|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 22-26/1: HOSE gặp sự cố, VN-Index chạm mốc 1.115 điểm

11:23 | 28/01/2018
Chia sẻ
Tuần 22-26/1 ghi nhận VN-Index vượt mốc 1.115 điểm với thanh khoản duy trì ở mức cao. Điểm đáng chú ý đặc biệt trong tuần qua đó là sự cố kỹ thuật trên HOSE vào ngày 22/1.

HOSE gặp sự cố ngay trong ngày giao dịch đầu tuần

Tuần 22-26/1, VN-Index đạt 1.115,64 điểm, HNX-Index đạt 126,82 điểm, UPCoM-Index đạt 59,41 điểm.

Mở đầu tuần này, VN-Index hưng phấn với việc tăng gần 24 điểm. Tuy nhiên, sự cố vào khoảng 14h30 trên HOSE đã khiến mọi giao dịch trên sàn này phải ngừng lại cho đến ngày 25/1.

tuan 22 261 hose gap su co vn index cham moc 1115 diem Thị trường chứng khoán 22/1: Thị trường không thể đóng cửa, VN-Index tạm dừng ở 1.087 điểm

Kết thúc tuần, VN-Index vượt 1.115 điểm nhờ đóng góp đáng kể của những cổ phiếu trụ như GAS, VNM, MSN, VIC và các mã thuộc nhóm ngân hàng. Đặc biệt, các mã BID, MBB hay VCB tiếp tục tìm đến đỉnh giá mới (theo giá điều chỉnh) trong tuần này. Một mã đáng chú ý khác là VJC, tân binh của VN30 khi có tới 2 phiên tăng trần trong tuần.

Trái ngược với đà tăng chung, các cổ phiếu nhóm vốn hóa nhỏ và trung bình ở nhiều nhóm ngành giao dịch khá ảm đạm.

Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao, riêng phiên trở lại của HOSE sau sự cố vào ngày 25/1 đạt tổng giá trị giao dịch toàn thị trường lên tới hơn 16.600 tỷ đồng. Trong đó, HOSE đạt hơn 14.300 tỷ đồng.

Khối ngoại tuần qua duy trì mua ròng tại nhiều mã vốn hóa lớn. Đáng chú ý ngày 25/1, khối ngoại mua ròng hơn 765 tỷ đồng trên HOSE tập trung vào các mã như HDB, VIC hay PLX. Ngược lại, HPG là mã bị bán ròng nhiều nhất với hơn 210 tỷ đồng.

tuan 22 261 hose gap su co vn index cham moc 1115 diem
Tuần 22-26/1, HOSE gặp sự cố kỹ thuật, VN-Index cán mốc 1.115 điểm (ảnh minh họa)

Nhiều mã vốn hóa lớn tăng mạnh

Trên HOSE, PMG (CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền trung) mới lên sàn ngày 25/1 đã tăng mạnh nhất tuần với 28% lên 17.950 đồng/cp.

Một mã khác mới lên sàn vào ngày 18/1 là VPG (CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát) tăng 22% lên 18.000 đồng/cp. Theo đó, mã này đã liên tục tăng trần kể từ ngày lên sàn.

Đáng chú ý, nhiều mã trụ như BID, HCM và GAS đều lọt vào top tăng mạnh nhất với đà tăng lần lượt 20,8%, 19,2% và 17,6%. Cả 3 mã này đều ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2017 tăng trưởng.

Trong đó, BID đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống 8.800 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch năm. HCM đạt lợi nhuận sau thuế 554 tỷ đồng, tăng 82% so với năm trước và GAS đạt lợi nhuận sau thuế hơn 9.800 tỷ đồng, tăng 37%.

Hai mã đáng chủ ý khác là BHN và KDH cũng tăng khoảng 14%.

tuan 22 261 hose gap su co vn index cham moc 1115 diem
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HOSE tuần 22-26/1

Về phía những mã giảm mạnh nhất, KAC (CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An) giảm mạnh nhất với 18,9% xuống 17.850 đồng/cp.

CDO (CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị) giảm 13.9% xuống 1.790 đồng/cp. Đáng chú ý, CDO lỗ hơn 130 triệu đồng vào quý IV/2017 và đặc biệt không có doanh thu từ công ty mẹ trong quý này.

PIT (CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex) giảm 13,5% xuống 6.920 đồng/cp. Năm 2017 ghi nhận PIT có khoản lỗ 47 tỷ đồng, kỉ lục kể từ năm 2005 đến nay.

tuan 22 261 hose gap su co vn index cham moc 1115 diem Công ty con của Petrolimex - Pitco lỗ kỉ lục kể từ năm 2005

Tương tự các mã như SKG (CTCP Tầu cao tốc Superdong-Kiên Giang), SCD (CTCP Nước giải khát Chương Dương) giảm 11,4% và 11% cũng do có kết quả kinh doanh không tốt trong quý IV/2017 và cả năm vừa qua.

Một mã đáng chú ý khác là DTT (CTCP Kỹ nghệ Đô Thành) tiếp tục nằm trong top giảm với 13,1% xuống 9.170 đồng/cp.

tuan 22 261 hose gap su co vn index cham moc 1115 diem
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HNX tuần 22-26/1

Trên HNX, AME (CTCP Alphanam E&C) tăng mạnh nhất với 56,4% lên 12.200 đồng/cp.

Bô đôi PGS (CTCP Kinh doanh Khí Miền nam) và PVG (CTCP Kinh doanh Khí Miền bắc) tăng 25,6% và 24,7% lên 34.800 đồng/cp và 10.100 đồng/cp.

Về phía những mã giảm mạnh nhất, PPP (CTCP Dược phẩm Phong Phú) dẫn đầu khi giảm 26,4% xuống 9.200 đồng/cp.

HVA (CTCP Đầu tư HVA) tiếp tục nằm trong top này khi giảm 26,2% xuống 4.500 đồng/cp với 4 phiên đầu tuần đều giảm sàn và tăng trần vào phiên cuối tuần.

Tương tự, DST (CTCP Đầu tư Sao Thăng Long) và (CTCP Công nghệ Viễn thông Viteco) tiếp tục nằm trong top giảm với 25,9% và 18,9%.

tuan 22 261 hose gap su co vn index cham moc 1115 diem
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên UPCoM tuần 22-26/1

Ông lớn dệt may tăng mạnh sau gần một năm đi ngang giá

Trên UPCoM, MPC (CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) tăng mạnh nhất với 68,3% lên 86.000 đồng/cp. Cổ phiếu mới lên sàn ngày 18/1, HFT (CTCP Chứng khoán HFT) tăng 47,7% lên 18.900 đồng/cp.

Đặc biệt, ông lớn ngành dệt may là VGT (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) tăng 38,9% lên 18.200 đồng/cp đi kèm với thanh khoản tăng đột biến trong tuần này. Trước đó, cổ phiếu này đã đi ngang giá suốt một năm qua quanh ngưỡng 12.000-13.000 đồng/cp.

Về phía những mã giảm mạnh nhất, dẫn đầu là BDF (CTCP Giày Bình Định), BTH (CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội), (CTCP Diêm Thống Nhất) với 40%.

Hai mã VIW (Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam-CTCP) và VVN (Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam) tiếp tục nằm trong top giảm với 26,7% và 33,3%.

Minh Đăng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.