|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 12 - 15/4: NĐT cá nhân bán ròng hơn 850 tỷ đồng, tập trung xả NVL, VIC, GEX nhưng gom mạnh HPG, DIG

11:01 | 16/04/2022
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index tiếp tục diễn biến kém sắc, NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng 852 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 386 tỷ đồng.

Trong tuần 4 - 8/4, thông tin ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam đã kéo theo áp lực bán mạnh tại nhóm bất động sản. VN-Index đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4 với mức giảm hơn 34 điểm.

Sang đến tuần này (12- 15/4), xu hướng bán đuổi vẫn tiếp diễn với 3 phiên giảm, 1 phiên tăng. Chỉ số chính sàn HOSE theo đó tiếp tục mất đi 23,44 điểm tương đương 1,58% đóng cửa tại 1.458,56 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 21.377 tỷ đồng, giảm 19,3% so với tuần trước đó và hụt 20% so với trung bình 5 tuần gần đây. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm hóa chất, bán lẻ, ngân hàng, trong khi giảm vào nhóm bất động sản, chứng khoán, hàng & dịch vụ công nghiệp.

Xét theo vốn hóa, dòng tiền tiếp tục tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, giảm ở nhóm vốn hóa và nhỏ. Đây cũng là xu hướng kéo dài trong 3 tuần gần nhất.

Trong tuần VN-Index tiếp tục diễn biến kém sắc, NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng 852 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 386 tỷ đồng. 

 Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).  

Dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm bất động sản, dịch chuyển sang nhóm chứng khoán, thép

Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của các cá nhân trong nước tăng mạnh so với tuần trước đó khi có tới 10/18 nhóm ngành trong danh mục bán ròng. Trong đó, phần lớn lực xả tìm đến nhóm bất động sản với giá trị rút ròng hơn 400 tỷ đồng.

Như vậy, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong giao dịch của các cá nhân nội khi tuần trước đó cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc hút tiền mạnh nhất với gần 563 tỷ đồng. Xu hướng bán ròng diễn ra trong bối cảnh dòng tiền rời bỏ nhóm này và chỉ số giá ngành cũng ghi nhận mức giảm 2,84% sau 1 tuần.

Tương tự, NĐT cũng chuyển hướng bán ròng nhiều ngành kinh doanh khác như hàng & dịch vụ công nghiệp (250 tỷ đồng), hóa chất (188 tỷ đồng), công nghệ thông tin (103,6 tỷ đồng) hay ngân hàng (90 tỷ đồng).

Tiếp nối tuần 4 - 8/4, cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ nằm trong Top bán ròng với quy mô rút vốn tăng từ 34 tỷ lên 126 tỷ đồng. Tuần qua, bán lẻ là một trong những nhóm ngành tăng điểm đáng chú ý. Chỉ số dòng tiền của dòng bán lẻ so với chính nó hay so với thanh khoản toàn thị trường đang ở vùng đỉnh và có dấu hiệu đi xuống cho thấy có áp lực chốt lời từ nhóm này trong tuần, tuy nhiên, giá vẫn trong xu hướng tăng cho thấy cầu mạnh hơn cung.

Theo sau, áp lực bán nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở nhóm du lịch & giải trí, điện, nước & xăng dầu khí đốt, y tế,...

  Thống kê giao dịch khớp lệnh của NĐT cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Ở chiều mua, cổ phiếu dịch vụ tài chính được mua ròng nhiều nhất với hơn 403 tỷ đồng. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân đảo chiều mua ròng ở các nhóm tài nguyên cơ bản (353 tỷ đồng). Theo quan sát, cổ phiếu thép là ngành bị bán ròng mạnh nhất trong tuần trước đó.

Tương tự, cá nhân trong nước cũng mua ròng nhẹ cổ phiếu các ngành xây dựng & vật liệu, bảo hiểm, thực phẩm & đồ uống, ô tô & phụ tùng,...

Tâm điểm mua ròng cổ phiếu HPG, trong khi bán mạnh NVL, VIC, GEX

Danh mục Top10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tuần qua của nhà đầu tư cá nhân dẫn đầu bởi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Mã này được giải ngân với quy mô 342,3 tỷ đồng, và là cổ phiếu duy nhất của doanh nghiệp thép có mặt trong danh mục trên.

Nối tiếp, lực cầu cũng tìm đến một số cổ phiếu đơn lẻ của nhóm bất động sản như DIG (280 tỷ đồng), VHM (70,1 tỷ đồng). Tuần qua có lẽ là một tuần không dễ thở với cổ đông nắm giữ cổ phiếu của DIC Corp khi mã này giảm sàn 2/5 phiên, thị giá theo đó bốc hơi gần 18%. Tương tự, cổ phiếu của ông lớn Vinhomes cũng giảm gàn 6%, đóng cửa phiên cuối tuần tại mốc 71.100 đồng/cp.

Bên cạnh đó, VPB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất góp mặt trong Top10 với giá trị vào ròng đạt 193,8 tỷ đồng). Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là chất xúc tác cho cổ phiếu VPBank.

Theo đó, ngân hàng này dự kiến bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua chào bán riêng lẻ trong năm 2022.

Đến nay, những thông tin liên quan đến các nhà đầu tư, định giá, hoặc khi nào (nếu thương vụ thực sự xảy ra) vẫn chưa được công bố chi tiết. Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng giao dịch này sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2022 và số cổ phần được định giá cao hơn 11 - 17% so với giá thị trường.

Là nhóm được xuống tiền mạnh nhất trong tuần, cổ phiếu của các công ty chứng khoán có đến 4 đại diện trong Top10 mua ròng gồm VND (136,3 tỷ đồng), SSI (122,7 tỷ đồng), HCM (66 tỷ đồng) và VCI (54 tỷ đồng). 

 Top10 mã được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần 12 - 15/4. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Trở lại chiều bán ròng, cổ phiếu NVL của Novaland lại là tâm điểm thu hút lực xả lớn nhất lên tới 423,2 tỷ đồng. Cùng với đó, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 215,9 tỷ đồng cổ phiếu VIC của Vingroup. Đối úng với các cá nhân, mã này được gom mua bởi tổ chức trong nước và NĐT nước ngoài với giá trị vào ròng lần lượt là 105 tỷ và 111 tỷ đồng.

Theo sau, một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có GEX (206,5 tỷ đồng), MWG (155,6 tỷ đồng), MBB (122,7 tỷ đồng), DXG (112 tỷ đồng). Các cá nhân trong nước cũng bán ròng hơn trăm tỷ đồng hai cổ phiếu hóa chất là DGC và DPM, trước khi xả nhẹ hơn FPT (95,1 tỷ đồng) và ACB (79,6 tỷ đồng).

Thu Thảo