|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Từ chuyển sàn của 'ông lớn', nhìn lại tiêu chuẩn niêm yết HOSE khác gì HNX?

08:21 | 05/06/2019
Chia sẻ
Nghị định 58/2012/NĐ-CP đã nêu rõ các điều kiện niêm yết trên HOSE và HNX. Theo đó, để được niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp cần đạt được các tiêu chuẩn cao hơn về vốn điều lệ, thời gian, hiệu quả hoạt động, công bổ thông tin và cổ đông.

Những doanh nghiệp nổi bật 'chuyển nhà' sang HOSE từ đầu năm nay

Ngày 14/1, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (Mã: POW) "xông đất" HOSE với hơn 2,34 tỉ cổ phiếu chuyển từ giao dịch từ thị trường UPCoM sang. Mới đây, có hai doanh nghiệp lớn khác cũng "chuyển nhà" sang HOSE là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Mã: HVN) và Tổng Công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC). 

Cụ thể, hơn 1,4 tỉ cổ phiếu HVN chuyển giao dịch từ UPCoM sang HOSE vào ngày 7/5 trong khi Viglacera chuyển niêm yết 448,35 triệu cổ phiếu VGC từ HNX sang HOSE vào ngày 29/5 vừa qua.

Từ chuyển sàn của ông lớn, nhìn lại tiêu chuẩn niêm yết HOSE khác gì HNX? - Ảnh 1.

Viglacera chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE. Ảnh: HSX

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành xây dựng điện được chấp thuận niêm yết trên HOSE là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 – PECC2 (Mã: TV2). Theo đó, 12,31 triệu cổ phiếu TV2 sẽ có phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE vào ngày 6/6 tới đây. Bên cạnh đó, có hai doanh nghiệp trên HNX đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE và đang chờ xét duyệt là Công ty Cổ phần KOSY (Mã: KOS) và Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam (Mã: DBC).

Chuyển niêm yết sang HOSE, doanh nghiệp có lợi gì?

Theo dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 30/4/2019, HOSE là sàn chứng khoán có quy mô lớn nhất, chiếm 74% vốn hóa toàn thị trường với 375 doanh nghiệp niêm yết. Với quy mô lớn như vậy, việc chuyển sang niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu doanh nghiệp có tính thanh khoản cao hơn. 

Bên cạnh đó, HOSE có yêu cầu cao hơn đối với các tiêu chuẩn về vốn hóa, tính minh bạch và hiệu quả hoạt động giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, tạo uy tín và cơ hội đầu tư thu hút vốn, đặc biệt là từ nhà đầu tư ngoại.

Nói về việc chuyển niêm yết của Vietnam Airlines, theo Tổng giám đốc của công ty, niêm yết trên HOSE không chỉ là lời bảo chứng về chất lượng cổ phiếu, mà còn đảm bảo dòng tiền và thanh khoản cao hơn hẳn UPCoM. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả các bên, bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng. 

Việc chuyển sàn niêm yết có quy mô lớn như HoSE cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp nâng cao uy tín, minh bạch thông tin, tiếp cận nhiều nguồn vốn đầu tư mới. 

Điều kiện niêm yết trên HOSE có gì khác so với HNX?

Nghị định 58/2012/NĐ-CP đã nêu rõ các điều kiện niêm yết trên HOSE và HNX. Theo đó, để được niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp cần đạt được các tiêu chuẩn cao hơn về vốn điều lệ, thời gian, hiệu quả hoạt động, công bổ thông tin và cổ đông.

Từ chuyển sàn của ông lớn, nhìn lại tiêu chuẩn niêm yết HOSE khác gì HNX? - Ảnh 2.

Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Cụ thể, doanh nghiệp đăng ký niêm yết trên HOSE cần phải có vốn điều lệ tối thiểu đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán là 120 tỉ đồng, cao hơn so với mức 30 tỉ đồng trên HNX.

Về thời gian hoạt động, doanh nghiệp phải có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần trước thời điểm đăng ký niêm yết niêm yết trên HOSE trong khi trên HNX cần một năm.

Đối với các tiêu chí hiệu quả hoạt động, HOSE quy định doanh nghiệp niêm yết phải có hoạt động kinh doanh hai năm liền trước có lãi, nhiều hơn một năm so với HNX yêu cầu. Các tiêu chí khác về hiệu quả hoạt động của hai sàn đều giống nhau, bao gồm tỉ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu 5%, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, hai sàn cũng có chung quy định về hạn chế chuyển nhượng với người nội bộ. Cụ thể, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban giám đốc, Kế toán trưởng, cổ đông lớn là người có liên quan phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo.

Về cơ cấu cổ đông, HOSE yêu cầu doanh nghiệp phải có tối thiểu 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Đối với HNX, tiêu chuẩn này là tối thiểu 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 15% số cổ phần.

Đặc biệt, HOSE có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn về việc công bổ thông tin. Theo đó, doanh nghiệp phải công khai mọi khoản nợ đối với công ty của người nội bộ, cổ đông lớn và những người có liên quan.

Bao giờ HOSE và HNX sẽ 'về chung một nhà'?

Ngày 7/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTG phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.

Theo quyết định này, SGDCK Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước dưới hình thức công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) là các công ty con do SGDCK Việt Nam đầu tư 100% vốn, hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân.

SGDCK Việt Nam có mức vốn điều lệ là 3.000 tỉ đồng, được điều chuyển từ vốn điều lệ của HNX và HOSE. Trong quá trình hoạt động, SGDCK Việt Nam thực hiện tăng hoặc giảm vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sơn Tùng