|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 6 - 10/4: Khối ngoại và tự doanh CTCK tranh thủ xả 2.160 tỉ đồng khi thị trường hồi phục

13:29 | 12/04/2020
Chia sẻ
VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 757,94 điểm, tăng 7,99% so mức đóng cửa phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, khối ngoại và tự doanh là nhân tố kìm hãm sự hồi phục thị trường khi lần lượt ghi nhận tuần bán ròng 1.699 tỉ đồng và 462 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp vào cuối tuần với áp lực chốt lời ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường tăng điểm trong những phiên vừa qua.

VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 757,94 điểm, tăng 56,14 điểm so với phiên cuối tuần trước, tương đương với tỉ lệ tăng 7,99%.

Mặc dù vậy, khối ngoại tiếp tục là nhân tố kìm hãm sự hồi phục thị trường khi ghi nhận tuần bán ròng 1.699 tỉ đồng toàn thị trường với khối lượng 87,1 triệu đơn vị, tập trung nhiều nhất tại sàn HOSE.

Khối ngoại xả gần 1.500 tỉ đồng trên HOSE, bán ròng trăm tỉ cổ phiếu của Vingroup

Thống kê giao dịch trên HOSE tuần qua, NĐT nước ngoài xả 1.498 tỉ đồng và bán ròng khối lượng 73,6 triệu đơn vị. Trong đó, khối ngoại bán ròng 1.562 tỉ đồng tại thị trường cổ phiếu, rút 39 tỉ đồng khỏi thị trường chứng chỉ quĩ ETF nội nhưng mua ròng 103 tỉ đồng trái phiếu.

Tuần 6 - 10/4: Khối ngoại và tự doanh CTCK bán ròng 2.160 tỉ đồng, xả trăm tỉ cổ phiếu VIC - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Top10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng tuần qua, cổ phiếu duy nhất chịu áp lực xả trên trăm tỉ là mã VIC với giá trị 667,11 tỉ đồng. Liên quan đến cổ phiếu này, đầu tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.

Với công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart dự kiến có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng.

Theo đó, Tập đoàn Vingroup trở thành điểm nhấn mới của Việt Nam trong việc chống đại dịch Covid-19 khi được CNN đề cập là đại diện tiêu biểu trong những doanh nghiệp lớn trên toàn cầu góp sức chống dịch, cùng với các Tập đoàn khác như Alibaba, Huyndai, GM...

Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài xả dưới trăm tỉ mã POW (96,36 tỉ đồng). Cũng trong phiên 8/4 vừa qua, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận 7 triệu cổ phiếu của PV Power với giá trị 56,7 tỉ đồng.

Cùng chiều, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu HDB (79,22 tỉ đồng), PLX (68,11 tỉ đồng), NKG (61,44 tỉ đồng). Theo sau đó, mã HPG ghi nhận giá trị bán ròng 59,27 tỉ đồng, VRE (55,72 tỉ đồng), DMC (50,97 tỉ đồng. Hai mã VPB và STB lần lượt bị khối ngoại bán ròng 50,84 tỉ đồng và 48,21 tỉ đồng.

Top10 mã ghi nhận giá trị mua ròng cao, khối ngoại chủ yếu gom vào MSN giá trị 54,9 tỉ đồng. Cùng với đó, khối này rót trên 10 tỉ đồng vốn vào các mã CTG (31,5 tỉ đồng), PHR (21,79 tỉ đồng) và VHM (11,22 tỉ đồng).

Liên quan đến cổ phiếu CTG, Ngân hàng VietinBank vừa công bố các tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020 với mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 4 - 8,5% cùng với tổng tài sản tăng 1 - 3%. trong năm nay, đồng thời đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận.

Trong báo cáo trước đó của Chứng khoán SSI, trong kịch bản xấu nhất khi dịch bệnh chưa được kiểm soát đến cuối năm 2020, lợi nhuận trước thuế của VietinBank có thể giảm 2,3% so với năm 2019.

Ngoài ra, NĐT nước ngoài mua ròng một số mã khác dưới 10 tỉ đồng như VGC, HCM, PPC, PNJ, GAB và NT2.

Tương tự trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 73 tỉ đồng trên HNX

Tương tự trên sàn HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 73 tỉ đồng với khối lượng tương ứng 6,2 triệu cổ phiếu, tập trung xả vào ba phiên cuối tuần.

Tuần 6 - 10/4: Khối ngoại và tự doanh CTCK bán ròng 2.160 tỉ đồng, xả trăm tỉ cổ phiếu VIC - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Tại phía bán ròng, khối ngoại tập trung áp lực xả lên cổ phiếu SHB với giá trị 31,1 tỉ đồng. Trong top cổ phiếu bị bán ròng, khối ngoại còn thoái vốn tại mã SED (7,5 tỉ đồng), TNG (6,5 tỉ đồng), IDJ (6,1 tỉ đồng). Cổ phiếu LAS và PVS lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 4,7 tỉ đồng và 4,6 tỉ đồng). Ngoài ra, khối ngoại bán ròng SHS, TIG, DGC và NBP.

