Tuần 1 - 5/6: Tự doanh CTCK gom 656 tỉ đồng, mua ròng trăm tỉ đồng CCQ E1VFVN30
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, cùng với đà đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ, tâm lí nhà đầu tư Việt Nam cho thấy sự tích cực. Theo đó, VN-Index tăng 21,75 điểm, tương đương 2,52%, đóng cửa ở mức 886,22 điểm. Chỉ số ghi nhận 4 phiên tăng và chỉ một phiên giảm vào ngày 2/6.
Toàn chỉ số có 243 mã tăng và 109 mã giảm. Khối lượng giao dịch trung bình trên HOSE đạt 446,14 triệu cổ phiếu/phiên với giá trị giao dịch trung bình đạt 6.269 tỉ đồng/phiên.
VCB, BID và VNM là ba mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số, đóng góp lần lượt 4,03, 2,30 và 2,10 điểm. Trong khi đó, VIC, HPG và PDR là ba mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi 1,93, 0,28 và 0,11 điểm.
Trước diễn biến khởi sắc của thị trường, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đã có tuần gom mạnh 655,7 tỉ đồng với khối lượng 31,3 triệu đơn vị. Hoạt động mua ròng của khối này diễn ra xuyên suốt tuần qua, tập trung nhiều nhất trong phiên giao dịch thứ Tư với giá trị mua ròng 302 tỉ đồng.
Những mã được khối tự doanh giao dịch nhiều nhất trong tuần
Về chi tiết giao dịch, tại giao dịch chứng chỉ quĩ, mã E1VFVN30 ghi nhận giá trị mua vào cao nhất tuần, cụ thể 287,24 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là mã duy nhất đạt giá trị giao dịch trên trăm tỉ đồng tuần qua. Trái lại, chứng chỉ quĩ FUEVFVND chịu áp lực bán ra từ khối tự doanh 21,9 tỉ đồng.
Tại giao dịch cổ phiếu, khối tự doanh chủ yếu mua vào MWG (94,33 tỉ đồng). Không chỉ thu dòng vốn đầu tư trong nước, cổ phiếu này còn thu hút dòng vốn ngoại.
Thông tin từ Trung tâm Lưu lí Chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 5/6, quĩ ngoại Arisaig Asia Consumer Fund Limited đã nhận chuyển nhượng 763.763 cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động.
Các tổ chức chuyển nhượng cổ phiếu MWG gồm CAM Vietnam Mother Fund (200.000 cổ phiếu), Vietnam Growth Stock Income Mother Fund (100.000 cp) và Aquila SPC Ltd. (463.763 cp).
Theo sau đó, dòng vốn tự doanh tìm đến cổ phiếu FPT và VPB với giá trị mua lần lượt 85,14 tỉ đồng và 65,16 tỉ đồng.
Liên quan đến cổ phiếu VPB, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank mới đây chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 dự kiến đến hết tháng 5, lợi nhuận của ngân hàng ước đạt 5.100 tỉ đồng, tương đương 50% kế hoạch cả năm và đến cuối tháng 6 dự kiến lợi nhuận 6.000 tỉ đồng.
Cùng chiều, khối tự doanh còn mua vào mã HPG (61,67 tỉ đồng) sau thông tin tích cực sản lượng tiêu thụ ống thép Hòa Phát tháng 5 đạt 70.500 tấn, tăng 17% so với tháng 4/2020. Đây là mức sản lượng bán hàng cao nhất từ đầu năm đến nay của Ống thép Hòa Phát.
Ngoài ra, cổ phiếu KOS ghi nhận giá trị mua ròng 60,4 tỉ đồng, CTF (41,62 tỉ đồng). Nhóm ngân hàng cũng được khối tự doanh mua vào nhiều như TCB (56,11 tỉ đồng), CTG (48,61 tỉ đồng) và MBB (47,33 tỉ đồng).
Liên quan đến cổ phiếu của Techcombank, ngân hàng này đặt mục tiêu lãi trước thuế 13.000 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng 13% trong năm 2020. Đồng thời, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP tăn vốn điều lệ từ 35.001 tỉ đồng lên 35.049 tỉ đồng. Giá phát hành 10.000 đồng/cp.
Diễn biến trái chiều, bộ phận tự doanh tập trung áp lực bán ra lên cổ phiếu EIB. Phiên 4/6 trong tuần, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận 5,4 triệu cổ phiếu EIB với giá trị giao dịch 92 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, khối tự doanh bán ra mã HPG (47,65 tỉ đồng), MBB (33,61 tỉ đồng), VPB (30,15 tỉ đồng). Mặt khác, cổ phiếu TCB và VNM lần lượt ghi nhận giá trị bán 27,94 tỉ đồng và 26,45 tỉ đồng).
Mới đây, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) thông báo đã bán toàn bộ 275.000 cổ phiếu VNM trong phiên 25/5 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, SIC thu về hơn 32 tỉ đồng và không còn là cổ đông của Vinamilk.
Một số mã khác cùng bị khối tự doanh thoái vốn như GEX (21,60 tỉ đồng), FPT (19,55 tỉ đồng) và REE (18,49 tỉ đồng).