|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 28/2 - 4/3: Khối ngoại xả gần nghìn tỷ đồng HPG, tập trung gom VPB khi hở 'room'

08:30 | 05/03/2022
Chia sẻ
Thống kê giao dịch trong tuần này cho thấy khối ngoại bán ròng hàng loạt bluechip như HPG, VIC, CTG, HDB và GAS. Chiều ngược lại, nhóm này gom vào VPB, DGC, DPM và DCM.

Tuần giao dịch đầu tháng 3 (28/2 - 4/3), thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc trở lại. Những biến động mạnh và tiêu cực của các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới như Dow Jones, S&P 500, Nikkei 225… khiến VN–Index lao dốc ngay phiên đầu tuần (28/2). 

Trong các phiên tiếp theo (1 – 2/03), chỉ số trải qua những nhịp tăng giảm đan xen, trước khi bật tăng mạnh vượt mốc 1.500 điểm trong ngày thứ Năm (3/3) và giữ trên mốc này cho đến hết tuần.

Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.505,33 điểm, tăng 0,43% so với cuối tuần trước đó. Khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 2,37% trong tuần này lên 450,59 điểm. Chỉ số của thị trường UPCoM cũng tăng 0,56% lên 113,29%.

Diễn biến tích cực của thị trường một phần đến từ lực đẩy từ dòng tiền ngoại. Hoạt động mua ròng của nhà đầu tư ngoại trở nên sôi nổi hơn trong hai phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, về tổng thể tuần qua vẫn là một tuần rút ròng.

Khối ngoại tập trung bán ròng HPG tuần giao dịch khởi sắc

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 786,6 tỷ đồng, trong đó tập trung vào cổ phiếu với giá trị 1.167,4 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF nội được mua ròng 377,9 tỷ đồng, tập trung vào FUEVFVND.

Tuần 28/2 - 4/3: Khối ngoại xả gần nghìn tỷ đồng HPG, tập trung gom VPB khi hở 'room' - Ảnh 1.

Giao dịch của khối ngoại trên HOSE tuần 28/2 - 4/3. Ảnh: Hoàng Linh.

Về giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu về giá trị bán ròng với gần 957 tỷ đồng tuần này. Những phiên giao dịch gần đây nhóm cổ phiếu thép diễn biến tích cực. Đáng chú ý trong phiên 3/3, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng giá kịch trần. Ngược chiều với HPG, khối ngoại mua vào NKG với giá trị gần 93 tỷ đồng.

Nhóm bị khối ngoại xả mạnh nhất tuần này với giá trị trên 100 tỷ đồng còn có loạt bluechip như VIC (330 tỷ đồng), CTG (288,8 tỷ đồng), HDB (275,1 tỷ đồng), GAS (142,3 tỷ đồng) và NVL (107,8 tỷ đồng). Những mã còn lại ghi nhận giá trị bán ròng 70 đến 100 tỷ đồng như KBC, POW, PVT và VNM.

Ở chiều mua vào, cổ phiếu VPB được gom mạnh nhất với 839,7 tỷ đồng. Riêng trong phiên cuối tuần, mã này được NĐT nước ngoài mua vào với quy mô hơn 891 tỷ đồng, tương đương 23,3 triệu đơn vị. Hoạt động mua diễn ra ngay sau khi VPBank nâng room ngoại lên 17,5%.

Dòng tiền từ những nhà đầu tư nước ngoài cũng trở thành lực đẩy với nhóm phân bón hóa chất tuần qua với giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng như DGC (175,7 tỷ đồng), DCM (129,5 tỷ đồng), DPM (100,6 tỷ đồng). Nhóm được mua vào còn có STB, MSN, VND, FPT với giá trị 65 - 100 tỷ đồng.

TNG tiếp tục bị xả trên HNX

Tuần 28/2 - 4/3: Khối ngoại xả gần nghìn tỷ đồng HPG, tập trung gom VPB khi hở 'room' - Ảnh 2.

Giao dịch của khối ngoại trên HNX tuần 28/2 - 4/3. Ảnh: Hoàng Linh.

Diễn biến tương tự, khối ngoại bán ròng nhẹ 18,3 tỷ đồng trên sàn HNX. Giá trị mua vào bán ra trên sàn HNX trong tuần này này lần lượt là 122,85 tỷ đồng và 141,1 tỷ đồng.

Theo thống kê, mã TNG bị bán ra mạnh nhất với giá trị trên 59 tỷ đồng. Diễn biến gần đây cho thấy quỹ ngoại đến từ Hàn Quốc là nhóm KIM liên tục xả TNG và không còn là cổ đông lớn công ty. Do đó, nhiều khả năng bên bán ra TNG trong này chính là nhóm quỹ ngoại KIM. Những cổ phiếu khác bị bán ròng dưới 10 tỷ đồng có PVI (7 tỷ đồng), SHS (4,7 tỷ đồng), PVS (4,5 tỷ đồng) và VKC (3,2 tỷ đồng).

Cổ phiếu IDC dẫn đầu giá trị mua ròng trên sàn HNX tuần này với gần 48,3 tỷ đồng. Nhóm được mua ròng trên HNX tuần này có PLC (9,8 tỷ đồng), SCI (9 tỷ đồng), CEO (3,2 tỷ đồng), PVG (3,1 tỷ đồng).

ACV được gom nhiều nhất trên UPCoM

Tuần 28/2 - 4/3: Khối ngoại xả gần nghìn tỷ đồng HPG, tập trung gom VPB khi hở 'room' - Ảnh 3.

Giao dịch của khối ngoại trên UPCoM tuần 28/2 - 4/3. Ảnh: Hoàng Linh.

Diễn biến trái chiều, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 94,4 tỷ đồng trên thị trường UPCoM tuần này. Hoạt động mua tập trung ở các cổ phiếu như ACV (47,7 tỷ đồng), BSR (22,8 tỷ đồng), QNS (11,03 tỷ đồng), VEA (6,3 tỷ đồng), GHC (2,6 tỷ đồng). Nhóm bị bán có giá trị dưới 7 tỷ đồng như MCM, VTP, BDT, LTG và NNG.

Hoàng Linh

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.