|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền tự doanh rời khỏi cổ phiếu ngân hàng

12:00 | 04/02/2024
Chia sẻ
Tương tự kịch bản của năm 2023, chứng khoán Việt Nam khởi sắc tháng đầu năm nay nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, đây là nhóm cổ phiếu bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất.

Đóng cửa tháng 1, VN-Index dừng ở 1.164,31 điểm, tăng 3,04% so với mức điểm ghi nhận cuối năm 2023. Mức điểm tăng của chỉ số chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng khi 9/10 mã tác động tích cực nhất là đại diện thuộc nhóm này. Chiều ngược lại, sắc đỏ của các bluechip như VIC, VHM, SAB, MSN kìm hãm đà tăng của VN-Index.

Thị trường khởi sắc, thanh khoản cũng có sự cải thiện. Giá trị giao dịch bình quân đạt gần 16.900 tỷ đồng, cao hơn 7,6% tháng trước đó. Không mấy khó hiểu khi cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng và thu hút dòng tiền của nhà đầu tư.

Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch sôi động hướng tới cổ phiếu vua, khối ngoại bán ròng gần 700 tỷ đồng trên HOSE qua kênh khớp lệnh. Với khối tự doanh, nhóm này mua bán khá cân bằng trong tháng đầu năm.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Cụ thể, với giao dịch khớp lệnh cổ phiếu trên sàn HOSE, tự doanh đảo chiều mua ròng 566 tỷ đồng trong khi bán thỏa thuận 549 tỷ đồng. Tuy nhiên, như vừa đề cập trên, cổ phiếu ngân hàng là nhóm giao dịch sôi động nhất trong tháng đầu năm và giữ vai trò dẫn dắt, nhưng đây là nhóm bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất với tổng giá trị gần 1.342 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng giữ tỷ trọng cao trong rổ VN30 nên việc dòng tiền rút khỏi cổ phiếu vua khiến tổng giá trị bán ròng của cả nhóm tăng lên gần 599 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu được thực hiện qua phương thức thỏa thuận. Giá trị khớp lệnh là 98,8 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thống kê giao dịch chi tiết, cổ phiếu ngân hàng chiếm ưu thế trong top 10 mã chứng khoán bị xả mạnh nhất tháng đầu năm 2024 với 6. 5 cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán lớn nhất từ khối tự doanh là VPB (436 tỷ đồng), CTG (368,4 tỷ đồng), EIB (191,3 tỷ đồng), MBB (181,04 tỷ đồng) và ACB (75,4 tỷ đồng). Đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng là OCB (36,9 tỷ đồng).

Theo quan sát, dòng tiền tự doanh còn thoát khỏi các mã ngân hàng khác trong tháng qua như VCB, OCB, TCB, TPB.

Trong tháng đầu năm, khối tự doanh CTCK còn bán ra các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên thị trường như GMD (74,3 tỷ đồng), NVL (48,9 tỷ đồng), FPT (48,9 tỷ đồng) và KDC (37,9 tỷ đồng).

Ở chiều mua vào, top 10 mã có cả đại diện đến từ nhóm vốn hóa vừa và lớn. Hai cổ phiếu được tự doanh mua nhiều nhất là PC1 (333,8 tỷ đồng) và VIX (172,4 tỷ đồng). Mã chứng khoán khác được mua với giá trị trăm tỷ đồng là HPG (168,5 tỷ đồng).

Dữ liệu từ Algo Platform, dòng tiền từ tự doanh còn hướng đến các cổ phiếu như SSI, VHM, BWE, MWG, STB, HSG và KOS với giá trị 55 – 85 tỷ đồng. STB là đại diện duy nhất từ nhóm ngân hàng.

Với giao dịch chứng quyền, chứng chỉ quỹ ETF nội, tự doanh tiếp tục mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng trong tháng 1/2024, tập trung vào chứng chỉ quỹ của DCVFMVN Diamond ETF (FUEVFVND). Cập nhật tới thời điểm đầu tháng 2, giá trị tài sản ròng của DCVFMVN Diamond ETF giảm còn hơn 17.000 tỷ đồng.

Thu Thảo