|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 20 - 24/9: Cá nhân trong nước mua ròng tuần thứ tư liên tiếp, gom 9.000 tỷ đồng từ đầu tháng 9

11:27 | 26/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần 20 - 24/9, cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 2.146 tỷ đồng tại HOSE. Thống kê qua kênh khớp lệnh kể từ đầu tháng 9, nhóm này đã rót ròng tổng cộng trên 9.000 tỷ đồng vào thị trường.

Thị trường tiếp tục xu hướng đi ngang, NĐT cá nhân mua ròng tuần thứ 4 liên tiếp

Thị trường tiếp tục ở trạng thái dao động trong vùng tích lũy đã kéo dài suốt 3 tuần vừa qua. Sau khi điều chỉnh trong hai phiên đầu tuần, dòng tiền nhập cuộc trong phiên thứ Tư giúp chỉ số hồi phục và lấy lại mốc 1.350 điểm. Tuy vậy, áp lực chốt lời trên diện rộng ở nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục cản trở đà hồi phục của chỉ số.

Đóng cửa tuần 20 - 24/9, VN-Index giảm nhẹ 1,47 điểm (0,11%) dừng lại ở mức 1.351,17 điểm. Thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 21.513 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với tuần trước đó.

Trong tuần vận động tích lũy quanh ngưỡng 1.350 điểm, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò là lực cầu lớn nhất trên thị trường giúp nâng đỡ chỉ số.

Các cá nhân tiếp tục rót ròng 2.146 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua ròng 1.418 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, giảm nhẹ về giá trị so với tuần trước. Thống kê từ đầu tháng 9, nhóm này đã rót ròng tổng cộng trên 9.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh sàn HOSE.

Cá nhân trong nước mua ròng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Giao dịch khớp lệnh sàn HOSE theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chuyển sang phía bán, khối ngoại tiếp tục là bên "xả" ròng lớn nhất toàn thị trường với 1.089 tỷ đồng. Tuy vậy điểm tích cực là giá trị rút ròng của khối ngoại đã giảm mạnh so với những tuần trước đó.

Cùng chiều, tổ chức trong nước chuyển bán ròng hơn 475 tỷ đồng qua khớp lệnh sau khi mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng trong tuần trước. Có phần tích cực hơn, nhóm tự doanh công ty chứng khoán mua ròng nhẹ 147 tỷ dồng.

Dòng tiền phân bổ vào các nhóm bất động sản, hóa chất và tài nguyên cơ bản

Theo thống kê từ Fiinpro, mặc dù quy mô dòng tiền suy giảm nhẹ so với tuần trước do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, giao dịch mua ròng chiếm ưu thế với 14/18 nhóm ngành.

Cổ phiếu bất động sản duy trì dẫn đầu về giá trị mua ròng trong tuần qua với 640 tỷ đồng. Tuy duy trì giao dịch tích cực, quy mô dòng tiền tại nhóm này sụt giảm đáng kể so với mức 2.088 tỷ đồng của tuần trước đó, giảm hơn 1.440 tỷ đồng.

Thay vào đó, dòng tiền cá nhân chuyển dịch sang nhóm hóa chất (456 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (369 tỷ đồng). Đây là hai nhóm chịu áp lực điều chỉnh tương đối lớn trong tuần sau khi đã tăng mạnh trong giai đoạn trước. Đặc biệt, nhóm hóa chất bị chốt lời mạnh trong phiên thứ Năm khiên một số mã đầu ngành đồng loạt giảm sàn và kịch sàn như DGC, CSV, DDV.

Cá nhân trong nước mua ròng nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chuyển sang phía bán, nhóm dịch vụ tài chính và ngân hàng đồng loạt chịu áp lực xả mạnh trong tuần, lần lượt là 200 tỷ đồng và 192 tỷ đồng. Nối tiếp, các cá nhân cũng rút vốn ròng khỏi cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống (181 tỷ đồng), trước khi xả ròng nhẹ 6,2 tỷ đồng ở nhóm y tế.

Tâm điểm mua ròng các mã VIC, VHM, NVL

Trong số 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tại HOSE tuần qua, giá trị mua ròng lớn nhất tập trung tại mã VIC của Tập đoàn Vingroup. Mã này được mua ròng 499 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tương ứng hơn 5,7 triệu đơn vị.

Nhìn chung, giao dịch của các cá nhân đối ứng chủ yếu với lực bán mạnh từ khối ngoại khi nhóm này liên tục xả ròng VIC trong suốt tuần giao dịch. Sau khi về vùng đáy ngắn hạn trong phiên thứ Ba, VIC bật tăng nhẹ trong hai phiên tiếp theo. Tuy vậy, chiều bán chiếm ưu thế khiến mã này đóng cửa tuần trong sắc đỏ, giảm nhẹ 0,11%.

Các mã được mua ròng trên 200 tỷ đồng còn có DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang và HPC của Tập đoàn Hóa Phát. Trong đó, áp lực chốt lời mạnh trên thị trường khiến DGC giảm sàn trong phiên 23/9 với khối lượng khớp lệnh hơn 3,5 triệu đơn vị, nối tiếp là đà giảm 5,07% trong phiên cuối tuần.

Việc giảm giá của các cổ phiếu nhóm hóa chất chỉ mang tính chốt lời do nhóm cổ phiếu này đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, DGC đã tăng 37% trong 1 tháng và tăng thêm 189% kể từ đầu năm.

Cùng chiều, dòng tiền cá nhân trong nước cũng mua ròng mạnh một số cổ phiếu như NVL (199 tỷ đồng), VPB (148 tỷ đồng), MSN (143 tỷ đồng), theo sau rót ròng dưới 100 tỷ đồng vào NKG, FPT, STB, VPH...

Cá nhân trong nước mua ròng nghìn tỷ đồng - Ảnh 3.

Top 10 mã được mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chiều ngược lại, cá nhân trong nước chốt lời mạnh nhất ở nhóm ngân hàng, cụ thể là mã MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội bị xả mạnh nhất 390 tỷ đồng, theo sau SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á bị bán ròng 63 tỷ đồng.

Trong tuần, nhóm ngân hàng đi ngược thị trường và đóng vai trò quan trọng giữ chỉ số không giảm quá sâu. Đáng chú ý, trong phiên cuối tuần có tới 26/27 cổ phiếu nhóm này tăng giá, nổi bật là MBB được khối ngoại mua ròng hơn 11 triệu đơn vị.

Hai "ông lớn" của nhóm chứng khoán là VCI và VND lần lượt bị các cá nhân trong nước rút ròng 131 tỷ đồng và 109 tỷ đồng. Nối tiếp, dòng tiền cá nhân rút khỏi nhiều bluechips như VHM (275 tỷ đồng), VNM (250 tỷ đồng), KDH (114 tỷ đồng)...

Thảo Bùi