Dòng tiền thông minh 6/4: NĐT cá nhân mua ròng gần 380 tỷ đồng phiên điều chỉnh, tâm điểm VIC, VHM
2 phiên tăng điểm tốt đã tạo áp lực lên thị trường trong ngày hôm nay. Nhìn chung, phiên giảm điểm hôm qua không mạnh và chủ yếu mang tính điều chỉnh kỹ thuật sau khi VN-Index tăng một mạch 30 điểm từ 1.500 lên 1.530 điểm. Trong khi đó, VN-30 giảm mạnh hơn khi nhóm ngân hàng đồng loạt điều chỉnh.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.520 điểm, giảm 4,6 điểm, tương ứng giảm 0,3% so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 21.784 tỷ đồng, thanh khoản toàn thị trường đạt 27.004 tỷ đồng, giảm 14,1% so với phiên liền trước.
Theo quan sát, dòng tiền tăng vào nhóm xây dựng & vật liệu, bất động sản, tài nguyên cơ bản, trong khi giảm ở nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính, hóa chất. Một lần nữa, cổ phiếu nhóm thủy sản lại khiến nhà đầu tư phải chú ý khi nổi sóng đồng loạt trong hôm nay, với CMX, IDI tăng sát trần gần 7%, ANV, ASM và FMC cũng tăng mạnh 1–4%.
Nhóm xây dựng phân hóa khi FCN, HBC, VCG và LCG tăng 2–7%, trong khi CII, DPG lại đứng giá tham chiếu hoặc giảm sâu. Ngân hàng và chứng khoán là nhóm diễn biến tiêu cực nhất trong phiên giao dịch khi gần như tất cả đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm phổ biến 1 - 2%.
Tổ chức trong nước bán ròng hơn trăm tỷ đồng
Phiên giao dịch thứ Ba , NĐT tổ chức trong nước tiếp đà bán ròng 102 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 97 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 12/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm xây dựng & vật liệu. Top bán ròng có DGC, VPB, FUEVFVND, MSN, CII, CTD, LCG, MBB, NVL, VNM.
Thống kê của FiinTrade cho thấy dòng tiền vào nhóm xây dựng & vật liệu tăng, tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên mức 13,06%, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 10 phiên liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số giá giảm 0,26% cho thấy có áp lực chốt lời nhóm này.
Tính trong vòng 1 tháng gần đây, nhóm xây dựng và vật liệu đang tăng 5,34%. Các mã có giá trị giao dịch cao nhất là LCG, VCG, CTD, HBC, FCN, HHV, CII, ROS, C4G và PC1, 7/10 cổ phiếu này tăng điểm.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép. Top mua ròng có HPG, ACB, E1VFVN30, PNJ, REE, NKG, DXG, BID, PC1, CTG.
NĐT cá nhân mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp
Trong phiên VN-Index dừng chân tại mốc 1.520 điểm, NĐT cá nhân duy trì mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, họ mua ròng 378 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh 352 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 13/18 ngành, chủ yếu gom cổ phiếu ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã VIC, VHM, DGC, KDH, GMD, VHC, VPB, STB, CII, CTD.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 5/18 ngành còn lại, chủ yếu là nhóm tài nguyên Cơ bản, hàng cá nhân & gia dụng. Top bán ròng có: HPG, ACB, NVL, DXG, HCM, REE, ASM, NKG, TCM.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng phiên điều chỉnh, tâm điểm "họ Vingroup"
Về phía NĐT nước ngoài, họ nâng quy mô bán ròng lên 275 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 255 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm dịch vụ tài chính, thực phẩm & đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: NVL, FUEVFVND, HCM, DXG, VNM, HDB, TPB, TCM, VND, VCB.
Phía bên bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VHM, VIC, HPG, KDH, GMD, E1VFVN30, HUB, FLC, STB.