Thị trường chứng quyền (23 - 27/3): Thêm một tuần lao dốc, nhóm VNM và MSN ngược dòng tăng giá
Đáo hạn chứng quyền CVNM1902 của Chứng khoán KIS Việt Nam
Trong tuần giao dịch vừa qua, chứng quyền CVNM1902 do Chứng khoán KIS phát hành đã dừng giao dịch do sắp đến ngày đáo hạn. Đây là chứng quyền dựa trên cổ phiếu VNM được KIS phát hành trong 2 đợt vào tháng 9/2019 và tháng 11/2019 với khối lượng lần lượt 3 triệu đơn vị và 6 triệu đơn vị cho mỗi đợt.
Trong quá trình giao dịch của CVNM1902, giá cổ phiếu VNM lao dốc sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên xu hướng của chứng quyền này.
Cụ thể, thời điểm mới lên sàn, chứng quyền CVNM1902 từng có giai đoạn giá lên tới ngưỡng trên 3.000 đồng/cw, tuy nhiên sau 3 tháng giao dịch mã này đã giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn 10 đồng/cw, mất gần như toàn bộ giá trị.
Trong khi đó, nhà đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng chịu thua lỗ đáng kể. Với giá phát hành 700 đồng/cw, giá thực hiện 158.888 đồng mỗi cổ phiếu VNM và tỉ lệ chuyển đổi 10:1, giá hòa vốn cho chứng quyền CVNM1902 là 165.888 đồng/cp.
Tại ngày đáo hạn, giá cổ phiếu VNM chỉ còn 94.100 đồng/cp, theo đó nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền này đã chịu mức lỗ vị thế hơn 43%.
Nhiều chứng quyền tiếp tục giảm sâu trong tuần 23 - 28/3
Về diễn biến trong tuần qua, thị trường chứng quyền tiếp tục lao dốc cùng xu hướng với thị trường chứng khoán cơ sở giữa bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Toàn thị trường chứng kiến 56 mã giảm giá, trong khi chỉ có 5 mã ngược dòng tăng giá; mức sụt giảm trung bình là 43,23%.
Top10 giảm giá ghi nhận chứng quyền của nhiều nhóm ngành từ ngân hàng, sản xuất đến bán lẻ hay hàng tiêu dùng. Trong đó, chứng quyền CFPT1906 của Chứng khoán HSC dẫn đầu chiều giảm khi mất đi hơn 83% giá trị, từ 60 đồng/cw xuống còn 10 đồng/cw, tương đương đúng một bước giá.
Trong tuần qua, cổ phiếu FPT tiếp tục lao dốc xuống vùng giá thấp nhất từ giữa năm 2019 đã tác động tiêu cực lên chứng quyền CFPT1906, bên cạnh đó áp lực tâm lí khi gần ngày đáo hạn khiến lực bán tăng lên cũng là nguyên nhân khiến chứng quyền này giảm sâu.
Tương tự CFPT1906, nhiều chứng quyền cũng giảm mạnh khi sắp đến ngày đáo hạn như CVPB2002 của Chứng khoán VPS giảm gần 79%; bộ đôi CVRE1902 và CVNM1904 cũng do HSC phát hành cùng giảm 75%.
Một chứng quyền khác đáng chú ý là CMWG2003 của Chứng khoán MBS với mức giảm 80% từ 50 đồng/cw xuống còn vỏn vẹn 10 đồng/cw.
Đà lao dốc của chứng quyền này cũng phần nào đến từ giao dịch tiêu cực của cổ phiếu MWG, khi ngành bán lẻ được cho rằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Bất chấp việc hàng loạt lãnh đạo đăng kí mua vào, cổ phiếu MWG vẫn liên tục giảm sâu, thậm chí trong phiên cuối tuần mã này giảm sàn xuống còn 63.300 đồng/cp.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mới đây Thế giới Di động đã thông báo đóng một số cửa hàng trong 2 tuần, theo đó doanh thu quí I/2020 của doanh nghiệp này có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhiều chứng quyền cũng chứng kiến mức giảm sâu trong tuần qua như CTCB2002, CVJC1902, CREE1903, CGMD1901 và CHPG2004. Các chứng quyền trong top10 giảm giá đều bốc hơi trên 70% giá trị.
Trong bối cảnh thị trường chung lao dốc, một số chứng quyền vẫn ngược dòng tăng giá với hiệu suất đạt mức hai con số, đáng chú ý là bộ đôi chứng quyền VNM của KIS và SSI. Trong đó, chứng quyền CVNM2002 của KIS ghi nhận mức tăng trưởng 32,22% từ 900 đồng/cw lên 1.190 đồng/cw; chứng quyền CVNM1903 của SSI cũng bứt phá hơn 21%.
Sự tích cực của nhóm chứng quyền trên đến từ đà hồi phục của cổ phiếu VNM trên thị trường cơ sở. Sau khi tạo đáy 83.700 đồng/cp vào ngày 23/3, cổ phiếu ghi nhận 3 phiên tăng giá liên tiếp lên 94.100 đồng/cp, thuộc số ít cổ phiếu ngược dòng tăng giá trong tuần qua.
Cùng với đó, cổ phiếu MSN giao dịch khởi sắc cũng giúp hai chứng quyền CMSN1902 và CMSN2001 hồi phục đáng kể, lần lượt tăng 20% và 10%. Chứng quyền CNVL2001 cũng hồi phục 16,67% lên 1.750 đồng/cp. Hai mã MSN và NVL cũng thuộc top cổ phiếu giữ tốt nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chuỗi bán ròng
Với việc nhiều chứng quyền lao dốc, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm trong tuần qua. Mặc dù khối lượng giao dịch tăng lên, giá trị giao dịch vẫn thấp hơn 9,5% so với tuần trước, ở mức 7,97 tỉ đồng, con số này thậm chí thấp hơn nhiều so với thanh khoản trong một phiên giao dịch của một cổ phiếu nhóm VN30.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn không bán ròng. Cụ thể, khối ngoại mua vào 4,4 triệu đơn vị trong khi bán ra tới hơn 9 triệu đơn vị, chiếm hơn 25% thanh khoản thị trường. Khối lượng bán ròng đạt gần 4,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị bán hơn 1 tỉ đồng.