|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 16 - 20/11: Dòng vốn tự doanh rút hơn 570 tỉ đồng khỏi thị trường, tập trung giao dịch HPG

07:45 | 22/11/2020
Chia sẻ
Thống kê giao dịch tuần qua (16 - 20/11), ngược chiều khối ngoại, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán bán ròng 574 tỉ đồng, đánh dấu tuần thứ ba bán ròng liên tiếp. Tâm điểm giao dịch là cổ phiếu HPG khi dẫn đầu cả phía mua và bán trong tuần.

Thị trường chứng khoán tiếp tục có một tuần giao dịch tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index tăng 23,71 điểm, tương đương 2,45%, lên 990 điểm trong khi HNX-Index dừng tại 147,21 điểm, tăng 1,71% so với tuần trước.

Giá trị giao dịch trung bình 5 phiên trên HOSE đạt 9.539 tỉ đồng, tăng 24% so với tuần trước. Thanh khoản bình quân 5 phiên trên HNX cũng tăng 17% lên 1.085 tỉ đồng.

Trở lại diễn biến giao dịch tuần qua, khối ngoại trở lại mua ròng 446 tỉ đồng trên sàn HOSE trong khi bán ròng gần 15 tỉ đồng trên sàn HNX.

Ngược lại, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán bán ròng 574 tỉ đồng với khối lượng 11,8 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng của khối này diễn ra vào hầu hết phiên trong tuần, ngoại trừ phiên cuối tuần. Đây là tuần thứ ba liên tiếp khối tự doanh CTCK bán ròng.

Tuần 16 - 20/11: Dòng vốn tự doanh rút hơn 570 tỉ đồng khỏi thị trường, tập trung HPG - Ảnh 1.

Nguồn: LG tổng hợp từ FiinPro.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán nhiều nhất

Thống kê giá trị giao dịch cụ thể, cổ phiếu HPG gây chú ý khi thu hút sự chú ý của NĐT trên thị trường tuần qua khi dẫn đầu cả về giá trị mua vào (431 tỉ đồng) và giá trị bán ra (293 tỉ đồng). 

Theo đánh giá của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ của Hoà Phát năm 2020 ước đạt 11.200 tỉ đồng, tăng 49% so với năm ngoái nhờ đóng góp cao hơn dự kiến của doanh số phôi thép và thép cuộn cán nóng cùng với khả năng của Hòa Phát trong việc thu mua quặng sắt với mức giá thuận lợi. 

Sang năm 2021, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ của công ty dự kiến đạt 12.500 tỉ đồng, tăng 12%, chủ yếu đến từ Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất.

Tại chiều bán ra, khối tự doanh còn tạo áp lực bán trăm tỉ lên cổ phiếu như VNM (148 tỉ đồng), TCB (144 tỉ đồng), VPB (144 tỉ đồng), VIC (122 tỉ đồng) và MBB (110 tỉ đồng).

Trong báo cáo gặp gỡ nhà đầu tư với Vinamilk được VCSC công bố mới đây, ban lãnh đạo cho biết công ty hiện đối mặt với tác động kép từ dịch COVID-19 lên các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Trung Đông và lũ lụt miền Trung - khu vực chiếm 20% doanh số trong nước của Vinamilk. Tuy nhiên, Vinamilk cho biết doanh thu công ty vẫn có thể tăng trưởng tự nhiên 5 - 8% trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các mã bị khối tự doanh bán ra còn có VHM (82 tỉ đồng), MWG (79 tỉ đồng), FPT (58 tỉ đồng) và CVT (53 tỉ đồng). 

Trong những phiên giao dịch gần đây, mã CVT của CTCP CMC gây chú ý khi bứt phá và tăng trần 4 phiên liên tiếp, chốt phiên 20/11 tại 36.800 đồng/cp. Trước diễn biến tích cực của giá cổ phiếu, cổ đông của công ty nhộn nhịp đăng kí bán ra. Đơn cử, Chứng khoán VietinBank đã thoái toàn bộ gần 4 triệu cp, tương đương 10,9% vốn điều lệ của CMC.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc đăng kí bán 1 triệu cp, ông Dương Quốc Chính – Chủ tịch HĐQT muốn bán 800.000 cp. Ngoài ra còn có giao dịch của người nhà ban lãnh đạo của công ty.

Tuần 16 - 20/11: Dòng vốn tự doanh rút hơn 570 tỉ đồng khỏi thị trường, tập trung HPG - Ảnh 2.

Nguồn: LG tổng hợp từ FiinPro.

Tại chiều mua vào, ngoài HPG, khối tự doanh tập trung giao dịch các cổ phiếu TCB (268 tỉ đồng), VPB (237 tỉ đồng), VHM (217 tỉ đồng và VNM (117 tỉ đồng). 

Trong tuần, các mã khác được khối này mua vào còn có LIX (91 tỉ đồng), MBB (82 tỉ đồng) và VIC (67 tỉ đồng). Ngoài ra, dòng tiền tự doanh tìm đến hai cổ phiếu VRE và MWG với giá trị lần lượt là 65 tỉ đồng và 58 tỉ đồng. 

Nhận định về giao dịch tuần sắp tới, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ tiến vào vùng kháng cự 990 - 1.000 điểm. Đây là vùng cản tâm lí mạnh nên BVSC cho rằng thị trường sẽ đối mặt với áp lực rung lắc và điều chỉnh.

Diễn biến thị trường trong tuần tới có thể sẽ có sự giằng co và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Dòng tiền sẽ bắt đầu có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều để tìm kiếm lợi nhuận. 

Về tổng thế, xu hướng thị trường vẫn được đánh giá tích cực trong ngắn hạn với sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội và sự trở lại mua ròng của khối ngoại. Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là các nhịp "nghỉ" cần thiết để giúp chỉ số tiếp tục hướng đến các mức cao mới trong thời gian tới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Linh Giang

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.