|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Từ 'cổ phiếu rác' của Chủ tịch Đại học Đông Đô đến những công ty ma KSA, MTM: Cần xem lại những 'lỗ hổng' của thị trường chứng khoán

15:27 | 22/08/2019
Chia sẻ
Làm sao để người dân khi nhắc đến thị trường chứng khoán không còn gọi đó "sòng bạc"? Đó không thể chỉ là chỉ thị mang tính khẩu hiệu mà cần có những giải pháp thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể.

Cổ phiếu tăng dựng đứng trong khoảng thời gian ngắn, rồi giảm giá bất thường đi kèm với sự thiếu minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán không còn là những hiện tượng lạ trên thị trường Việt Nam.

Thậm chí, một số nhà đầu tư "gạo cội" trên thị trường cũng phải tắc lưỡi ngao ngán, tự hỏi: vì sao vẫn nhan nhản hiện tượng trên nhưng hầu hết không ai bị xử lý một cách thoả đáng?

Một số nhà quan sát cho rằng việc thao túng giá cổ phiếu, "xào nấu" hay thậm chí làm giả sổ sách có thể đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi mà chỉ có một vài trường hợp bị truy tố như MTM và KSA trong gần 20 năm vận hành của thị trường.

Còn lại, các mức xử phạt về thao túng giá chỉ vài chục triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng là thực sự quá nhỏ bé để đủ sức răn đe các đối tượng lợi dụng lòng tin của thị trường, trục lợi phi pháp.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam còn mong manh, Chính phủ đang rất mong muốn thúc đẩy thị trường chứng khoán phát huy tốt nhất vai trò của mình là kênh tạo vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc thu hút các định chế đầu tư lớn nước ngoài, nguồn lực trong dân là rất lớn, theo một số thông tin ước chừng khoảng 60 tỉ USD đang được tích lũy trong dân. Rõ ràng, đây là nguồn vốn khổng lồ có thể hỗ trợ phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội nước nhà một cách bền vững.

Tuy nhiên, để người dân quyết định đặt những đồng tiền tích cóp của họ vào thị trường, nhất thiết phải cho họ thấy rằng thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả.

Ở đó, đồng tiền của người dân ít bị đe doạ bởi sự lũng đoạn, thao túng của những "sói già" trên thị trường, và muốn như vậy, các cơ quan điều hành cần phải quyết liệt hơn trong việc giám sát tính minh bạch của thị trường.

Làm sao để người dân khi nhắc đến thị trường chứng khoán không còn gọi đó "sòng bạc"? Đó không thể chỉ là chỉ thị mang tính khẩu hiệu mà cần có những giải pháp thực hiện một cách rõ ràng, cụ thể.

Còn nhớ, ngay tại buổi lễ đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu năm Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những hạn chế của thị trường hiện nay đồng thời yêu cầu các cơ quan ban ngành liên quan cùng nhau thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin giao dịch không đúng, tạo dựng lòng tin cho công chúng, nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững…

Tuy nhiên, để chỉ thị được thực thi cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần phải xem lại liệu rằng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hiện nay đã đảm bảo tính độc lập, trách nhiệm, nguồn lực và đủ thẩm quyền chưa để cơ quan này có đủ năng lực quản lý, giám sát hoạt động của TTCK như yêu cầu của Thủ tướng?

Huy Nguyên