|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ thành lập công ty hàng không đến cất cánh: Khó như lên trời

23:06 | 10/07/2019
Chia sẻ
Đăng kí thành lập một công ty hàng không chỉ là "chuyện nhỏ". Muốn hoàn thành các thủ tục cần thiết và được cấp đủ các loại giấy phép để có thể thực sự cất cánh lại đòi hỏi một quá trình gian nan hàng năm trời mà không phải công ty nào cũng có thể hoàn thành được.

Riêng trong nửa đầu năm 2019 đã có tới ba công ty hàng không được thành lập. 

Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) được tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh ngày 19/2 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỉ đồng, hoàn toàn do CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) đóng góp.

Đến ngày 23/5 năm nay, vốn điều lệ của Vietravel Airlines được tăng lên 700 tỉ đồng. Chủ tịch công ty là ông Nguyễn Quốc Kỳ, người đồng thời là Tổng Giám đốc của công ty mẹ, Vietravel.

CTCP Hàng không Thiên Minh được thành lập ngày 13/6 có trụ sở chính tại số 187 Lý Thường Kiệt, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vốn điều lệ ban đầu của Hàng không Thiên Minh là 1.000 tỉ đồng, trong đó cá nhân ông Trần Trọng Kiên góp 60% (tức 600 tỉ đồng), CTCP Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh Group) góp 30% và cá nhân bà Trần Hằng Thu góp 10% còn lại. 

Cổ đông lớn nhất Trần Trọng Kiên giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hàng không Thiên Minh.

Một doanh nghiệp khác là CTCP phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia được thành lập vào ngày 22/4 năm nay với vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng. Đến ngày 29/5, VinAsia đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air.

Ngày 3/7 vừa qua, Vinpearl Air thay đổi giấy đăng kí kinh doanh, theo đó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Hương kiêm nhiệm chức Chủ tịch công ty.

Một doanh nghiệp hàng không khác đã được thành lập từ năm 2007 là Công ty TNHH Hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines).

Các doanh nghiệp này đều đăng kí ngành nghề kinh doanh là vận tải hành khách hàng không và trong tên gọi đều có từ "hàng không". Tuy nhiên để có thể chính thức cất cánh phục vụ hành khách, các doanh nghiệp này còn rất nhiều việc phải làm.

Hãng hàng không cất cánh gần đây nhất là Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) đã phải trải qua một quá trình thẩm định, cấp phép gian nan kéo dài gần 2 năm tính từ ngày thành lập.

Bamboo bus

Hình quảng cáo của Bamboo Airways trên xe bus tại Hà Nội. Ảnh: Y Vân.

Yêu cầu khắt khe về vốn điều lệ

Vận tải hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp muốn tham gia sân chơi này phải đồng thời tuân thủ qui định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng như Luật Hàng không dân dụng.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (viết tắt là Bamboo Airways) được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu thể hiện trên Giấy Đăng kí kinh doanh là 700 tỉ đồng.

Để được cấp phép bay, doanh nghiệp còn cần xuất trình bản chính của giấy xác nhận thể hiện số vốn điều lệ được phong tỏa trên tài khoản ngân hàng.

Trong trường hợp của Bamboo Airways, giấy xác nhận vốn 700 tỉ đồng của hãng do Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cấp ngày ngày 29/5/2018 – tức gần một năm sau ngày thành lập.

Hàng không Thiên Minh hay Vinpearl Air cũng sẽ phải chứng minh số vốn tương ứng của mình (1.000 tỉ đồng và 1.300 tỉ đồng) đang được phong tỏa trong tài khoản ngân hàng.

Không phải ngẫu nhiên mà các hãng hàng không lại chọn các mức vốn điều lệ 700, 1.000 và 1.300 tỉ đồng này.

