|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh xả gần 500 tỷ đồng cp PAN tuần VN-Index vượt 1.470 điểm, FLC dẫn đầu Top mua ròng

10:58 | 13/11/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.470 điểm, bộ phận tự doanh CTCK tiếp đà bán ròng, dù vậy quy mô đã thu hẹp đáng kể so với con số gần 1.600 tỷ đồng tuần trước đó. Giao dịch tại chiều bán tập trung vào PAN với giá trị rút ròng gần 500 tỷ đồng.

VN-Index tiếp tục có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp với mức tăng 16,86, tương ứng 1,16%, chỉ số chính thức đóng cửa trên ngưỡng 1.470 và ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử tại 1.473,37. Diễn biến trong tuần khá biến động khi số phiên tăng và giảm điểm đan xen, VN-Index có lúc rơi xuống mức thấp nhất tại 1.450 và chạm mức cao nhất tuần tại 1.474,98.

Nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong tuần chỉ đóng góp 11/16,86 điểm tăng của chỉ số, trong đó các cổ phiếu có vốn hóa trung bình có phần vượt trội hơn so với bluechips. Đơn cử như GEX, DIG lần lượt tăng 25,8% và 27,5%, cao hơn nhiều so với các mã vốn hóa lớn nhất thị trường như VCB (0,7%), MWG (3%).

Ngoài ra nhóm cổ phiếu thị giá thấp ghi nhận nhiều mã tăng rất mạnh như ITA (27,8%), HAG (32,8%).

Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với giá trị gần 1.300 tỷ đồng trong tuần. Tương tự, bộ phận tự doanh có tuần rút vốn thứ hai liên tiếp, dù vậy quy mô đã thu hẹp đáng kể so với con số gần 1.600 tỷ đồng tuần trước đó.

Cụ thể, nhóm này mua vào tổng cộng 2.088 tỷ trong khi bán ra 2.400 tỷ đồng, theo đó giá trị rút ròng ghi nhận hơn 312 tỷ đồng. Theo quan sát, dòng vốn tự doanh tìm đến nhóm vốn hóa lớn trong khi chủ yếu rút khỏi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

 - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của khối tự doanh trong tuần từ 8 - 12/11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh trở lại gom cổ phiếu "bank, chứng, thép"

Theo thống kê từ Fiinpro, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng chưa đến 10 tỷ đồng. Điều này cho thấy giao dịch tự doanh khá cân bằng tại kênh khớp lệnh.

Diễn biến theo nhóm cổ phiếu, ngành hàng & dịch vụ công nghiệp chịu áp lực bán mạnh nhất từ khối tự doanh với giá trị rút ròng hơn 202 tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế giao dịch của bộ phận tự doanh ở ngành này khi tuần trước đó họ vẫn gom ròng nhẹ gần 9 tỷ đồng.

Việc chuyển hướng chốt lời diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp có nhịp tăng hơn 7,83% trong tuần qua, mức tăng chỉ xếp sau nhóm ô tô, phụ tùng và dầu khí.

Bên cạnh đó, tự doanh cũng bán ròng cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống (83 tỷ đồng), bán lẻ (37 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầ, khí đốt (12 tỷ đồng) và xây dựng vật liệu (8 tỷ đồng). 

Tự doanh - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong tuần 8 - 12/11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, hoạt động giải ngân sôi động tại các nhóm ngành mang tính dẫn dắt. Cụ thể, khối tự doanh công ty chứng khoán trở lại gom ròng cổ phiếu 'bank, chứng, thép" qua kênh khớp lệnh, với giá trị lần lượt là 110 tỷ, 14 tỷ và 22 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc cũng hút tiền trở lại với giá trị vào ròng đạt gần 106 tỷ đồng.

Ngoài 4 ngành kể trên, dòng tiền tự doanh tìm đến một số nhóm khác như công nghệ thông tin, hóa chất,.. với giá trị thấp hơn.

Tập trung bán ròng cổ phiếu PAN, FLC dẫn đầu Top mua ròng

Giao dịch tại chiều mua của khối tự doanh tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu FLC. Đây là mã duy nhất được khối này mua ròng trên trăm tỷ đồng trong tuần 8 - 12/11.

Thống kê cho thấy cổ phiếu đầu cơ họ FLC đã trở lại hút tiền của khối tự doanh sau thời gian dài vắng bóng, tuần trước đó mã này cũng lọt Top5 các mã được mua ròng nhiều nhất tuần. Đóng cửa phiên thứ Sáu (12/11), thị giá FLC dừng ở mốc 13.900 đồng/cp, tương đương tăng gần 11% chỉ sau một tuần.

Kế đến, tự doanh gom ròng 89,3 tỷ đồng cổ phiếu VRE của Vincom Retail. Một cổ phiếu bất động sản khác là VGC cũng cũng được khối này rót ròng 46,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động mua ròng còn xuất hiện ở một số cổ phiếu bluechips như TCB (65,4 tỷ đồng), VNM (50 tỷ đồng), FPT (46 tỷ đồng), ACB (42,3 tỷ đồng), MBB (41,4 tỷ đồng), PNJ (25,9 tỷ đồng). Danh mục rót vốn tuần này của khối tự doanh cũng có sự góp mặt của chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị vào ròng đạt 28,3 tỷ đồng.

 - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 8 - 12/11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều bán ra, cổ phiếu PAN bị khối tự doanh công ty chứng khoán thẳng tay xả 494,5 tỷ đồng. Không riêng gì bộ phận tự doanh, NĐT nước ngoài có chuỗi bán ròng cổ phiếu PAN từ đầu tháng 10. Với động thái thoái lui của các cổ đông lớn, cổ phiếu PAN đã có nhịp tăng hơn 30% trong vòng một tháng và hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 38.000 đồng/cp.

Trở lại với giao dịch tự doanh, khối này bán ròng dưới trăm tỷ đồng các mã  HAG (89,6 tỷ đồng), STB (79,8 tỷ đồng), VND (52,7 tỷ đồng), MSN (48,6 tỷ đồng), MWG (37,1 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, trong tuần VN-Index diễn biến phân hóa, một số cổ phiếu địa ốc lọt Top bán ròng như DXG, HDC, DXS, CII với giá trị 35,9 - 53,2 tỷ đồng.

Thu Thảo

[LIVE] ĐHĐCĐ DIG: Chủ tịch cho biết đang xin làm hai thành phố y tế, nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa
Tính đến 16h32p, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG có sự tham dự của 2.101 cổ đông (trực tiếp, trực tuyến và ủy quyền), đại diện hơn 306 triệu cổ phần, tương đương 50,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.