Từ mẹ đơn thân ở tuổi 21 trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ
Bà Diane Hendricks không được thừa hưởng gia tài từ những nhà lãnh đạo nổi tiếng hay giới chính trị gia. Thay vào đó, bà trải qua thời thơ ấu tại một trang trại bò sữa ở Wisconsin. Chính điều này đã giúp bà định hình tính cách bản thân, đặt đạo đức lên hàng đầu và thiết lập một đế chế kinh doanh, theo CNBC Make It.
Tuần trước, bà Hendricks, người sở hữu khối tài sản ròng trị giá 11,6 tỷ USD, đã trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ năm 2022, qua đó thiết lập năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu danh sách này của Forbes.
Khối tài sản ròng của bà chủ yếu phụ thuộc vào ABC Supply, một công ty vật liệu xây dựng mà bà cùng người chồng quá cố đã cùng nhau xây dựng từ năm 1982. Hiện tại, bà Diane Hendricks đang là chủ tịch công ty.
Vào năm 2017, bà Hendricks nói với tạp chí Forbes rằng việc chứng kiến cảnh cha mẹ điều hành trang trại cả ngày lẫn đêm đã hình thành nhân cách đạo đức làm việc trong con người bà.
Điều này trở nên quan trọng ngay từ khi còn nhỏ. Bà mang thai ở tuổi 17 và đã phải cố gắng học hết cấp ba tại nhà thay vì đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Ở tuổi 21, cô đã đệ đơn ly hôn với người yêu thời trung học của mình, qua đó trở thành mẹ đơn thân.
Sau đó, bà phải làm một loạt công việc lặt vặt trong văn phòng, thay vì chọn một sự nghiệp duy nhất và chỉ toàn tâm toàn ý theo đuổi thành công, trước khi được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
“Việc làm mẹ từ sớm khiến tôi trưởng thành hơn. Thời gian cũng trôi qua nhanh hơn. Điều đó không ngăn cản tôi muốn đạt được ước mơ của mình. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng tôi thậm chí còn tập trung hơn vào những gì tôi muốn đạt được”, bà Hendricks chia sẻ.
Một số ước mơ của bà rất đơn giản, như những người mẹ bình thường khác. “Chuyển đến một thành phố và mặc một bộ đồ công sở đi làm mỗi ngày”, bà chia sẻ về ước mơ của mình. Dù vậy, những giấc mơ đó đã rẽ ngang sau khi bà gặp và kết hôn với chủ thầu mái nhà Ken Hendricks vào những năm 1970. Cùng nhau, bộ đôi này đã kết hợp tài năng và đồng sáng lập công ty ABC Supply ở Beloit, Wisconsin.
Đến năm 1994, công ty đã có 100 chi nhánh. Chỉ 4 năm sau, lần đầu tiên doanh nghiệp này đạt doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ USD, theo Forbes.
Từng vướng vào một số lùm xùm về thuế
Kể từ khi chồng mình qua đời vào năm 2007, bà Hendricks đã tự mình lãnh đạo ABC Supply. Theo trang web chính thức của công ty, ABC Supply hiện có hơn 840 chi nhánh và là công ty tư nhân lớn thứ 23 tại Mỹ, theo Forbes. Trang web của ABC Supply cũng chỉ ra rằng họ đã mua lại danh mục bất động sản của 18 công ty khác trong 5 năm qua, một dấu hiệu cho thấy sự thống trị của doanh nghiệp trên thị trường vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, thành công của bà cũng đi liền với một số vấn đề gây tranh cãi. Năm 2016, khi bà Hendricks lần đầu tiên vươn lên đứng đầu danh sách của Forbes, tờ Milwaukee Journal Sentinel đã "bóc phốt" bà "không nộp một đồng thuế thu nhập nào cho tiểu bang kể từ năm 2012 đến năm 2014". Ngoài ra, bà cũng không nộp thuế liên bang trong năm 2010.
Dù vậy, Giám đốc bộ phận Thuế của ABC Supply, Scott Bianchini nói với CNBC Make It rằng điều này không nhất thiết bị coi là bất hợp pháp. Công ty đã thay đổi phân loại thuế từ C-corp sang S-corp trong những năm đó.
Theo luật tiểu bang Wisconsin, các công ty có thể đăng ký trở thành S-Corps ở cấp liên bang và C-Corps ở cấp tiểu bang. Điều đó có nghĩa là ABC Supply có thể bỏ qua việc nộp thuế cho tiểu bang, bao gồm cả nộp thuế cho bà Hendricks, nếu đã nộp tất cả các loại thuế liên bang.
Ngày nay, bà Diane Hendricks vẫn đang sống tại khu vực Beloit, nơi có tổng dân số chưa tới 37.000 người. Theo Forbes, bà Diane Hendricks đã chi tới hàng triệu USD cho các dự án địa phương để xây dựng lại các khu bất động sản bị bỏ hoang và kêu gọi các doanh nghiệp khác tới đầu tư cho khu vực này.
Năm 2017, bà Hendricks đã mở một trung tâm dạy nghề địa phương, nơi tổ chức các hội thảo để dạy cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông các kỹ năng như viết code và các lĩnh vực liên quan tới ngành xây dựng. Bà nói với tạp chí Forbes rằng chương trình này được thiết lập nhằm mục đích giúp thanh thiếu niên hiểu được “giá trị của một công việc”.
“Trẻ em rất thích tìm hiểu các công việc. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, họ đã có nhận thức một cách rõ ràng hơn, nhưng chưa được chuyên sâu. Đôi khi họ tự hỏi rằng: “Chà, đó liệu có phải cách mà một người thợ hàn làm việc?”. Việc tham gia vào trung tâm dạy nghề có thể giúp họ hiểu về nghề thợ hàn, sau này ra trường có thể trở thành một người thợ chuyên nghiệp với mức lương khoảng 50.000 USD/năm. Đó là một công việc thực sự tốt”, bà Hendricks chia sẻ.