|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 23 - 27/3: Tự doanh CTCK đảo chiều bán ròng, cùng khối ngoại rút hơn 2.000 tỉ đồng khỏi thị trường

20:22 | 29/03/2020
Chia sẻ
Tuần giao dịch (23 - 27/3), VN-Index đóng cửa tuần ở mức 696,06 điểm, giảm 13,67 điểm so với phiên cuối tuần trước, tương đương với mức giảm 1,93%. Chỉ số giảm sâu về ngưỡng 690 cũng đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy, thị trường chứng kiến đà bán ròng của khối ngoại tạm dừng phiên cuối tuần.

Trong tuần vừa qua, VN-Index ghi nhận biến động mạnh khi dịch bệnh tiếp tục có diễn biến khó lường tại các quốc gia phát triển. Kết thúc tuần, VN-Index có ba phiên tăng và hai phiên giảm điểm, đóng cửa tuần ở mức 696,06 điểm, giảm 13,67 điểm so với phiên cuối tuần trước, tương đương với mức giảm 1,93%. 

Chỉ số giảm sâu về quanh ngưỡng 690 cũng đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy. Phiên giao dịch cuối tuần đồng thời cũng chứng kiến đà bán ròng của khối ngoại tạm dừng.

Khối tự doanh bán ròng 498 tỉ đồng, tâm điểm giao dịch CCQ E1VFVN30

Thống kê giao dịch tuần 23 – 27/3, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều bán ròng 498 tỉ đồng với khối lượng 17,5 triệu đơn vị. Ngoại trừ phiên thứ Ba ghi nhận giá trị mua ròng, khối tự doanh xả trăm tỉ hầu hết phiên còn lại trong tuần.

Tuần 23 - 27/3: Tự doanh đảo chiều bán ròng, cùng khối ngoại rút hơn 2.000 tỉ đồng khỏi thị trường, xả trăm tỉ loạt bluechips - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Top10 cổ phiếu bị khối tự doanh bán ra, dẫn đầu là GEX với giá trị 83,05 tỉ đồng, theo sau là CAV (80,03 tỉ đồng). Bên cạnh đó, một số mã ghi nhận giá trị bán ra trên 60 tỉ đồng như VHM (69,01 tỉ đồng), MWG (61,72 tỉ đồng) và VIC (60,5 tỉ đồng).

Cùng chiều bán ra, khối này đặt áp lực lên cổ phiếu FPT (56,51 tỉ đồng). Liên quan đến cổ phiếu này, CTCP FPT vừa thông báo thay đổi địa điểm họp ĐHĐCĐ từ khách sạn Daewoo, 360 Kim Mã, Ba Đình về tòa nhà F-Ville 2, khu công nghệ cao Hòa Lạc, k 29 Đại lộ Thăng Long, Thạch Thất, tổ chức họp trực tuyến và bỏ phiếu từ xa nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ phận tự doanh còn rút vốn khỏi cổ phiếu TCB (54,24 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (54,23 tỉ đồng), VNM (50,06 tỉ đồng) và MSN (39,49 tỉ đồng).

Ngược lại, Top10 mã được khối tự doanh mua vào, chứng chỉ quĩ E1VFVN30 đạt giá trị cao nhất là 91,84 tỉ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, hai mã FPT và HPG lần lượt được khối này mua 46 tỉ đồng và 33,32 tỉ đồng. Mới đây, Chứng khoán Rồng Việt ước tính một số cỏ phiếu sẽ bị giảm tỉ trọng trong rổ VN30 kì cơ cấu tháng 4/2020, trong đó có FPT và HPG

Mặt khác, dòng vốn tự doanh tìm đến cổ phiếu MWG (24,38 tỉ đồng), VPB (24,27 tỉ đồng), CTG (23,89 tỉ đồng) và MBB (20,99 tỉ đồng). Ngoài ra, một số mã với giá trị dưới 20 tỉ đồng lọt top mua vào của khối tự doanh như MSN, TCB và VNM.

Khối ngoại tiếp tục xả 1.412 tỉ đồng trên HOSE, bán ròng trăm tỉ loạt cổ phiếu bluechips

Giao dịch cùng chiều tự doanh, NĐT nước ngoài bán ròng 1.515 tỉ đồng toàn thị trường. Nối tiếp đà bán ròng hơn 3.000 tỉ đồng tuần trước đó trên sàn HOSE, NĐT nước ngoài tiếp tục xả tất cả phiên trong tuần này với tổng giá trị 1.412 tỉ đồng. Khối lượng bán ròng trong tuần đạt 73,2 triệu đơn vị. 

Trong đó, khối ngoại tập trung bán ròng 1.352 tỉ đồng cổ phiếu và 55 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội. 

Đáng chú ý, dòng vốn ngoại rút ròng nhiều nhất khỏi cổ phiếu MSN (443,46 tỉ đồng). Phiên thứ Ba và thứ Tư tuần qua xuất hiện giao dịch thỏa thuận 13,3 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng giá trị 653 tỉ đồng.

Tuần 23 - 27/3: Tự doanh đảo chiều bán ròng, cùng khối ngoại rút hơn 2.000 tỉ đồng khỏi thị trường, xả trăm tỉ loạt bluechips - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Liên quan đến thương hiệu VinCommerce của Masan, mới đây Techcombank đã phê duyệt nâng hạn mức tín dụng cho đơn vị vận hành hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích mang thương hiệu VinMart và VinMart+ từ mức 600 tỉ đồng trước đó lên 1.000 tỉ đồng. Thời gian sử dụng hạn mức tín dụng của Vincommerce là 12 tháng kể từ ngày 7/10/2019.

