|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 6 -10/11: Cá nhân tiếp tục bán ròng, cổ phiếu nào là tâm điểm?

08:46 | 12/11/2023
Chia sẻ
Trong quần qua, các cá nhân trong nước bán ròng hơn 210 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 192 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần 6 – 10/11 tại 1.101,68 điểm, tăng 24,9 điểm tương đương 2,31% so với tuần trước, trong khi thanh khoản cải thiện sau 5 tuần suy giảm trước đó.

Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 20.267 tỷ đồng, tăng 27,6% so với tuần trước và tăng 20,1% so với trung bình 5 tuần gần đây. Thanh khoản tăng mạnh ở các ngành chủ chốt, bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, xây dựng, thép, bán lẻ. Trong đó, ngoại trừ bất động sản và bán lẻ, các ngành còn lại cùng tăng điểm so với tuần trước.

Về giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước bán ròng hơn 210 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 192 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Xét theo nhóm ngành, có 11/18 nhóm cổ phiếu bị rút ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị lên tới 483 tỷ đồng.

Xếp vị trí thứ 2 trong top bán ròng là cổ phiếu ngành hàng & dịch vụ công nghiệp với 383 tỷ đồng. Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 337 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như công nghệ thông tin (107 tỷ đồng), hóa chất (100 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính dẫn đầu danh mục giải ngân với hơn 390 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền cá nhân cũng tìm đến một số lĩnh vực như thực phẩm & đồ uống (374 tỷ đồng), bán lẻ (345 tỷ đồng), bất động sản (253 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HPG của Tập đoàn Hòa Phát với 371 tỷ đồng. Tại nhóm ngân hàng, STB, HDB và ACB cũng bị rút ròng với quy mô 299 tỷ, 118 tỷ và 91 tỷ đồng.

Kế đó, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ cũng nằm trong danh mục rút ròng như GEX (263 tỷ đồng), NVL (200 tỷ đồng), GMD (131 tỷ đồng), DGC (109 tỷ đồng), PC1 (72 tỷ đồng), HSG ( 68 tỷ đồng), CRE (61 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VHM của Vinhomes vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 431 tỷ đồng cổ phiếu VHM. Giao dịch của NĐT cá nhân đối lập với hành vi của khối ngoại.

Cùng chiều, cổ phiếu MWG được gom ròng với giá trị 355 tỷ đồng. Hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu VNM, VCB, VRE, VCI, SSI, VIX, FUESSVFL với quy mô 57 – 203 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội mua ròng 1.257 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng khớp lệnh gần 106 tỷ đồng.

Hoạt động mua ròng diễn ra ở 11/18 ngành, lớn nhất là nhóm ngân hàng với 184 tỷ đồng, theo sau lần lượt là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin (108 tỷ đồng), hóa chất (100 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (35 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (20 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu rút khỏi hai ngành dịch vụ tài chính (332 tỷ đồng) và bất động sản (49 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung vào cổ phiếu DGC với 111 tỷ đồng. Việc tổ chức nội mua ròng cổ phiếu của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp tăng hơn 8% trong tuần vừa qua, bất chấp áp lực xả từ phía các cá nhân.

Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT (110 tỷ đồng), ACB (106 tỷ đồng), STB (96 tỷ đồng). Danh mục rót ròng còn có sự góp mặt của CRE với giá trị 61 tỷ đồng.

Ở phía đối diện, cổ phiếu SSI đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 123 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PDR cũng nằm trong top rút ròng với 74 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục các mã bị bán ròng còn có MBB (67 tỷ đồng), FUESSVFL (61 tỷ đồng) và VCB (58 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi