|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ dịch ASF cho đến COVID-19, Vissan vẫn tiếp tục thu lãi lớn nhờ giá heo cao

11:48 | 29/04/2020
Chia sẻ
Trong quí I/2020, Vissan tiếp tục ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế tăng trưởng 20% và 19% so với cùng kì năm trước, lần lượt đạt 1.453 tỉ đồng và 47 tỉ đồng.

CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - Mã: VSN) vừa công bố báo cáo tài chính quí I với chỉ tiêu doanh thu thuần tăng hơn 20% so với cùng kì năm trước, đạt 1.453 tỉ đồng.

Trong đó, doanh thu thịt tươi sống chiếm tăng 20% đạt 669 tỉ đồng, doanh thu thực phẩm chế biến chiếm gần 742 tỉ đồng, tăng 22%. Sau khi trừ đi giá vốn, lãi gộp đạt 293 tỉ đồng, tăng 13%.

Trong kì, chi phí bán hàng ghi nhận tăng 24%, lên 183 tỉ đồng trong khi đó chi phí quản doanh nghiệp đạt 52 tỉ đồng, giảm 16%.

Sau ba tháng đầu năm, Vissan ghi nhận lãi trước thuế và lãi sau thuế đạt gần 58 tỉ đồng và 47 tỉ đồng, tương ứng tăng 17% và 19% so với quí I/2019.

Theo thông tin từ Vissan, nguyên nhân tăng trưởng lợi nhuận do lợi nhuận tăng phát sinh từ hoạt động nuôi heo tại chi nhánh. Bên cạnh đó, công ty không trích lợi thế kinh doanh trong quí I/2020 do đã trích đủ năm 2019.

Trước đó, trong báo cáo thường niên được công bố mới đây, Vissan kì vọng đạt 5.580 tỉ đồng doanh thu, tăng 12% so với kết quả năm trước, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 20%, còn 180 tỉ đồng.

Như vậy, với kết quả quí I, Vissan đã thực hiện 26% chỉ tiêu doanh thu và 32% chỉ tiêu lãi trước thuế.

Những năm gần đây, lợi nhuận của Vissan liên tục tăng trưởng. Năm ngoái, dù phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF), tuy nhiên kết quả kinh doanh Vissan tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.

Từ dịch ASF cho đến COVID-19, Vissan vẫn tiếp tục thu lãi lớn nhờ giá heo cao - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh Vissan 2017-2019 (nguồn: Vissan)

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của công ty ở mức 1.747 tỉ đồng, giảm 10% so với đầu năm, chủ yếu do chỉ tiêu hàng tồn kho giảm gần 19% so với đầu năm, còn 531 tỉ đồng.

Ngoài ra, tính đến cuối kì, nợ phải trả cũng ghi nhận giảm gần 28%, còn 632 tỉ đồng; chủ yếu do nợ phải trả người bán ngắn hạn giảm từ 343 tỉ đồng xuống còn 247 tỉ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 40%, còn 117 tỉ đồng.

Thanh Tùng