Tuần 30/4-4/5: Thanh khoản sụt giảm, VN-Index vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng
Thanh khoản giảm mạnh, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng
Tuần 30/4 – 4/5, VN-Index đạt 1026,9 điểm, giảm hơn 2% so với tuần trước. HNX-Index và UPCoM-Index cùng giảm nhẹ xuống 122,57 điểm và 56,12 điểm.
Sau hai ngày nghỉ lễ đầu tuần, thị trường khởi đầu trở lại vào ngày 2/5 trong sắc đỏ. Sức ép bán ra vẫn hiện hữu, VN-Index giảm hơn 21 điểm với nhiều mã trụ như BID, CTG hay GAS giảm sàn. Ở mức vốn hóa thấp hơn, các mã CMG, VOS, ITA hay CEO cũng lần lượt "nằm sàn". Phiên tiếp theo đà giảm hạ nhiệt khi một số mã vốn hóa lớn tăng điểm trở lại, đặc biết là các cổ phiếu ngân hàng như ACB, BID hay VCB và các mã nhóm chứng khoán.
Phiên cuối tuần, cả ba sàn lấy lại sắc xanh nhưng mức tăng không đáng kể và vẫn chịu sức ép bán ra về thời điểm cuối phiên. Đây cũng là phiên ghi nhận GAS bật tăng trở lại sau chuỗi 4 phiên giảm sàn liên tiếp.
Điểm đáng chú ý trong 3 phiên giao dịch tuần này là thanh khoản ở mức thấp so với nhiều tuần trước đó cả về khối lượng và giá trị. Tổng giá trị giao dịch trung bình khoảng 6.885 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng, đặc biệt trên HOSE với tổng giá trị bán ròng 3 phiên lên tới gần 1.800 tỷ đồng, tập trung nhiều vào các mã vốn hóa lớn. Tân binh của sàn HOSE thời gian gần đây là FRT được mua ròng nhiều nhất khoảng 117 tỷ đồng.
Nhiều mã bất động sản, xây dựng tăng điểm
Trên HOSE, TCH (CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy) tăng mạnh nhất với gần 13%. Quý I/2018, TCH đạt lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 40% xuống còn 68,5 tỷ đồng.
VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) tăng hơn 10%. Quý I/2018, VHG lỗ gần 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 66 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến hết ngày 31/3/2018 lên tới gần 1.017 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong nhóm tăng xuất hiện nhiều mã bất động sản, xây dựng như TLD (CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long), DRH (CTCP DRH Holdings), C47 (CTCP Xây dựng 47) hay CEE (CTCP Xây dựng Hạ tầng CII).
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HOSE tuần 30/4-4/5 |
Về top giảm, PLP (CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê) dẫn đầu với 17,5% sau khi giảm hơn 21% tuần trước.
Đáng chú ý, hai mã ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros), HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen) giảm gần 15%.
Lợi nhuận sau thuế quý I/2018 FLC Faros 26 tỷ đồng, giảm hơn 70% |
Thấy gì từ việc Hoa Sen đánh đổi lợi nhuận lấy doanh thu |
Cả hai đều có kết quả kinh doanh thấp hơn cùng kỳ trong quý I/2018. Trong đó, ROS đạt lãi ròng hơn 25,6 tỷ đồng, giảm 72%; còn HSG giảm 79% xuống 87 tỷ đồng.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HNX tuần 30/4-4/5 |
Trên HNX, KTS (CTCP Đường Kon Tum) tăng mạnh nhất trên 25%. NRC (CTCP Bất động sản Netland) tăng gần 14%. Quý I/2018, NRC có lãi ròng tăng mạnh từ 93 triệu đồng cùng kỳ lên hơn 13,5 tỷ đồng.
ACM (CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường) giảm 12,5% sau khi cũng giảm 20% tuần trước. Quý I/2018, công ty lỗ gần 2,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 85 triệu đồng. Vừa qua, từ 20 -23/4, một ủy viên HĐQT công ty đã thực hiến bán hơn 2,5 triệu cổ phiếu ACM; tỷ lệ vốn theo đó giảm từ 6,18% xuống 1,22%.
Về top giảm, MAS (CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng) dẫn đầu khi giảm hơn 19%. Ngày 25/5, công ty sẽ thực hiện chi trả cố tức bằng tiền tỷ lệ 37,5% cho cổ đông (3.750 đồng/cp).
DST (CTCP Đầu tư Sao Thăng Long) giảm hơn 16%. Quý I/2018, công ty có lãi ròng gần 19 tỷ đồng khi cùng kỳ lỗ hơn 11,6 tỷ đồng. Ngoài ra, trong danh sách còn doanh nghiệp Bảo hiểm đáng quan tâm là PTI (Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện) với 14%.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên UPCoM tuần 30/4-4/5 |
Trên UPCoM, SD8 (CTCP Sông Đà 8) tăng mạnh nhất với 50%. PVO (CTCP Dầu nhờn PV Oil) tăng 26% với tất cả các phiên đều có giá xanh, chấm dứt chuỗi 8 phiên giảm trước đó.
TBD (CTCP Thiết bị Điện Đông Anh – CTCP) tăng gần 40%. KGU (CTCP Phát triển Đô thị Kiên Giang) tăng gần 20% sau khi trong top giảm với gần 23% vào tuần trước.
Về top giảm, HSM (Tổng CTCP Dệt may Hà Nội) dẫn đầu với 33%. KDF (CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO) giảm 19,5%. Công ty chuyên sản xuất bao cao su MRF (CTCP Merufa) giảm hơn 16%.