Theo qui định của Nghị định 92/2016/NĐ-CP, đối với các hãng muốn vận chuyển hành khách cho cả các tuyến nội địa và quốc tế, 700 tỉ đồng là số vốn tối thiểu để khai thác đến 10 tàu bay; 1.000 tỉ đồng là số vốn tối thiểu để khai thác từ 11 đến 30 tàu bay; cuối cùng, 1.300 tỉ đồng là số vốn tối thiểu để khai thác trên 30 tàu bay.

Bamboo Airways đã được cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) ghi nhận vốn điều lệ 700 tỉ đồng và có thể khai thác tối đa 10 tàu bay. Hiện nay hãng này đang muốn mở rộng đội tàu lên hơn 30 chiếc và đã có hồ sơ gửi đến Bộ Giao thông Vận tải nhưng chưa được cấp giấy phép mới.

Liên quan đến yêu cầu về vốn, đăng kí kinh doanh cấp đổi tháng 7/2018 ghi nhận vốn điều lệ của Bamboo Airways đã tăng lên thành 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên đến quí I/2019, Bamboo Airways mới trình giấy xác nhận vốn mới được phong tỏa tại ngân hàng.

Nếu Vinpearl Air được cấp phép bay với vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, hãng này sẽ không phải xin cấp lại giấy phép khi muốn mở rộng đội bay do đây là mức vốn bắt buộc cao nhất theo qui định.

Được Thủ tướng chấp thuận chủ trương

Các công ty hàng không cần lập hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không và trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định. Nếu hồ sơ được đánh giá đáp ứng đủ các điều kiện theo qui định của Luật Đầu tư và Nghị định số 118 năm 2015, Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong trường hợp của Bamboo Airways, cuối tháng 6/2018, hồ sơ dự án của hãng được Bộ KH&ĐT đánh giá là cơ bản hội đủ các thủ tục pháp lí cần thiết. 

Qui mô đầu tư dự kiến phù hợp với qui định tại Nghị định 92 về số lượng tàu bay duy trì tối thiểu trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không (ba chiếc).

Dự án cũng phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định (nơi Bamboo Airways đặt trụ sở chính) đến năm 2020 cũng như Qui hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 9/7/2018 – tức hơn một năm sau ngày thành lập, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 836/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Sân bay Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Vinpearl Air, Hàng không Thiên Minh, Vietravel Airlines, Vietstar Airlines cũng sẽ cần được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tương tự như Bamboo Airways nếu muốn cất cánh bay thương mại.

Được Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy phép

Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư theo qui định của Luật Đầu tư, công ty hàng không vẫn cần được cấp Giấy phép Kinh doanh Vận chuyển hàng không (KDVCHK) theo qui định của Luật Hàng không dân dụng.

Điều 10, Nghị định 92 năm 2016 nêu rõ: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cần được gửi về Cục Hàng không (thuộc Bộ GTVT) bao gồm: 

Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo mẫu; Bản chính văn bản xác nhận vốn; 

Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; 

Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách; 

Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay; và 

Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp.

Khoản 1, Điều 110, Luật Hàng không dân dụng 2006 qui định: Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;

b) Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;

c) Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;

d) Đáp ứng điều kiện về vốn theo qui định của Chính phủ;

đ) Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;

e) Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.

Sau khi Bộ GTVT đánh giá hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm, hồ sơ này vẫn cần được Thủ tướng xem xét và chấp thuận về mặt chủ trương. Tiếp đến, Bộ Giao thông Vận tải mới cấp Giấy phép KDVCHK. 

Trong trường hợp của Bamboo Airways, hãng này được cấp Giấy phép KDVCHK vào ngày 12/11/2018, tức một năm rưỡi sau ngày công ty Tre Việt được thành lập và hơn 4 tháng sau khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sau khi được cấp giấy phép bay, các hãng vẫn còn nhiều thủ tục phải hoàn thành như được Cục Hàng không phê duyệt chương trình an ninh hàng không, được cấp Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay (AOC), …

Vinpearl Air, Hàng không Thiên Minh, Vietravel Airlines, Vietstar Airlines cũng sẽ phải đi theo qui trình thủ tục này nếu muốn cất cánh bay thương mại.

Đức Quyền