|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 15 - 19/6: Thaiholdings niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn

14:00 | 16/06/2020
Chia sẻ
Từ ngày 17 – 19/6, sàn HNX thêm một mã niêm yết mới của Thaiholdings, Dược phẩm CPC1 Hà Nội gia nhập thị trường chứng khoán. Ngoài ra, hai cổ phiếu bị buộc hủy niêm yết rời sàn về UPCoM.
Thaiholdings do bầu Thụy rót vốn niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn - Ảnh 1.

Ảnh: Thu Thủy

Lỗ lũy kế 3.700 tỉ đồng, Xây lắp Dầu khí Việt Nam rời sàn HNX về UPCoM

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sẽ đưa 400 triệu cổ phiếu về UPCoM từ ngày 17/6 với mã chứng khoán PVX. Được biết, giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 1.000 đồng/cp.

Trước đó, ngày 9/6, cổ phiếu PVX bị buộc hủy niêm yết đối với 400 triệu cp. Lí do hủy niêm yết là đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất và riêng năm 2019 của công ty.

Theo BCTC hợp nhất năm 2019 của PVC, doanh thu công ty đạt 1.998 tỉ đồng, giảm 40% so với năm trước đó; lỗ sau thuế của công ty mẹ có cải thiện nhưng không đáng kể, đạt 214 tỉ đồng.

Đến quí đầu năm nay, tình hình kinh doanh của công ty tiếp tục đi xuống với doanh thu đạt chưa đến một nửa cùng kì năm ngoái (276 tỉ đồng) và lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ 28,5 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31/3, PVC ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 3.700 tỉ đồng. Các khoản nợ phải trả lên đến 7.000 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu hơn 1.500 tỉ đồng.

Thaiholdings do bầu Thụy rót vốn niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn - Ảnh 2.

Đồ thị lịch sử giá cổ phiếu PVX trước khi hủy niêm yết. Nguồn: Cafef

Nhìn lại lịch sử niêm yết của mã PVX, cổ phiếu có phiên giao dịch đầu tiên trên thị trường chứng khoán vào ngày 19/8/2009. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 – 2013, doanh nghiệp này liên tục thua lỗ, đỉnh điểm là năm 2013 PVC báo lỗ hơn 2.200 tỉ đồng và cổ phiếu bị đưa vào diện bị kiểm soát.

Trong năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.700 tỉ, tuy nhiên không đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể mà chỉ cho biết sẽ cố gắng giảm lỗ tối đa.

Dược phẩm CPC1 Hà Nội gia nhập thị trường chứng khoán ngày 18/6 với giá tham chiếu 23.000 đồng/cp

Ngày 18/6, gần 12,2 triệu cổ phiếu DTP của CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu phiên đầu tiên 23.000 đồng/cp. Được biết, hoạt động kinh doanh chính của công ty là sản xuất thuốc, hóa dược phẩm và dược liệu.

Về lịch sử hình thành, Dược phẩm CPC1 Hà Nội thành lập ngày 5/8/2009 với vốn điều lệ 2 tỉ đồng. Giai đoạn từ tháng 8/2009 đến tháng 5/2016, công ty trải qua 4 lần tăng vốn điều lệ lên 121,7 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và ESOP.

Thaiholdings do bầu Thụy rót vốn niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn - Ảnh 3.

Quá trình tăng vốn điều lệ của Dược phẩm CPC1 Hà Nội. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Cơ cấu cổ đông gồm 6 cổ đông lớn nắm giữ tổng 80,19% vốn điều lệ. Trong đó, duy nhất cổ đông tổ chức là CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 sở hữu 16,43% vốn cổ phẩn. Về phía các cổ đông nội bộ, ông Lê Nam Thắng, Chủ tịch HĐQT hiện sở hữu 9,25%; ông Nguyễn Thanh Bình, ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc (18,85%).

Đáng chú ý, Dược phẩm CPC1 Hà Nội còn có ba cổ đông lớn cá nhân gồm bà Lê Thị Kim Ánh (17,19%), ông Nguyễn Tiến Lung (8,22%) và bà Phùng Thanh Hương (10,25%) nhưng không tham gia trong ban lãnh đạo của công ty.

Thaiholdings do bầu Thụy rót vốn niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn - Ảnh 4.

Cơ cấu cổ đông công ty. Nguồn: Bản TTTT của Dược phẩm CPC1 Hà Nội

Tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong hai năm gần đây ghi nhận nhiều khởi sắc với doanh thu và LNST năm 2019 lần lượt tăng trưởng 42% và 52% so với năm trước đó.

Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 550 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2019; lãi ròng dự kiến 114 tỉ đồng, tăng 22,4%.

Ngoài ra, công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 161,7 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho một số cá nhân để hoán đổi công nợ. Thời điểm cuối quí I/2020, công ty đang vay nợ các thành viên HĐQT và cá nhân khác 62,3 tỉ đồng.

Hanoimilk tiếp tục sa lầy, sắp giao dịch trên UPCoM sau hủy niêm yết

Theo sau đó, ngày 19/6, 20 triệu cổ phiếu HNM của CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM sau thời gian bị hủy niêm yết. Giá tham chiếu của cổ phiếu trong phiên đầu tiên là 4.500 đồng/cp.

Theo thống kê của HNX, tính đến ngày 22/04/2020, Hanoimilk đã chậm nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán ba năm liên tiếp từ 2017 - 2019, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, trước yêu cầu giải trình của HNX, phía Hanoimilk vẫn chưa có sự phản hồi.

Thaiholdings do bầu Thụy rót vốn niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn - Ảnh 5.

Kết quả kinh doanh của Hanoimilk. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Tình hình kinh doanh của công ty những năm gần đây liên tục đi xuống. Trong năm 2017, Hanoimilk báo cáo lỗ 18,6 tỉ đồng nhưng có 11,8 tỉ là do công ty kiểm toán Grant Thornton bắt trích lập khoản chưa đòi được từ CTCP Thiết bị ô tô Việt Nam nợ tiền góp vốn và thuê nhà đất từ năm 2008. Bên cạnh đó, kiểm toán yêu cầu hạch toán trước chi phí Marketing.

Đến quí I/2020, doanh thu và lãi ròng của Hanoimilk tiếp tục sụt giảm so với cùng kì năm ngoái. Theo đó, doanh thu công ty đạt 38,7 tỉ đồng và báo lỗ 4,3 tỉ đồng.

Thaiholdings do bầu Thụy rót vốn niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn - Ảnh 6.

Đồ thị lịch sử giá cổ phiếu HNM trước khi bị buộc hủy niêm yết. Nguồn: Cafef

Thaiholdings do "bầu" Thụy làm cựu Chủ tịch niêm yết trên HNX với giá 15.000 đồng/cp

Cùng ngày 19/6, CTCP Thaiholdings sẽ đưa 53,9 triệu cổ phiếu THD niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cp.

Tiền thân công ty là CTCP Đầu tư và Phát triển Kinh Thành thành từ tháng 3/2011 với số vốn điều lệ đăng kí là 389 tỉ đồng. Tuy nhiên, vốn điều lệ thực góp thời điểm hoạt động ban đầu của công ty gần 137 tỉ đồng và không thực hiện thủ tục giảm vốn.

Công ty chính thức đổi tên thành CTCP Thaiholdings vào tháng 9/2016. Đến năm 2019, Thaiholdings thực hiện góp đủ số vốn điều lệ như đăng kí. Cùng năm, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng số vốn lên 539 tỉ đồng và giữ nguyên đến nay.

Thaiholdings có duy nhất một cổ đông lớn là ông Nguyễn Đức Thụy ("bầu" Thụy) với tỉ lệ sở hữu 20% vốn cổ phần. Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Thụy không tham gia vào HĐQT hay ban lãnh đạo của công ty.

Trước đó, đầu tháng 3/2020, HĐQT Thaiholdings đã thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Đức Thụy.

Được biết, công ty hiện hoạt động kinh doanh tại 4 mảng gồm thương mại vật liệu xây dựng, cho thuê bất động sản, đầu tư tài chính và thương mại thực phẩm.

Trong cơ cấu doanh thu từ năm 2018 đến nay, trên 90% nguồn thu của Thaiholdings đến từ hoạt động bán hàng hóa, phần còn lại từ cung cấp dịch vụ và cho thuê bất động sản.

Thaiholdings do bầu Thụy rót vốn niêm yết trên HNX, UPCoM đón ‘tân binh’ ngành dược phẩm cùng hai mã rời sàn - Ảnh 7.

Kết quả kinh doanh của Thaiholdings. Nguồn: Cáo bạch niêm yết

Giai đoạn hai năm vừa qua, công ty ghi nhận mức tăng trưởng tốt với doanh thu và lợi nhuận năm 2019 tăng mạnh so với cùng kì.

Đáng chú ý, kết thúc năm 2020, Thaiholdings dự kiến doanh thu 3.500 tỉ đồng, tăng 3,5 lần so với năm ngoái; lãi ròng sau thuế tăng 6,5 lần từ 47,5 tỉ đồng lên 360 tỉ đồng.

Thu Thủy

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.