, LHC, BCC.
Ở chiều ngược lại, khối này mua ròng cổ phiếu VCS (6,6 tỉ đồng), ngoài ra còn có NTP (2 tỉ đồng) và CEO (1,2 tỉ đồng). NĐT nước ngoài còn tìm đến cổ phiếu DGC, HUT, PVI, HLD...tuy nhiên với giá trị dưới 1 tỉ đồng.
Giao dịch tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng 47,2 tỉ đồng và khối lượng 4,2 triệu đơn vị. Trong tuần, khối ngoại bản ròng duy nhất phiên thứ Hai trong khi mua ròng tất cả phiên còn lại.