Tuần 7 - 11/2: Khối tự doanh CTCK mua ròng nhiều nhất TCB trong khi xả mạnh FUEVFVND
Trở lại sau kỳ nghỉ dài, VN-Index khởi đầu thuận lợi với phiên tăng 18,7 điểm tạo đà cho những phiên tiếp theo của tuần. Chỉ số tiếp tục tăng 3 phiên sau đó, chinh phục ngưỡng 1.500, tuy sau đó VN-Index đã giảm 5,08 điểm nhưng tính chung cả tuần chỉ số đã tăng 22,75 điểm (1,54%) so với tuần trước, chốt tuần tại 1.501,71 điểm.
Sắc xanh lan tỏa khá đều tại nhóm bluechips, trong đó HPG với mức tăng ấn tượng 11,7% đã giúp chỉ sô tăng 5,7 điểm và dẫn đầu nhóm 10 mã ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số. Tiếp sau đó là các mã GVR, MSN, SAB, VJC, VCB, HVN, PLX, GAS và POW, danh sách này phân bổ cho nhiều ngành khác nhau, thể hiện sự hồi phục trên diện rộng của thị trường.
Tại chiều giảm điểm, VIC gây bất ngờ khi giảm đến 15,8% trong tuần, riêng cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã lấy đi 15 điểm của chỉ số. Đây cũng là mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trong tuần qua với giá trị xả ròng lên tới 1.600 tỷ đồng.
Trong tuần VN-Index khai xuân thuận lợi, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán vẫn bán ròng 123 tỷ đồng với áp lực rút vốn chủ yếu ghi nhận trong phiên 9/2 khi khối này bán ròng đột biến hơn 220 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Tuy nhiên, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh mua ròng nhẹ 39 tỷ đồng.
Áp lực rút vốn hạ nhiệt ở nhóm BĐS
Thống kê của Fiinpro cho thấy hoạt động giải ngân của khối tự doanh công ty chứng khoán khá dàn trải với duy nhất nhóm ngân hàng được mua ròng trên trăm tỷ đồng.
Bộ phận tự doanh gom ròng 9/18 ngành, trong đó cổ phiếu của các nhà băng tiếp tục là nhóm được bộ phận tự doanh mua ròng mạnh nhất qua kênh khớp lệnh với giá trị hơn 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng gom ròng gần 97 tỷ đồng cổ phiếu ngành thép.
Tuần qua, cổ phiếu ngành thép là một trong những trụ đỡ chính của thị trường. Có thể thấy đà tăng của cổ phiếu ngành thép từ phiên đầu năm Nhâm Dần đã được "nung nóng" trở lại sau giai đoạn dò đáy. Điển hình như HPG đã tăng gần 12% sau một tuần và là mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index trong tuần đầu năm.
Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành công nghệ thông tin (62 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (46 tỷ đồng), hóa chất (35 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (27,6 tỷ đồng), bán lẻ (25 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, áp lực rút vốn của khối tự doanh tuần qua tập trung ở hai nhóm chính là dịch vụ tài chính (375 tỷ đồng) và bất động sản (160 tỷ đồng).
Cổ phiếu nhóm chứng khoán nhìn chung vẫn tiếp tục đi ngang tích lũy trong tuần qua, giao dịch tại nhóm này nhìn chung không có nhiều nổi bật. Trong khi đó, áp lực bán ròng tại nhóm cổ phiếu địa ốc đã hạ nhiệt đáng kể, quy mô rút vốn của khối tự doanh đã giảm từ 429 tỷ đồng tuần trước còn 160 tỷ đồng tuần này.
Trở lại với giao dịch tự doanh, áp lực rút vốn còn được chứng kiến ở nhóm thực phẩm & đồ uống (38 tỷ đồng), du lịch & giải trí, dầu khí, bảo hiểm với giá trị thấp hơn.
Tự doanh mua ròng nhiều nhất TCB trong khi xả mạnh FUEVFVND
Thống kê giao dịch cụ thể từng mã, khối tự doanh công ty chứng khoán chủ yếu rút vốn khỏi chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 438,1 tỷ đồng.
Tại thị trường cổ phiếu, mã VIC bị khối này bán ròng mạnh nhất với 87,8 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup giảm gần 16% dưới áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Nhà đầu tư cá nhân là bên mua đối ứng với lực bán của nước ngoài, điểm sáng trong trường hợp này là thanh khoản luôn cao đáp ứng nhu cầu bán ra và lực cầu bắt đáy khá bền.
Theo sau VIC, khối tự doanh còn rút ròng 53,9 tỷ đồng khỏi cổ phiếu REE. Cùng chiều, bộ phận tự doanh còn tạo áp lực bán lên các cổ phiếu bluechips như VPB (53,4 tỷ đồng), VCB (43,5 tỷ đồng), PNJ (40,4 tỷ đồng), MSN (27,6 tỷ đồng), KDH (25,3 tỷ đồng), SSI (22,6 tỷ đồng) và VHM (18,8 tỷ đồng).
Ở chiều mua, TCB dẫn đầu Top mua ròng với giá trị vào ròng đạt 204,3 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, cổ phiếu của Techcombank tăng nhẹ 1,7% so với tuần trước đó, chốt phiên 9/2 tại 53.700 đồng/cp.
Theo công bố của Brand Finance, Techcombank là một trong những thương hiệu ngân hàng có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất toàn cầu, vượt 74 bậc và lọt Top 200 Thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất toàn cầu năm 2022 do tổ chức này công bố.
Kết thúc năm 2021, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 23.240 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Tổng thu nhập hoạt động năm 2021 tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CASA dẫn đầu ngành ở mức 50,5%. Trong năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,6 triệu.
Ngoài mã TCB, khối tự doanh tập trung rót ròng trên trăm tỷ vào chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Bên cạnh đó, khối này còn tìm đến các mã HSG (54,1 tỷ đồng), OCB (45,9 tỷ đồng), FPT (44,5 tỷ đồng), NKG (40,4 tỷ đồng), ACB (35,9 tỷ đồng), HPX (32,1 tỷ đồng), NVL (27,9 tỷ đồng) và DPM (26,6 tỷ đồng).