Ngày 28/6, chứng quyền niêm yết lần đầu trên HOSE
Ngày 28/6 tới đây, sản phẩm chứng quyền (Covered Warrant - CW) sẽ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), đây là thông tin được đại diện CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) cho biết tại hội thảo giới thiệu về chứng quyền có đảm bảo đảm. Sản phẩm lần này là loại chứng quyền mua cổ phiếu, tức là khi nhà đầu tư kỳ vọng giá tăng sẽ thực hiện mua chứng quyền và hiện thực hóa lợi nhuận khi đáo hạn.
Từ ngày 10/6, VNDirect sẽ bắt đầu công bố giá chào bán chứng quyền, hai cổ phiếu đầu tiên được lựa chọn là của CTCP FPT (Mã: FPT) và CTCP Thế giới Di động (Mã: MWG). Theo chia sẻ, tiêu chí lựa chọn là các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm do các công ty chứng khoán phát hành và bảo đảm, được niêm yết trên sàn chứng khoán, có mã giao dịch riêng và có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở. Thời gian chờ CW và tiền về tài khoản là T+2.
Trong giai đoạn phân phối lần đầu, công ty chứng khoán sẽ phát hành CW tại một mức giá xác định. Giai đoạn niêm yết sau đó, giá của CW sẽ biến động dựa trên sự tăng giảm giá của mã chứng khoán và tác động của cung cầu giao dịch trên sàn. Công ty chứng khoán cũng sẽ đóng vai trò làm tạo lập thị trường làm tăng tính thanh khoản.
Khi mua CW lần đầu, nhà đầu tư phải trả một mức giá cho mỗi đơn vị (giá CW), chứng quyền này cho phép nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu tại một mức giá (giá thực hiện) nhất định tại thời điểm đáo hạn. Đây cũng chính là mức giá dùng để xác định lãi/lỗ cho các nhà đầu tư. Vì là quyền, do đó nhà đầu tư mua chứng quyền có thể thực hiện hoặc không.
Thời hạn có hiệu lực của chứng quyền từ 3 – 24 tháng, tùy thuộc vào khẩu vị của tổ chức phát hành. Ngày giao dịch cuối cùng là hai ngày trước ngày đáo hạn của CW, sau ngày ngày CW sẽ bị hủy niêm yết.
Giá thanh toán được xác định là bình quân 5 phiên giao dịch liền trước ngày đáo hạn, điều này được đại diện VNDirect giải thích sẽ giúp giảm thiểu khả năng giá cổ phiếu bị tác động giống như trường hợp của chứng khoán phái sinh nhằm mục đích chuộc lợi.
Nhà đầu tư sẽ có lời khi giá thanh toán tại đáo hạn lớn hơn giá thực hiện cộng với giá mua chứng quyền. Mặt khác, nhà đầu tư chỉ lỗ tối đa tổng số tiền đã đầu tư mua chứng quyền.
Lãi/lỗ của nhà đầu tư = số lượng CW x (Giá thanh toán CW tại đáo hạn – (Giá thực hiện + Giá CW))
Ví dụ: Giá một cổ phiếu XYZ tại thời điểm hiện tại là 200.000 đồng; công ty chứng khoán A phát hành chứng quyền với giá CW 20.000 đồng, giá thực hiện 200.000 đồng, thời gian đáo hạn sau 6 tháng, tỉ lệ chuyển đổi 1:1 (tức 1 CW được quyền mua một cổ phiếu).
Kết quả tại thời điểm đáo hạn:
Tiêu chí | CKCS | CW |
---|---|---|
Vốn đầu tư | 200 triệu đồng (1.000 cổ phiếu) | 20 triệu đồng (1.000 CW) |
Nếu giá thanh toán đáo hạn 300.000 đồng/cp | Lãi 100 triệu đồng Lãi 50% trên vốn đầu tư | Lãi 1.000 x (300.000 - 200.000 - 20.000) = 80 triệu đồng Gấp 4 lần vốn đầu tư |
Nếu giá thanh toán đáo hạn 200.000 đồng/cp | Hòa vốn | Nhà đầu tư lỗ phần chi phí bỏ ra mua CW = 20 triệu đồng |
Nếu giá thanh toán đáo hạn 100.000 đồng/cp | Lỗ 100 triệu đồng Lỗ 50% | Lỗ tối đa 20 triệu đồng, do nhà đầu tư không cần thực hiện quyền mua cổ phiếu Toàn bộ số tiền đầu tư chứng quyền |
Cũng giống như chứng khoán phái sinh, ưu điểm của chứng quyền là chỉ cần một mức vốn thấp, nhà đầu tư đã có thể tham gia chơi (thường từ 7% - 15% so với chứng khoán cơ sở), CW được ví như chơi margin nhưng lại không có rủi ro chị call margin; tỉ suất sinh lời cao hơn so với chứng khoán cơ sở, và không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các cổ phiếu hết room. Tuy nhiên theo đại điện VNDirect, đối tượng khách hàng nhắm đến chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường.
Rủi ro khi đầu tư chứng quyền như đã nói là có thể mất toàn bộ số tiền tham gia đầu tư, vòng đời của CW giới hạn và sẽ bị hủy niêm yết khi đáo hạn; và một rủi ro hy hữu hơn là các công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán...