Tự doanh mua ròng gần 1.200 tỷ đồng tuần VN-Index vượt đỉnh tháng 8, tập trung gom cổ phiếu ngân hàng
Sau khoảng thời gian khá trầm lắng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có diễn biến bứt phá ngay phiên đầu tuần (11/10) giúp VN-Index tăng hơn 20 điểm lên 1.392, tiến gần đến ngưỡng 1.400 điểm.
Liên tục 4 phiên còn lại của tuần, VN-Index đã cố gắng chinh phục ngưỡng này, tuy nhiên khi đến gần ngưỡng tâm lý này, đà tăng lại suy yếu và chỉ số chỉ dừng ở mức cao nhất 1.400,78 trước khi trở lại vùng 1.395. VN-Index sau đó đã có diễn biến đi ngang đến hết tuần và chốt tuần tại 1.392,7 điểm.
Tính chung cả tuần, VN-Index đã tăng 19,97 điểm (1,45%) so với mức đóng cửa của tuần trước. Trong Top ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index, nhóm cổ phiếu vua đóng góp 6/10 mã, tổng cộng giúp VN-Index tăng 7,5 điểm. Cùng với sự sôi động của nhóm ngân hàng, VIC và HPG là hai bluechips bứt phá trong tuần, lần lượt tăng 3,7% và 2,9% giúp VN-Index tăng 3,3 điểm và 1,9 điểm.
Trong tuần VN-Index lấy lại đỉnh tháng 8, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 4/5 phiên với lực cầu tăng cao. Cụ thể, nhóm này mua vào 2.462,8 tỷ trong khi bán ra 1.292,3 tỷ đồng, theo đó giá trị vào ròng đạt gần 1.170,5 tỷ đồng. Trong đó, giá trị mua ròng ở nhóm VN30 đạt trên 1.200 tỷ đồng, điều này cho thấy nhóm vốn hóa lớn đã trở lại hút tiền của khối tự doanh trong bối cảnh nhóm vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực chốt lời ngắn hạn.
Tự doanh gom ròng hơn 500 tỷ đồng cổ phiếu 'vua'
Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu của các nhà băng nổi lên là nhóm được bộ phận tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 520 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân mạnh mẽ vào nhóm cổ phiếu 'vua' diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá ngành có nhịp tăng hơn 2%. Cùng với đó sự trở lại của nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường giúp VN-Index lấy lại các mốc quan trọng, mở ra kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng đã hoàn thành quá trình tạo đáy.
Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng gom ròng 213,5 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Tuần qua, nhóm bất động sản có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 4,2% so với tuần trước, chỉ số giá tăng 1,88%.
Trong đó, tất cả các phân khúc bất động sản đều tăng, Top cổ phiếu tăng mạnh nhất là HRB, KSF, D11, VRC, PVL, HAR, TID, BII, VPH, NRC. Đa số các cổ phiếu này là bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp. Trong các cổ phiếu vốn hóa lớn họ Vingroup thì VHM giảm điểm, trong khi VIC và VRE duy trì đà tăng.
Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành điện, nước & xăng dầu khí đột (90,9 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (86,6 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (72,1 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, áp lực rút vốn của khối tự doanh tuần qua ở mức thấp, không có ngành nào bị rút ròng trên 40 tỷ đồng.
Theo thống kê, cổ phiếu dịch vụ tài chính chịu áp lực bán mạnh nhất từ khối tự doanh. Về giá trị cụ thể, nhóm này rút ròng 38,8 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh dù tuần trước mua ròng 57,4 tỷ đồng. Tương tự, dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi ngành hàng cá nhân & gia dụng, dầu khí, hóa chất... với giá trị thấp hơn.
Tự doanh tập trung mua ròng loạt bluechips
Top10 cổ phiếu thu hút dòng vốn tự doanh trong tuần qua, nổi bật có HPG với giá trị 198,5 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, khối tự doanh công ty chứng khoán cũng gom ròng trăm tỷ đồng cổ phiếu của Hòa Phát tuần trước đó. Tính từ đầu tháng 10, bộ phận tự doanh đã gom hơn 230 tỷ đồng HPG. Hoạt động giải ngân sôi động diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HPG phá đỉnh sau thời gian đi ngang tích lũy kéo dài.
Trong báo cáo phân tích hồi giữa tuần này, Chứng khoán VNDirect đánh giá Tập đoàn Hòa Phát đang được hưởng lợi lớn từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép tạm thời tại Trung Quốc.
Kế đến, tự doanh mua ròng 133 tỷ đồng cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động. Tuần qua, MWG có mặt trong Top10 ảnh hưởng tích cực lên VN-Index với mức tăng 2,3% trong tuần, mặc dù kết quả kinh doanh quý III được dự báo kém khả quan. Điều này cho thấy dòng tiền đang bắt đầu chú ý đến những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hồi phục tốt trong quý IV khi nới lỏng giãn cách.
Đại diện cho nhóm ngân hàng, Top10 mua ròng có sự góp mặt của VPB (126,5 tỷ đồng), TCB (102,2 tỷ đồng), STB (80 tỷ đồng) và ACB (55,2 tỷ đồng). Dòng tiền khối tự doanh cũng tìm đến loạt bluechips như GAS (78,6 tỷ đồng), VIC (72 tỷ đồng), VHM (67,7 tỷ đồng), FPT (62 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, danh mục bán ròng khá phân tán chứ không tập trung vào nhóm ngành cụ thể. Cổ phiếu GEX của Gelex đứng đầu trong Top10 cổ phiếu bị khối tự doanh CTCK bán ròng mạnh nhất tuần với 48,8 tỷ đồng. Kết phiên 15/10, thị giá mã này dừng tại 24.500 đồng/cp, tăng 2% sau một tuần. Khối tự doanh còn rút vốn khỏi hai chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và FUEVFVND với giá trị lần lượt là 47,8 tỷ và 12,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tự doanh bán ròng cổ phiếu HSG (40 tỷ đồng), DPM (35,5 tỷ đồng), SSI (25,7 tỷ đồng), HDG (15,2 tỷ đồng), TEG (15 tỷ đồng), PLX (15 tỷ đồng) và PNJ (8,5 tỷ đồng).