Tuần 8 – 12/5: NĐT cá nhân mua ròng 350 tỷ đồng khi VN-Index giao dịch khởi sắc, tâm điểm CTG, NVL
VN-Index ghi nhận tuần giao dịch phục hồi với sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành giúp chỉ số chung phục hồi lên trên vùng điểm 1.060.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index có được phiên giao dịch đầu tuần tích cực với sắc xanh lan tỏa ở tất cả các nhóm ngành giúp thị trường bật tăng mạnh mẽ lên trên khu vực 1.050. Tuy nhiên, đà tăng có phần chững lại ở các phiên sau đó khi chỉ số chung tiệm cận vùng điểm 1.060.
Sự cân bằng được thể hiện rõ hơn thông qua việc thanh khoản được cải thiện tốt nhưng điểm số chỉ biến động vừa phải ở các phiên cuối tuần. Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự phân hóa rõ rệt khi luân chuyển giữa các nhóm ngành, theo đó khiến các cổ phiếu tăng giảm đan xen trong phiên cũng như tính chung cả tuần.
Theo thống kê, nhóm cổ phiếu hóa chất và xây dựng dẫn đầu chiều tăng trong tuần vừa qua với tỷ lệ khoảng 5%. Kết tuần, VN-Index tăng 26,59 điểm, tương đương với 2,56% so với tuần trước.
Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi khối ngoại trở lại mua ròng sau 4 tuần bán ra liên tục. Ngược lại, cá nhân trong nước đảo chiều bán ròng sau 7 tuần liên tiếp mua vào.
Tuy nhiên, tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng bán ròng nhẹ 56 tỷ đồng, giao dịch bán ròng của khối tự doanh và khối ngoại ghi nhận quy mô lần lượt là 106 tỷ đồng và 116 tỷ đồng. Trong khi đó, tổ chức trong nước là bên mua ròng khớp lệnh duy nhất đối ứng với các nhóm nhà đầu tư còn lại.
Dòng tiền cá nhân tập trung ở nhóm cổ phiếu xây dựng
Trong tuần 8 – 12/5, NĐT cá nhân mua ròng 350 tỷ đồng trên HOSE, tuy nhiên nếu tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 56 tỷ đồng.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch của NĐT cá nhân nghiêng về bên mua với 11/18 nhóm ngành được gom ròng. Cổ phiếu xây dựng & vật liệu được mua ròng gần 251 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.
Tuần qua, cổ phiếu xây dựng và vật liệu có tuần giao dịch với tỷ trọng giá trị giao dịch tiếp tục tăng lên 9,01% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 4,93% trong tuần. Điều này cho thấy có lực mua chủ động. Tính từ đầu năm, nhóm này tăng 10,83%, đứng thứ 5 toàn thị trường, nhưng trong vòng một năm cổ phiếu xây dựng vẫn ghi nhận mức giảm 17,6%.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (129 tỷ đồng), bán lẻ (65 tỷ động), hóa chất (60 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (50 tỷ đồng), …
Giao dịch bên bán tập trung ở hai nhóm dịch vụ tài chính (404 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (154 tỷ đồng). Cùng chiều, áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các nhóm bất động sản, dầu khí, ngân hàng, truyền thông, y tế với giá trị thấp hơn.
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện SSI của nhóm chứng khoán với 264 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài và tổ chức nội.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Chứng khoán SSI, HPG cũng bị bán ròng với giá trị 188 tỷ đồng. Kế đó, nhiều cổ phiếu lớn cũng nằm trong danh mục rút vốn là STB (174 tỷ đồng), VRE (132 tỷ đồng), POW (65 tỷ đồng), BID (41 tỷ đồng), PLX (37 tỷ đồng), MBB (32 tỷ đồng).
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa trung bình như VND (116 tỷ đồng), DXG (26 tỷ đồng), PHR (23 tỷ đồng), GEX (23 tỷ đồng), SBT (22 tỷ đồng), …
Ở phía đối diện, cổ phiếu CTG được mua ròng nhiều nhất với quy mô 208 tỷ đồng, theo sau là NVL (113 tỷ đồng). Cùng chiều, các cá nhân rút ròng dưới 100 tỷ đồng như VCG, DPM, HHV, GAS, KDH, TV2, SAB, GMD, ...
Tổ chức nội tập trung gom STB, song VCG bị rút ròng mạnh nhất
Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng 96 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 728 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 11/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm xây dựng & vật liệu với 142 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu điện, nước & xăng dầu khí đốt (40 tỷ đồng), bán lẻ (26 tỷ đồng), bất động sản (16 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu ngân hàng với quy mô vào ròng là 306 tỷ đồng.
Thống kê giá trị cụ thể theo từng mã, cổ phiếu STB của Sacombank dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất là 100,5 tỷ đồng.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng ngày 25/4 của Sacombank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết trong quý I/2023, ngân hàng đạt lợi nhuận hợp nhất 2.383 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và đạt 25% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng đến quý I đạt trên 2%.
Về chất lượng tài sản, đến cuối quý I, số dư nợ nhóm 2 là 4.226 tỷ đồng, giảm 1.225 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nợ nhóm 2 là cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho nên trong năm 2022 và đầu năm 2023 các doanh nghiệp này gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bản chất các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo cao hơn khoản cho vay. Với tình hình kinh tế chung, nợ nhóm 2 trong ngành ngân hàng cũng có mức tăng tương tự.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước. Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng 11% đạt 657.800 tỷ đồng, trong đó, dư nợ đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Tổng huy động vốn đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%.
Trở lại với giao dịch của nhóm NĐT tổ chức trong nước, họ gom ròng 85,9 tỷ đồng mã VRE của Vincom Retail. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu tài chính ngân hàng như SSI (73,5 tỷ đồng), VCB (63,2 tỷ đồng), TCB (46,7 tỷ đồng), VPB (32,2 tỷ đồng), CTG (31,8 tỷ đồng), …
Ở phía đối diện, cổ phiếu VCG của Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 100,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu NVL của Novaland cũng bị bán ròng 89,1 tỷ đồng khi mã này có nhịp tăng 1,1% lên 13.700 đồng/cp…