Dragon Capital: Triển vọng sáng cho TTCK Việt Nam, cơ hội đón dòng vốn 400 triệu USD
Dự kiến 400 triệu USD đổ vào TTCK Việt Nam
Trong tháng 10, VN-Index đã chạm mốc 961 điểm - mức cao nhất 9 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, dưới áp lực chốt lời, làn sóng COVID-19 ở EU và các diễn biến xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng tại 925,47 điểm, tăng 2,2% và đánh dấu tháng thứ ba tăng liên tiếp.
Về thanh khoản, khối lượng giao dịch mỗi phiên đạt 357 triệu USD, tăng 24% so với tháng trước và ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm 2018.
Thông tin thu hút sự quan tâm trên thị trường trong tháng qua là việc Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo đó Dragon Capital dự kiến tỉ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,8% và trở thành quốc gia chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năm tới.
Nhờ thông tin trên, cùng với kết quả kinh doanh quí III khởi sắc, quĩ kì vọng dòng vốn khoảng 400 triệu USD sẽ đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Trái với diễn biến tích cực của thị trường, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài áp đảo. Trong đợt lao dốc vào tháng 3 và ngay cả khi phục hồi vào tháng 4, thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo trên diện rộng khi cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước đều mạnh tay thoái vốn.
Tuy nhiên, trong tháng 10, khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 313 triệu USD - mức cao nhất kể từ tháng 3 thì khối tự doanh lại mua ròng. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại đã rút khỏi thị trường 515 triệu USD.
Khối ngoại chủ yếu thoái ròng khỏi cổ phiếu MSN (127 triệu USD), CTG (32 triệu USD) và VNM (27 triệu USD). Trong tháng 10, giá cổ phiếu MSN gây bất ngờ khi tăng tới 54% trước thông tin thoái vốn tại các công ty con. Mã CTG tăng 8% khi VietinBank được ngân hàng nhà nước thông qua việc tăng vốn điều lệ trong khi cổ phiếu VNM giảm nhẹ 0,9%.
Việc các NĐT ồ ạt mở tài khoản trong tháng 10 đã tạo động lực khiến các cổ phiếu trên tăng mạnh. Theo thống kê, số tài khoản mới được mở trong tháng 10 đạt 36.346 tài khoản, mức cao thứ ba từ trước đến nay. Ngoài ra, lãi suất cho vay kí quĩ giảm từ 12% về 8%.
Thống kê lợi nhuận quí III giảm 10% so với cùng kì, nhưng đã cải thiện hơn so với mức giảm 16% trong quí II và 25% trong quí I, phản ánh kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng. Phần lớn sự sụt giảm lợi nhuận đến từ một số các công ty vận tải và năng lượng.
Dragon Capital kì vọng về vĩ mô Việt Nam
Dragon Capital đánh giá kinh tế Việt Nam đang đi theo chiều hướng tích cực. Việc nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ nhằm khắc phục ảnh hưởng của COVID-19 mang lại hiệu quả vượt kì vọng.
Quĩ tin rằng Việt Nam đang bước vào một kỉ nguyên mới với đầu tư công mạnh mẽ trong khi dự báo về lạm phát ở mức thấp và không chịu quá nhiều áp lực cạnh tranh. Khi đại dịch kết thúc, GDP Việt Nam sẽ nhanh chóng lấy lại tốc độ tăng trưởng 7%/năm hoặc thậm chí cao hơn.
Trong tháng 10, chỉ số PMI đạt 51,8, giảm nhẹ so với tháng trước do xuất khẩu đến thị trường EU và Mỹ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, mặc dù tiêu thụ toàn cầu suy yếu, xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 tăng 9,9% cùng nhập khẩu tăng 10,1%, đưa thặng dư thương mại 10 tháng đầu năm lên 18,7 tỉ USD, gấp đôi so với cùng kì năm ngoái.
Trong khi đó, chính sách lãi suất tiếp tục được cắt giảm, hiện đã giảm 10 - 15% trong năm nay và nhiều khả năng sẽ còn giảm nữa.
Lợi suất trái phiếu xoay quanh mức 1,5 - 3% trong khi lãi suất liên ngân hàng về gần 0%. Nhu cầu vay vốn ngày càng lớn khi tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm tăng 6,5% so với cùng kì. Tuy nhiên, chỉ số CPI chỉ ở mức 3,7% do ảnh hưởng của việc giá thịt lợn tăng chóng mặt.
Tiền đồng rẻ khiến việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trở nên khả thi hơn. Đầu tư công đã bị đình trệ trong suốt ba năm vì các cuộc điều tra chống tham nhũng sau cuộc cải tổ lãnh đạo năm 2016.
Hiện chính phủ đã đề xuất đầu tư khoản tiền 118,5 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, tương đương 3% GDP mỗi năm. Chính sách này sẽ tập trung giải quyết "điểm nghẽn" lớn của nền kinh tế là giao thông và hậu cần, ví dụ như xây sân bay, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đồng thời nhắm mục tiêu đến ngành viễn thông và năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).
Dragon Capital đánh giá Việt Nam đang xây dựng một mô hình tăng trưởng dài hạn và bền vững. Dựa trên những kì vọng về vắc xin và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành quốc gia quan trọng trong khu vực châu Á vào năm 2021.
Đánh giá về cổ phiếu HPG, PNJ, VIC, MSN
Cùng với đánh giá về thị trường và vĩ mô, Dragon Capital đưa ra đánh giá về bốn cổ phiếu điển hình là HPG, PNJ, VIC và MSN.
Cổ phiếu HPG tăng tới 15,7% trong tháng 10 nhờ Hoà Phát báo lãi quí III cao kỉ lục, đạt 3.785 tỉ đồng (164 triệu USD), tăng 115% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi ròng của công ty tăng 57% lên 8.845 tỉ đồng (383 triệu USD).
Dragon Capital nhận định tăng trưởng đột biến của Hoà Phát trong năm nay là nhờ (1) mở rộng công suất và thị phần chiếm tới 32,4%, (2) tỉ suất lợi nhuận cao hơn do công ty bắt đầu tự cung cấp nguyên liệu đầu vào cho thép cuộn cán nóng (HRC) và (3) mảng nông nghiệp tăng trưởng mạnh khi lợi nhuận tăng 57% so với cùng kì.
Quĩ kì vọng Hoà Phát sẽ duy trì động lực tăng trưởng trong năm 2021, được củng cố bởi sản lượng và doanh thu từ việc sản xuất HRC.
Đối với ngành bán lẻ, cổ phiếu PNJ tăng 14,2% do hoạt động kinh doanh có dấu hiệu phục hồi trong tháng 9. PNJ công bố doanh thu bán lẻ tháng 9 tăng 18%, điều này cho thấy nhu cầu trang sức trong nước bắt đầu hồi phục sau đợt bùng phát COVID-19 thứ hai.
Lợi nhuận quí III của công ty gần như không thay đổi so với cùng kì, tuy nhiên đã cao hơn so với kì vọng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh lên nhu cầu hàng hoá xa xỉ như đồ trang sức.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng 16%, chủ yếu là nhờ thông tin Việt tăng tỉ trọng trong rổ MSCI Frontier Market 100 Index. Tuy nhiên, quá trình tăng tỉ trọng sẽ được chia làm 5 đợt, kéo dài trong 12 tháng.
Còn với MSN, dù chịu áp lực thoái ròng mạnh từ khối ngoại, mã này tăng tới 54% trong tháng 10 do ban lãnh đạo Masan tiết lộ có khả năng sẽ thoái cổ phần tại công ty con với mức định giá cao.