Trong khi đó, dòng vốn ngoại tìm đến các cổ phiếu như CEO, IDV, SHE, SDT, VCS…. Tuy nhiên không có mã nào trên sàn này ghi nhậng giá trị mua ròng đến 1 tỉ đồng.

Khối ngoại tập trung xả mã ACV trên UPCoM trước dự báo KQKD không mấy tích cực do ảnh hưởng từ Covid-19

Giao dịch tại thị trường UPCoM, hoạt động bán ròng của khối ngoại áp đảo với giá trị 128 tỉ đồng và 7,2 triệu đơn vị. NĐT nước ngoài thoái ròng tại tất cả phiên trong tuần, giá trị xả cao nhất vào phiên thứ Sáu với 38 tỉ đồng.

Tuần 6 - 10/4: Khối ngoại và tự doanh CTCK bán ròng 2.160 tỉ đồng, xả trăm tỉ cổ phiếu VIC - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Trong bối cảnh ngành hàng không tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, TCT Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến đạt 1.476 tỉ đồng lợi nhuận cho cả năm 2020, giảm 9.335 tỉ đồng so với kế hoạch đề ra trước đó.

Với kết quả kinh doanh trong quí I với doanh thu ước đạt 4.064 tỉ đồng và lợi nhuận ước đạt 1.857 tỉ đồng, ước tính ACV sẽ lỗ khoảng gần 400 tỉ đồng trong ba quí còn lại của năm.

Trước dự báo không mấy tích cực về triển vọng kinh doanh trong năm 2020, ACV là cổ phiếu chịu áp lực thoái ròng mạnh nhất tại thị trường UPCoM với giá trị 73,7 tỉ đồng. Theo sau đó, NĐT nước ngoài xả VEA và BSR lần lượt 28,1 tỉ đồng và 26,7 tỉ đồng tuần qua. Khối ngoại cũng bán ròng mã NTC, SAS, SIP, VIB, TTD…

Ngược lại, dòng vốn ngoại tìm đến cổ phiếu VTP (8,9 tỉ đồng), kế đến là các mã ghi nhận giá trị mua ròng dưới 1 tỉ đồng như QNS, MCH, LTG, KDF…

Cùng chiều khối ngoại, tự doanh bán ròng 462 tỉ đồng tuần qua

Thống kê giao dịch tuần vừa qua, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán bán ròng 462,4 tỉ đồng với khối lượng 22,4 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng của khối tự doanh diễn ra hầu hết phiên trong tuần, ngoại trừ ngày thứ Tư khối này có mua ròng nhẹ.

Tuần 6 - 10/4: Khối ngoại và tự doanh CTCK bán ròng 2.160 tỉ đồng, xả trăm tỉ cổ phiếu VIC - Ảnh 4.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Về giá trị giao dịch cụ thể, khối tự doanh tập trung bán ra cổ phiếu NBB (91,84 tỉ đồng), theo sau là HPG (65 tỉ đồng), ROS (64,2 tỉ đồng) và FPT (60,5 tỉ đồng).

Trong thời gian gần đây, thông tin FLC Faros dự kiến sáp nhập vào GAB là tâm điểm chú ý của nhiều NĐT chứng khoán. Chủ trương sáp nhập sẽ được HĐQT hai bên trình vào ĐHĐCĐ thường niên 2020 sắp tới.

Đáng chú ý, ngay sau thông tin sáp nhập, ông Trịnh Văn Quyết đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của FLC Faros. Thay thế ông Quyết ngồi vào ghế chủ tịch là ông Nguyễn Thiện Phú.

Ngoài ra, bộ phận tự doanh CTCK còn rút vốn khỏi cổ phiếu MWG (47,79 tỉ đồng), PLX (44,99 tỉ đồng), CTG (41,82 tỉ đồng). Cùng chiều, mã MBB ghi nhậng giá trị bán ròng 38,33 tỉ đồng, VCB (34,78 tỉ đồng) và MSN (24,27 tỉ đồng).

Diễn biến trái chiều, chứng chỉ quĩ E1VFVN30 dẫn đầu phía mua vào với giá trị 47,5 tỉ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, khối tự doanh mua mạnh cổ phiếu NKG (46,61 tỉ đồng). Trái với động thái này, nhóm quĩ Dragon Capital vừa công bố thông tin bán ra gần 9,3 triệu cổ phiếu NKG phiên 8/4 và không còn là cổ đông lớn của Thép Nam Kim.

Mặt khác, dòng vốn tự doanh trong tuần cũng hướng đến cổ phiếu MBB (22,75 tỉ đồng), HPG (19,49 tỉ đồng), ngoài ra còn các mã ngân hàng khác như VCB, VPB, CTG. Một số cổ phiếu lọt top mua vào còn có FPT, REE và PAC.

Ánh Hường