Tuần 17 – 21/5: Khối ngoại vẫn rút ròng trên 3.100 tỷ đồng, tập trung chốt lời VN30 trên vùng đỉnh lịch sử
Thông tin số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh cùng với diễn biến giảm điểm của thị trường thế giới đã khiến VN-Index rơi vào trạng thái giảm điểm trong 2 phiên đầu tuần (17 – 18/5) hướng về vùng hỗ trợ 1.250 điểm. Chỉ số đã trở lại trạng thái tăng điểm trong ba phiên cuối tuần, từ hỗ trợ 1.250 điểm, VN-Index có lúc chạm mức 1.289 điểm, để thiết lập mức cao mới của lịch sử.
Sau khi chỉ số vượt đỉnh 1.286 điểm, hiện tượng chốt lãi xuất hiện khiến VN-Index thu hẹp đà tăng. Chỉ số chốt tuần tại 1.283,93, tăng 17,57 điểm (tương đương 1,38%) so với tuần trước đó. Chỉ số của sàn HNX và UPCoM cũng tăng 1,11% và 0,77% so với tuần trước đó. Trong xu hướng tích cực của thị trường, khối ngoại tiếp tục rút ròng hơn 3.100 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Khối ngoại tiếp tục rút ròng hơn 3.100 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung nhóm VN30
Tuần giao dịch (17 – 21/5), khối ngoại tiếp tục rút ròng gần 3.106 tỷ đồng trên sàn HOSE. Cụ thể, giá trị chiều mua vào và bán ra lần lượt là 10.033 tỷ đồng và 6.927 tỷ đồng. Kể từ đầu tháng 5, NĐT nước ngoài rút ròng khoảng 9.656 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Trong tuần, khối ngoại bán ròng với tất cả sản phẩm niêm yết trên HOSE. Cụ thể, giá trị rút ròng ghi nhận 3.026 tỷ đồng với các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Cùng chiều, chứng chỉ quỹ ETF nội và chứng quyền có đảm báo cũng bị rút ròng khoảng 32,2 tỷ đồng và 43,7 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại trên sàn HOSE chủ yếu rút ra tại cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30. Khối ngoại chỉ mua vào 5.467 tỷ đồng qua cả hai kênh khớp lệnh và thỏa thuận nhưng bán ra tới 8.248 tỷ đồng trong tuần. Hoạt động bán ròng diễn ra tại 25/30 mã cổ phiếu rổ VN30. Một số mã được mua vào trong tuần như FPT, VHM, MSN, CTG và SSI.
Trở lại giao dịch cụ thể trên sàn HOSE, cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu về giá trị bán ròng trong tuần này với 687,3 tỷ đồng, theo sau là VIC với 503,9 tỷ đồng. Cổ phiếu VNM của Vinamilk chưa thể chấm dứt trạng thái rút ròng khi ghi nhận giá trị bán ra hơn 422 tỷ đồng.
Theo quan sát, dòng tiền ngoại còn rút ra tại nhiều mã vốn hóa lớn khác như HPG, KDH, PLX, NVL, VCB, STB, GAS và BID. Tất cả những mã này đều ghi nhận giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng tuần qua.
Chiều ngược lại, cổ phiếu FPT được mua ròng với 229,8 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng của khối ngoại là động lực góp phần thúc đẩy đà tăng giá mạnh mẽ của FPT tuần này. Đóng cửa tuần giao dịch, cổ phiếu FPT dừng ở 93.800 đồng/cp, tăng gần 11% so với cuối tuần trước. Có thời điểm giá cổ phiếu FPT vượt mốc 96.000 đồng/cp trong tuần này.
Ngoài FPT, dòng tiền ngoại còn tìm đến các cổ phiếu như VHM (187,9 tỷ đồng), MSN (84,1 tỷ đồng). Nhóm vốn hóa trung bình thu hút dòng vốn ngoại, đơn cử DHC (63,8 tỷ đồng), DGW (34,9 tỷ đồng), DGC (30,3 tỷ đồng). Cùng với đó, một số mã ngân hàng chứng khoán cũng được khối ngoại mua ròng nhẹ như SSI, CTG, VIB, OCB.
Khối ngoại rút ròng tại HNX và nhưng mua ròng trên UPCoM
Diễn biến cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn HNX với giá trị khoảng 20 tỷ đồng. Cổ phiếu VND của VNDirect bị xả mạnh nhất với giá trị trên 160 tỷ đồng, theo sau là SHB (26,9 tỷ đồng), ART (25,5 tỷ đồng), SMT (13 tỷ đồng). Các mã còn lại ghi nhận giá trị bán ra dưới 10 tỷ đồng như PAN, BVS, PLC, IDJ, MBS.
Tại chiều mua, cổ phiếu THD dẫn dẫn với giá trị 182,3 tỷ đồng, tiếp sau đó là SHS (24,8 tỷ đồng), VCS (7,8 tỷ đồng). Các mã khác được mua dưới 5 tỷ đồng có NTP, IVS, BAX.
Ngược chiều hai sàn, thị trường UPCoM ghi nhận giá trị mua ròng trên 60 tỷ đồng tuần qua. Hoạt động mua vào tập trung tại các cổ phiếu như ACV (52,5 tỷ đồng), VEA (19,7 tỷ đồng), VTP (15,2 tỷ đồng). Nhóm được mua còn có SIP, MCH, MLS, CTR với giá trị dưới 10 tỷ đồng. Chiều bán ra, cổ phiếu dẫn đầu với 25,1 tỷ đồng, theo sau là LTG, QNS, BVB, VGG.