|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 21 – 25/6: Khối ngoại vẫn bán ròng dù đã mua 4 phiên liên tiếp, tập trung chốt lời NVL trên đỉnh lịch sử

08:50 | 26/06/2021
Chia sẻ
Tuần giao dịch (21 – 25/6), giao dịch của khối ngoại có phần tích cực khi khối này mua ròng 4/5 phiên. Tuy nhiên, việc bán ròng nghìn tỷ phiên đầu tuần khiến thị trường tiếp tục có một tuần bị rút ròng. Hoạt động bán ra tập trung tại các mã như HPG, NVL, VPB, GEX, MBB.

Khối ngoại mua ròng 4/5 phiên trên HOSE

Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch giằng co trong tuần (21 – 25/6) với các nhịp tăng giảm đan xen trong 4 phiên đầu tuần. Phiên cuối tuần (25/6), lực mua lan tỏa trên diện rộng đẩy thị trường tăng mạng, vượt qua ngưỡng kháng cự 1.380 điểm, đóng cửa tuần ở 1.390,12 điểm, tăng 0,9% so với cuối tuần trước.

NVL là cổ phiếu tác động lớn nhất đến đà tăng điểm của VN-Index khi ghi nhận mức tăng 15,6% tuần này. Nhóm ngân hàng trở lại dẫn dắt thị trường khi có 6 đại diện trong Top10 mã ảnh hưởng lớn nhất đến đà tăng của chỉ số là VCB, CTG, MBB, VPB, ACB và TCB. Tại chiều giảm, HPG là cổ phiếu kìm hãm chỉ số.

Về diễn biến dòng tiền, khối ngoại mua ròng 4/5 phiên trong tuần này. Nhưng do ghi nhận giá trị bán ròng khoảng 1.100 tỷ đồng phiên đầu tuần (21/5) nên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một tuần bị rút ròng từ các NĐT nước ngoài.

Thống kê trên sàn HOSE, NĐT nước ngoài trở lại bán ròng sau khi mua ròng 193,1 tỷ đồng tuần trước đó nhờ hoạt động cơ cấu danh mục quý II của FTSE ETF và VNM ETF.

Tuần 21 – 25/6: Khối ngoại vẫn bán ròng dù đã mua 4 phiên liên tiếp, tập trung chốt lời NVL trên đỉnh lịch sử - Ảnh 1.

Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng hơn 570 tỷ đồng tuần này với khối lượng hơn 2,6 triệu đơn vị. Trong đó, giá trị bán ròng cổ phiếu gần 659 tỷ đồng, trong khi chứng chỉ quỹ ETF nội được vào mua ròng 92,5 tỷ đồng. Rổ VN30 chiếm hơn một nửa giá trị bán ròng tuần này với 375 tỷ đồng.

Giao dịch theo từng cổ phiếu, mã HPG của Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về giá trị bán ròng 412 tỷ đồng tuần này. Trong tuần khởi sắc, cổ phiếu NVL của Novaland bị khối ngoại xả 384,6 tỷ đồng. Nhóm bị bán ròng trên 100 tỷ đồng tuần này còn có VPB (337,8 tỷ đồng), GEX (176,6 tỷ đồng), MBB (164 tỷ đồng), CTG (100,9 tỷ đồng) và VRE (102,7 tỷ đồng).

Ngoài ra, dòng tiền ngoại còn rút ra khỏi một số mã vốn hóa vừa và lớn khác như VNM, BCG, HDC, BVH, SBT, VCI với giá trị 40 – 100 tỷ đồng.

Tại chiều mua, cổ phiếu VHM của Vinhomes được vào ròng mạnh nhất với 424 tỷ đồng, theo sau là VCB (353,3 tỷ đồng), GAS (178,4 tỷ đồng), STB (128,7 tỷ đồng). Giá trị mua vào dưới 100 tỷ đồng xuất hiện tại một số mã như HDB, KDH, MSN, DXG, PLX.

Dòng tiền ngoại rút mạnh khỏi HNX, duy trì trạng thái mua nhẹ trên UPCoM

Trên sàn HNX, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng lên gần 576,5 tỷ đồng tuần này, gấp hơn 4 lần giá trị rút ra 121 tỷ đồng tuần (14 – 18/6). Giao dịch đột biến đến từ việc thỏa thuận hơn 13,8 triệu cổ phiếu của PVI giữa tổ chức HDI Global SE (Đức) và Chứng khoán HSC. Việc trao tay được thực hiện trong phiên 22/6 tại mức giá sàn 36.200 đồng/cp, tương đương 501 tỷ đồng.

Hoạt động bán ròng trên 5 tỷ đồng còn xuất hiện với một số đại diện trên HNX như PAN, VND, BVS, SHB. Trong khi đó nhóm mua vào không mấy nổi bật với giá trị đều dưới 1 tỷ đồng.

Đối lập với hai sàn, khối ngoại tiếp tục đổ tiền vào thị trường UPCoM. Theo thống kê, NĐT nước ngoài duy trì trạng thái vào dòng gần 16 tỷ đồng tuần này, không mấy khác biệt so với mức 12 tỷ đồng tuần trước đó. Hai mã tiếp tục được gom vào là ACV và VTP, lần lượt đạt 33,7 tỷ đồng và 26,7 tỷ đồng tuần này. 4 cổ phiếu khác được mua ròng trên 1 tỷ đồng là ABI, SIP, PHS và CTR.

Tuần 21 – 25/6: Khối ngoại vẫn bán ròng dù đã mua 4 phiên liên tiếp, tập trung chốt lời NVL trên đỉnh lịch sử - Ảnh 2.

Tại chiều bán ra, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi dẫn đầu với 17,7 tỷ đồng, tiếp sau đó là VEA (13,5 tỷ đồng), BSR (7,9 tỷ đồng), CSI (14,6 tỷ đồng). Nhóm bị bán ròng trên 1 tỷ đồng còn có VTS, VRG và PGV.

Thu Thảo

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.