|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phiếu dầu khí hiện rủi ro chứ không phải cơ hội để mua, vì sao khối ngoại không thích nhóm này?

16:07 | 04/03/2022
Chia sẻ
Theo ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, giá cổ phiếu dầu khí tăng nhanh bao nhiêu sẽ giảm nhanh bấy nhiêu khi giá dầu thế giới đảo chiều. Bởi vậy, cổ phiếu liên quan đến ngành dầu khí hiện tại là một rủi ro lớn dần chứ không phải cơ hội để mua.

Dầu khí là một chủ đề quan tâm lớn khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng nổ. Giá dầu thế giới tăng mạnh lên mức cao nhất gần một thập kỷ đẩy giá xăng trong nước vượt ngưỡng 27.000 đồng/lít. Diễn biến tích cực của giá dầu là lực đẩy nhóm cổ phiếu dầu khí tăng dựng đứng. Chỉ trong ít phiên, các mã nhóm dầu khí tăng giá 20 – 30%, thậm trí trên 40% như PVC.

Diễn biến khởi sắc của nhóm dầu khí thu hút được dòng tiền đầu cơ ngắn hạn. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm, liệu sóng cổ phiếu dầu khí liệu có kéo dài?

Liên quan đến chủ đề này, trong chương trình Bí mật đồng tiền được VTV phát sóng trưa thứ Tư (2/3), ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research và ông Lã Giang Trung, Tổng Giám đốc Passion Investment (PIF) đã có những chia sẻ.

Theo ông Lã Giang Trung, việc giá dầu tăng mạnh lên 120 – 150 USD/thùng có thể là rủi ro rất lớn với nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến "lạm phát đình đốn".

"Lạm phát đình đốn là lạm phát tăng rất mạnh nhưng kinh kế vẫn suy thoái đi xuống. Thông thường chúng ta nhìn thấy kinh tế tăng trưởng mạnh thì mới có lạm phát. Nhưng ở đây giá dầu tăng mạnh vì nguồn cung sụt giảm. Nó rất khác việc kinh tế tăng trưởng và lạm phát tăng".

Góc nhìn chuyên gia: Cổ phiếu dầu khí hiện rủi ro chứ không phải cơ hội để mua, vì sao khối ngoại không thích nhóm này? - Ảnh 1.

Lạm phát đình đốn nghĩa là lạm phát tăng nhưng ngân hàng trung ương cũng khó tăng lãi suất, bởi vì tăng lãi suất trong khi kinh tế lại đi xuống. Ở Mỹ cũng có một số chuyên gia đã bắt đầu nói về lạm phát đình đốn có khả năng xảy ra, CEO Passion Investment nói.

Đánh giá về tác động, vị chuyên gia cho rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ làm giá hàng hóa và dầu tăng mạnh, dẫn đến nguồn cung ứng, thương mại trên thế giới chặn lại. Đó là một tình trạng rất nguy hiểm.

"Sắp tới theo dự kiến là Fed sẽ tăng lãi suất, nhưng với tình trạng như này tôi nghĩ Fed cũng đang rất lưỡng lự, không biết có tăng hay không. Nếu tăng thì tăng nhanh quá, tăng khi trạng thái kinh tế rất là rủi ro. Tôi nghĩ đây là một giai đoạn rủi ro đối với nền kinh tế thế giới cũng như là thị trường chứng khoán", ông Trung nói.

Về chủ đề đầu tư cổ phiếu dầu khí, CEO Passion Investment đưa quan điểm từ kinh nghiệm cá nhân rằng, các đợt tăng giá cổ phiếu liên quan đến việc giá dầu tăng rất ngắn hạn.

Sau khi giá dầu dừng đà tăng và quay trở lại như cũ, giá cổ phiếu của những nhóm ngành liên quan cũng sẽ quay trở lại như cũ. Giá cổ phiếu tăng nhanh bao nhiêu sẽ giảm nhanh bấy nhiêu. Bởi vậy, cổ phiếu liên quan đến ngành dầu khí hiện tại là một rủi ro lớn dần chứ không phải cơ hội để mua.

Đưa quan điểm về nhóm cổ phiếu dầu khí, ông Phạm Lưu Hưng cho biết đây là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài không thích bởi có những công cụ khác.

Nếu các cổ phiếu chạy theo giá dầu khối ngoại mua luôn hợp đồng tương lai giá dầu. Phương pháp này sẽ dễ hơn trừ khi, nhà đầu tư nước ngoài lỡ mua hợp đồng tương lai giá dầu sẽ quay về mua các cổ phiếu dầu khí theo hướng nghĩ giá dầu duy trì ở mức cao. Ví dụ trong quý I của các doanh nghiệp dầu khí sẽ khá hơn và nhà đầu tư tận dụng cơ hội đó để kiếm tiền sau khi để lỡ mất các sóng giá dầu.

Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam có biên độ. Ví dụ, giá dầu khí tăng sốc 10% trong một đêm, cổ phiếu PVS tăng tối đa 10% trong phiên. Bên cạnh đó, PVS được hưởng lợi về giá dầu theo hướng đang làm dự án và giá dầu phải duy trì ở mức đủ dài mới hưởng lợi được.

Thu Hà