|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh bán ròng gần 450 tỷ đồng tuần VN-Index bốc hơi gần 50 điểm, tâm điểm xả MSN và 'họ Vingroup'

14:00 | 04/12/2021
Chia sẻ
VN-Index chốt tuần 29/11 - 3/12 tại mốc 1.443,32 điểm, giảm 49,71 điểm (3,33%) so với tuần trước đó và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 3 tháng gần đây. Trước diễn biến trên, giao dịch khối tự doanh nhuốm màu ảm đạm khi họ trở lại bán ròng gần 450 tỷ đồng với tâm điểm xả ròng là nhóm BĐS.

Sau tuần lạc quan hướng về mốc 1.500 điểm, nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu đã đón nhận thông tin về biến chủng COVID-19 mới với tên gọi Omicron trong tuần này  (29/11 - 3/12). Tâm lý lo ngại dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu đồng loạt, thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến trên.

Trong tuần, VN-Index có 4/5 phiên đỏ lửa, trong đó phiên cuối tuần chỉ số bốc hơi 35,73 điểm, tương ứng giảm 2,61% so với phiên trước đó. Điều này khiến giới đầu tư khá bất ngờ khi kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ có phiên hồi phục cùng thế giới.

Chốt tuần, VN-Index giảm 49,71 điểm (3,33%) so với tuần trước và dừng chân tại mốc 1.443,32. Đây cũng là tuần chỉ số chính giảm mạnh nhất trong 3 tháng gần đây.

Cổ phiếu ngân hàng sau tuần tăng mạnh đã rơi vào nhịp điều chỉnh, các mã nhóm này chiếm 6/10 vị trí trong Top10 mã có ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Thống kê cho thấy nhóm cổ phiếu "vua" đã làm chỉ số giảm 21,7 điểm. Chiều ảnh hưởng tích cực có VIC tăng 7,1% giúp chỉ số tăng 6,9 điểm.

Thống kê giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, họ bán ròng liên tục 5 phiên với tổng giá trị bán ròng đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Tương tự, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng có 4/5 phiên rút vốn khỏi thị trường. Trong đó, hoạt động bán ròng mạnh nhất ghi nhận trong phiên cuối tuần khi thị trường có tới gần 900 mã giảm.

Tính chung cả tuần, khối tự doanh bán ròng 444 tỷ đồng, trong đó nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 76 tỷ đồng.

Tự doanh - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh chủ yếu bán ròng nhóm BĐS trong khi gom cổ phiếu bán lẻ, ngân hàng

Theo thống kê từ Fiinpro, quy mô dòng tiền suy giảm trước tâm lý thận trọng của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán khiến giao dịch bán ròng xuất hiện tại 10/18 nhóm ngành. 

So với tuần trước, khối tự doanh đẩy mạnh lực bán tại nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc, qua đó nâng giá trị rút ròng lên hơn 102 tỷ đồng. Như vậy, ngành bất động sản đã bị bán ròng trở lại sau tuần gom mua trước đó.

Bên cạnh đó, tự doanh tiếp đà rút ròng 37 tỷ đồng tại nhóm thực phẩm và đồ uống những nhịp điều chỉnh chung của cổ phiếu ngành này. Tương tự, nhóm này cũng chuyển hướng bán ròng ngành xây dựng & vật liệu (36 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (21 tỷ đồng), hàng và dịch vụ công nghiệp (12,9 tỷ đồng), hóa chất (14,5 tỷ đồng),...

Tự doanh - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong tuần 29/11 - 3/12. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tại chiều mua, bộ phận tự doanh trở lại gom ròng 106 tỷ đồng cổ phiếu bán lẻ mặc dù nhóm này đã đánh mất gần 5% giá trị toàn ngành. Cùng chiều, cổ phiếu của các nhà băng cũng được mua ròng với giá trị 92,4 tỷ đồng.

Thống kê tuần qua, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm ngân hàng giảm 3,92% và chỉ số giá ngành giảm 5% cho thấy sức ép từ lực cung vẫn mạnh hơn cầu mua vào. Theo quan sát phần lớn cổ phiếu ngân hàng giảm điểm trong tuần qua, trong đó VPB là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index.

Tập trung xả MSN và cổ phiếu họ "Vingroup"

Trong số 10 mã bị bán ròng nhiều nhất tại HOSE, giao dịch chủ yếu tập trung tại cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan. Mã này bị xả ròng hơn 162 tỷ đồng chủ yếu qua kênh thỏa thuận, tương ứng hơn 1,1 triệu đơn vị. Giao dịch trái chiều với tự doanh, đây là mã được nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh thứ hai trong tuần qua với gần 500 tỷ đồng. 

Diễn biến tương tự, lực xả ròng tập trung ở nhóm bất động sản, xây dựng với một số đại diện như VHM của Vinhomes (144,5 tỷ đồng), CRE (130,7 tỷ đồng), VRE (48,8 tỷ đồng), VIC (36,8 tỷ đồng), CTD (15,4 tỷ đồng) và SZC (14,7 tỷ đồng). Bộ phận tự doanh cũng thực hiện chốt lời loạt bluechips như STB (131,4 tỷ đồng), VNM (53,8 tỷ đồng) và HPG (20,7 tỷ đồng).

Tự doanh - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 29/11 - 3/12. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Đại diện cho nhóm bán lẻ, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động dẫn đầu Top mua ròng với 106,5 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được tự doanh gom ròng trên trăm tỷ đồng tuần vừa qua.

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu MWG, mới đây Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài vừa đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu MWG trong thời gian từ 3/12 đến 31/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giao dịch được thực hiện nhằm đáp ứng "nhu cầu tài chính cá nhân".

Hiện nay, cá nhân ông Tài đang nắm giữ hơn 18 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 2,53% vốn điều lệ của Thế Giới Di Động. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu dự kiến giảm còn 2,39%. Tính theo thị giá hiện nay, ông Nguyễn Đức Tài có thể thu về khoảng 134 tỷ đồng từ lần thoái vốn này.

Trở lại với giao dịch tự doanh, khối này còn mua ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị 60,8 tỷ đồng, FPT (60,7 tỷ đồng), KDH và NVL với cùng giá trị là 36 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giao dịch mua ròng của các cá nhân tập trung phần lớn ở các cổ phiếu ngân hàng với các đại diện lớn như MBB (40,5 tỷ đồng), VPB (25,3 tỷ đồng), ACB (21,1 tỷ đồng), TCB (20,4 tỷ đồng) và HDB (12,6 tỷ đồng).

Đây có thể xem là động thái bắt đáy ngắn hạn của nhà đầu tư cá nhân khi nhóm này đã biến động mạnh trong tuần qua, với 4/5 cái tên nằm trong Top10 tác động tiêu cực nhất tới VN-Index.

Thu Thảo