Cùng chiều bán ròng, cổ phiếu HPG ghi nhận giá trị 223,43 tỉ đồng. Mặc dù chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại, ông Trần Vũ Minh, con trai của Chủ tịch HĐQT công ty Trần Đình Long, mới đây đã đăng kí mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG trong thời gian từ 27/3 đến 24/4 qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Trước đó, từ ngày 17/3 đến 23/3, ông Minh đã chi khoảng 346 tỉ đồng để mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG qua phương thức khớp lệnh, tỉ lệ sở hữu 0,72%.

Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài còn xả trên trăm tỉ các gồm VRE (161,26 tỉ đồng), SVC (122,55 tỉ đồng) và VHM (118,81 tỉ đồng). Theo sau đó, mã ghi nhận giá trị bán ròng trong tuần dưới trăm tỉ như chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (54,32 tỉ đồng), cổ phiếu CII (48,18 tỉ đồng), STB (43,98 tỉ đồng) và TDM (40,83 tỉ đồng).

Diễn biến trái chiều, khối ngoại rót vốn vào cổ phiếu VNM (164,63 tỉ đồng), đây cũng là mã duy nhất trên HOSE ghi nhận giá trị mua ròng trên trăm tỉ đồng. Vinamilk mới đây tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu dự kiến 62.000 tỉ đồng, tăng trưởng 10%.

Tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu không thấp hơn 20%, tương ứng tối thiểu 12.400 tỉ đồng. Cơ sở tăng doanh thu của doanh nghiệp này một phần đến từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh với GTNFoods và tăng qui mô vùng nguyên liệu.

Trong tuần vừa qua, cổ phiếu VNM ghi nhận giá trị trao tay gần 202 tỉ đồng trong thời gian đăng kí giao dịch của người nội bộ. Cụ thể, trước diễn biến cổ phiêu liên tục lao dốc giữa dịch Covid-19, các lãnh đạo của Vinamilk đã đồng loạt đăng kí mua tổng cộng 1,4 triệu cp để hỗ trợ giá cổ phiếu.

Cùng với đó, dòng vốn ngoại đổ vào cổ phiếu CTG (47,98 tỉ đồng), VIC (33 tỉ đồng), VCB (13,07 tỉ đồng) và PHR (11,8 tỉ đồng). Một số mã lọt top mua ròng trong tuần với giá trị dưới 10 tỉ đồng như SAB, GAB, BMP, SCS và SBT.

NĐT nước ngoài thoái ròng 93 tỉ đồng trên HNX, chủ yếu tại mã PVS

Không nằm ngoài xu hướng, NĐT nước ngoài bán ròng gần 93 tỉ đồng trên sàn HNX với khối lượng cổ phiếu tương ứng 8,74 triệu. Hoạt động bán ròng diễn ra trong tất cả phiên tuần qua, tập trung vào các ngày đầu tuần.

Tuần 23 - 27/3: Tự doanh đảo chiều bán ròng, cùng khối ngoại rút hơn 2.000 tỉ đồng khỏi thị trường, xả trăm tỉ loạt bluechips - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Dẫn đầu phía bán ròng trên HNX là cổ phiếu PVS (47,1 tỉ đồng). Khối ngoại còn xả trên 10 tỉ đồng hai mã SHB và TNG, giá trị cụ thể tương ứng 15,7 tỉ  đồng và 13 tỉ đồng. Cùng chiều bán ra, cổ phiếu DNM ghi nhận giá trị 1,6 tỉ đồng, theo sau là các mã với giá trị bán ròng dưới 1 tỉ đồng như AMV, VCS, DNP, INN, NDX và PLC.

Trong khi đó, cổ phiếu TIG và ART được NĐT nước ngoài rót vốn lần lượt 1,8 tỉ đồng và 1,7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại gom KLF, SDT, IDV, BVS, WCS, SLS, HUT và SDN tuy nhiên đều dưới 1 tỉ đồng.

Thị trường UPCoM ghi nhận giá trị bán ròng gần 10 tỉ đồng

Với mức độ nhẹ hơn trên hai sàn, khối ngoại rút ròng 10 tỉ đồng từ thị trường UPCoM cùng khối lượng bán ròng 3,4 triệu đơn vị. Trong tuần, NĐT nước ngoài đảo chiều mua ròng vào hai phiên cuối tuần sau chuỗi dài bán ròng trước đó.

Tuần 23 - 27/3: Tự doanh đảo chiều bán ròng, cùng khối ngoại rút hơn 2.000 tỉ đồng khỏi thị trường, xả trăm tỉ loạt bluechips - Ảnh 4.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Cụ thể, chịu áp lực xả chủ yếu từ khối ngoại tuần qua có các mã BSR (13,9 tỉ đồng), ACV (13,8 tỉ đồng) và QNS (13,6 tỉ đồng). Mặt khác, khối này thoái ròng cổ phếu LPB (8,2 tỉ đồng), VIB (2,7 tỉ đồng), NTC (1,8 tỉ đồng) và CTR (1,02 tỉ đồng). Một số mã ghi nhận giá trị bán ròng như VGG, SAS và WSB.

Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài gom mạnh mã VTP (24,2 tỉ đồng), kế đến là VEA (19,5 tỉ đồng) và KDF (1,3 tỉ đồng). Ngoài ra, dòng vốn ngoại đổ vào các cổ phiếu khác như MCH, VGI, KSH, HND, VAV, C4G và TTD.

Ánh Hường