|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh CTCK mua ròng cả 3 tháng đầu năm, trụ đỡ chỉ số khi tâm lí bán tháo trên diện rộng

17:40 | 02/04/2020
Chia sẻ
Thống kê trong quí đầu tiên của năm nay, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán mua ròng trong cả 3 tháng với giá trị gần 357 tỉ đồng trên toàn thị trường. Động thái mua ròng của khối tự doanh đóng vai trò nâng đỡ chỉ số.

Bán tháo trên diện rộng, vốn hóa TTCK Việt Nam “bốc hơi” hơn 53 tỉ USD quí I

Tháng 3, đà bán tháo tiếp tục diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đóng cửa phiên giao dịch 31/3, VN-Index ở 662,53 điểm, giảm 219,66 điểm so với cuối tháng trước (tương đương tỉ lệ giảm gần 25%). Diễn biến tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 15,46% và 13,28%.

Lũy kế trong 3 tháng đầu năm nay, VN-Index giảm 31,46% so với thời điểm cuối năm ngoái, VN30-Index cũng có mức giảm tương đương với 31,13%. Ghi nhận mức điều chỉnh nhẹ hơn, HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 10,05% và 15,73%. 

Bán tháo trên diện rộng, vốn hóa TTCK Việt Nam 'bốc hơi' hơn 53 tỉ USD - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường trong quí I/2020. Nguồn: VNDirect

Với việc chứng khiến hàng loạt phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 19 năm trở lại đây, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam giảm hơn 1,24 triệu tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nay (tương đương hơn 53 tỉ USD).

Tự doanh CTCK gồng đỡ chỉ số, mua ròng liên tiếp 3 tháng đầu năm nay 

Trong bối cảnh thị trường liên tiếp giảm sâu, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán liên tục mua ròng trong ba tháng đầu năm, đóng vai trò nâng đỡ chỉ số.

Dữ liệu thống kê từ FiinPro cho thấy khối tự doanh đã mua vào với giá trị 8.140 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm với khối lượng 337,8 triệu đơn vị. Ở chiều bán ra, khối này bán ra 307 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 7.783 tỉ đồng. Tổng kết lại, trong quí đầu năm nay, bộ phận tự doanh CTCK mua ròng gần 357 tỉ đồng trên toàn thị trường.

Bán tháo trên diện rộng, vốn hóa TTCK Việt Nam 'bốc hơi' hơn 53 tỉ USD - Ảnh 2.

Trong ba tháng đầu năm, giá trị giao dịch của khối tự doanh liên tục tăng lên ở cả chiều mua và chiều bán. Đơn cử, trong tháng 1, khối tự doanh mua vào với giá trị 2.220 tỉ đồng và bán ra 2.065 tỉ đồng. Nhưng đến tháng 3, khối này nâng giá trị mua vào và bán ra lên lần lượt là 3.466 tỉ đồng và 3.342 tỉ đồng.

Những cổ phiếu nào được khối tự doanh giao dịch nhiều nhất? 

Trong tháng 3, bộ phận tự doanh CTCK tập trung mua vào cổ phiếu MSN (602 tỉ đồng), theo sau là FPT (3121 tỉ đồng), MWG (212 tỉ đồng). Cùng với đó, cổ phiếu ghi nhận giá trị mua vào nhiều nhất trong tháng còn có GEX (189 tỉ đồng), HPG (187 tỉ đồng) cùng loạt mã ngân hàng như VPB, VCB, MBB. 

Ngoài ra, cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng được khối tự doanh mua vào 122 tỉ đồng trong tháng 3.

Tự doanh CTCK mua ròng cả 3 tháng đầu năm, trụ đỡ chỉ số khi tâm lí bán tháo trên diện rộng - Ảnh 3.

Nguồn: Ảnh Hường tổng hợp từ FiinPro

Trong khi đó, dòng vốn của tự doanh CTCK rút khỏi cổ phiếu MBB (271 tỉ đồng), tương tự với mã MWG (270 tỉ đồng), FPT (261 tỉ đồng), VCB (226 tỉ đồng). Ngoài ra, khối này bán ra cổ phiếu VNM, TCB, HPG, VPB và VIC đều trên trăm tỉ đồng.

Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, mã E1VFVN30 ghi nhận giá trị bán ra 309 tỉ đồng đồng thời được mua vào 599 tỉ đồng.

Thống kê chi tiết giao dịch của khối tự doanh toàn quí I, hai mã đáng chú ý bởi giá trị giao dịch dẫn đầu là E1VFVN30 và cổ phiếu MWG. Theo đó, khối tự doanh mua vào 897 tỉ đồng chứng chỉ quĩ E1VFVN30 và bán ra 807 tỉ đồng. Cổ phiếu MWG ghi nhận giá trị mua và bán tương ứng 657 tỉ đồng và 820 tỉ đồng.

Tự doanh CTCK mua ròng cả 3 tháng đầu năm, trụ đỡ chỉ số khi tâm lí bán tháo trên diện rộng - Ảnh 4.

Nguồn: Ảnh Hường tổng hợp từ FiinPro

Cùng chiều mua vào, hoạt động giao dịch khối tự doanh tập trung tại cổ phiếu MSN (654 tỉ đồng), FPT (630 tỉ đồng) và GEX (504 tỉ đồng). Bên cạnh đó, khối tự doanh mua vào cổ phiếu CTG (486 tỉ đồng), VCB (429 tỉ đồng), MBB (426 tỉ đồng). Một số mã khác lọt top mua mạnh nhất trong quí I còn có HPG (407 tỉ đồng) và VPB (340 tỉ đồng).

Diễn biến trái chiều, cổ phiếu MBB chịu áp lực bán ra từ khối tự doanh là 674 tỉ đồng, kế đến là FPT (530 tỉ đồng), CTG (472 tỉ đồng) và HPG (413 tỉ đồng). Mặt khác, dòng vốn tự doanh còn thoái khỏi một số cổ phiếu dưới 400 tỉ đồng. Cụ thể, VPB (397 tỉ đồng), VNM (361 tỉ đồng), VCB (345 tỉ đồng) và TCB (318 tỉ đồng).

Những phân tích về giao dịch của khối tự doanh cho thấy đây là "điểm sáng" hiếm hoi trong thời điểm thị trường chứng khiến nhiều phiên "xả" của khối ngoại và tâm lí của nhà đầu tư cá nhân trong nước không mấy ổn định. Hoạt động mua ròng của khối tự doanh đã đóng vai trò lực đỡ của thị trường.

Ánh Hường