Tuần 30/11 - 4/12: Tự doanh rút ròng hơn 950 tỉ đồng, lực bán tập trung DIG
Sau khi mở cửa đầu tuần bằng phiên giao dịch đỏ lửa, thị trường đã nhanh chóng hồi phục và duy trì đà tăng trưởng tích cực cho đến cuối tuần. Kết thúc phiên 4/12, VN-Index tăng 1,12% lên 1.021,49 điểm trong khi HNX-Index dừng tại 152,48 điểm, tương ứng tỉ lệ tăng 2,91% so với tuần trước.
Giá trị giao dịch trung bình trên sàn HOSE đạt 11.422 tỉ đồng/phiên, tăng 7,39% so với tuần trước trong khi giá trị giao dịch trung bình trên sàn HNX giảm 5,94% xuống còn 1.092 tỉ đồng/phiên.
Trở lại với hoạt động của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán, khối này đã đảo chiều bán ròng sau khi mua ròng hơn 630 tỉ đồng trong tuần trước đó.
Thống kê cả tuần giao dịch, khối tự doanh xả 953,5 tỉ đồng với khối lượng 56,5 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng diễn ra trong 4 phiên đầu tuần, tập trung vào thứ Tư (2/12) với giá trị 605 tỉ đồng.
Top10 mã dẫn đầu về giá trị mua/bán tuần 30/11 - 4/12
Thống kê giao dịch cụ thể từng mã, khối tự doanh CTCK chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu DIG với giá trị 658 tỉ đồng.
Mã này đã trở thành tâm điểm giao dịch tuần qua, đặc biệt trong phiên 2/12 với thanh khoản đạt tới hơn 165 triệu đơn vị. Theo đó, Dragon Capital đã thoái toàn bộ gần 68 triệu cổ phiếu DIG tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Phía mua vào là CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) .
Cùng ngày, CTCP Đầu tư và Phát triển Thiên Tân cũng mua gần 47,2 triệu cổ phiếu DIG, nâng tỉ lệ sở hữu lên 18,09%. Mới đây, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp cùng con trai là ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch HĐQT đã đăng kí mua vào tổng 28 triệu đơn vị.
Theo sau DIG, FUEVFVND là chứng chỉ quĩ duy nhất lọt top bán ra với giá trị hơn 587 tỉ đồng. Cùng chiều, khối tự doanh CTCK còn tạo áp lực bán lên các cổ phiếu bluechip như HPG (243 tỉ đồng), TCB (138,5 tỉ đồng), VPB (132 tỉ đồng) và VJC (126 tỉ đồng).
Theo tin từ Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), trong tháng 11 vừa qua, Hòa Phát sản xuất 552.000 tấn thép thô, tăng 68% so với cùng kì. Đơn đặt hàng sản phẩm thép xây dựng và thép cuộn cán nóng cuối năm 2020 đang vượt quá năng lực cung ứng của tập đoàn.
Bên cạnh đó, bộ phận tự doanh còn thoái vốn khỏi các mã VNM (107 tỉ đồng), MBB (106 tỉ đồng), FPT (93 tỉ đồng) và VHM (83 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, khối tự doanh tập trung rót vốn vào cổ phiếu TCB với giá trị 198 tỉ đồng. Theo bảng xếp hạng tín nhiệm cho các ngân hàng tại Việt Nam của tổ chức Standard & Poor's (S&P), Techcombank giữ vững vị thế ngân hàng tư nhân hàng đầu với mức tín nhiệm ở mức BB-/B và triển vọng "ổn định".
Bên cạnh đó, dòng vốn tự doanh còn tìm đến các mã FPT (197 tỉ đồng), HPG (168 tỉ đồng), MWG (153 tỉ đồng), MBB (150 tỉ đồng) và VPB (140 tỉ đồng).
Các mã cuối cùng lọt Top10 mua vào là VHM (111 tỉ đồng), PNJ (101 tỉ đồng), VNM (96,5 tỉ đồng) và STB (75,5 tỉ đồng).
Nhận định về giao dịch tuần sắp tới, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index tiếp tục hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.028 - 1.035 điểm. Tuy nhiên, đây là vùng cản có thể khiến chỉ số gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh khi lần đầu tiếp cận.
Ngược lại, 985 - 990 điểm sẽ trở thành vùng hỗ trợ có tính quyết định đến việc duy trì xu thế tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn.
Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể bắt đầu dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng nhiều để tìm kiếm lợi nhuận.