Xét xử vụ án cổ phiếu MTM: Cựu Chủ tịch MTM Trần Hữu Tiệp khai gì?
Các bị cáo tại tòa |
Sử dụng 59 tài khoản giao dịch chéo, thao túng giá chứng khoán
Trước tòa, bị cáo Tiệp thừa nhận, có việc nộp hồ sơ lên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để xin đăng ký giao dịch cổ phiếu MTM trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, theo bị cáo Tiệp, hồ sơ này trước đây đã có.
Giai đoạn trước khi Công ty MTM còn do Nguyễn Văn Dĩnh điều hành, đã hoàn tất hồ sơ để niêm yết cổ phiếu trên HNX và nộp lên HNX. Hồ sơ chưa chấp thuận thì ông Dĩnh bị bắt tạm giam để điều tra trong một vụ án trốn thuế. Do đó, MTM đã rút hồ sơ niêm yết.
"Khi bị cáo làm Chủ tịch HĐQT, hồ sơ đã sẵn có, không phải bị cáo làm giả hoặc chỉ đạo làm giả hồ sơ. Vì MTM đã rút niêm yết một lần nên không thể nộp hồ sơ để niêm yết lại, chỉ có thể đăng ký giao dịch UPCoM", bị cáo Tiệp khai.
Theo cáo buộc, bị cáo Trần Hữu Tiệp biết Công ty MTM không có vốn, không hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng đã hoàn thiện hồ sơ để đăng ký giao dịch cổ phiếu MTM trên UPCoM và chỉ đạo việc sử dụng 59 tài khoản giao dịch chéo, thao túng giá chứng khoán.
Hành vi của bị cáo Tiệp và các bị cáo khác đã gây thiệt hại 56 tỷ đồng cho các nhà đầu tư, trong đó bị cáo Tiệp chiếm đoạt 4,9 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Thị Hoa, vợ của bị cáo Nguyễn Văn Dĩnh khai rằng, sau khi chồng bị bắt tạm giam, lúc đó bị cáo chịu sức ép lớn về tiền bạc. Khi có người giới thiệu Phùng Thành Công, nguyên Trưởng Ban kiểm soát MTM (đã bỏ trốn) và bị cáo Tiệp muốn mua lại Công ty, thì bị cáo đồng ý, nhưng cũng nói bảo là phải gặp Ban giám đốc.
Bị cáo Hoa thừa nhận, Phùng Thành Công chuyển vào tài khoản của cháu bị cáo số tiền 5 tỷ đồng, bị cáo có nhận khoản này nhưng bị cáo không bàn giao hồ sơ, tài liệu giấy tờ gì.
“Bị cáo không bàn giao hồ sơ, không nhìn thấy hồ sơ bao giờ, không giao nhiệm vụ hay chỉ đạo ai bao giờ”, bị cáo Hoa khai.
Bị cáo Hoa cho rằng, nội dung truy tố bị cáo đã có hành vi thỏa thuận bàn giao hồ sơ pháp lý, cổ phần giả của Công ty MTM cho bị cáo Tiệp, bị can Công, chỉ đạo nhân viên hỗ trợ Tiệp và Công trong giao dịch cổ phiếu là không đúng.
Được biết, theo cáo buộc, bị cáo Hoa đã chiếm đoạt 4,4 tỷ đồng.
Mua bán dự án lòng vòng?
Theo kết quả điều tra, ngày 3/4/2015, có 120 tỷ đồng được giao dịch qua tài khoản của nhóm các công ty của Nguyễn Văn Dĩnh, bao gồm các Công ty MTM, Công ty TNHH An Bình, Tổng CTCP Khoáng sản Bắc Kan rồi được rút ra.
Bị cáo Lê Đắc Hà, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đại Kim Ngân hàng BIDV giải trình tại Tòa án, sáng ngày 3/4/2015, bị cáo có gặp khách hàng, kiểm tra hồ sơ thấy hồ sơ hợp lệ, đầy đủ. Chiều ngày 3/4, khi giao dịch diễn ra, bị cáo có việc bên ngoài, không có mặt tại phòng giao dịch. Do đó, bị cáo không biết giao dịch viên có kiểm đếm tiền hay không, có tiền mặt đặt tại quầy giao dịch hay không.
Tuy nhiên, bị cáo Hà khẳng định, giao dịch giữa Công ty MTM và Công ty TNHH An Bình là có thật. Theo hồ sơ bị cáo kiểm tra thì Công ty MTM bán 2 dự án cho Công ty An Bình, gồm Dự án Nhà máy tuyển quặng sắt và Nhà máy sản xuất đá vôi. Hai nhà máy này đều có thể hiện trên BCTC năm 2014, Công ty MTM góp vốn với 2 công ty khác. Trong hồ sơ còn có xác nhận phần vốn góp của Công ty MTM tại 2 dự án này, tổng giá trị là 80 tỷ đồng.
Hai bên đã mua bán dự án từ tháng 3/2015, thanh toán bằng tiền mặt có biên bản bàn giao. Công ty MTM đã thu được 120 tỷ đồng và sử dụng tiền này để góp vốn vào Tổng CTCP Khoáng sản Bắc Kan, cũng thanh toán bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên dự án thì vướng mắc. Theo Thông tư 09/2015/TT-BTC, doanh nghiệp góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp phải thực hiện qua ngân hàng. Do đó, các công ty này ra ngân hàng nhờ chuyển tiền lại cho giao dịch nói trên.
“Tài sản mua bán là có thật, dòng tiền có thật, còn việc có đem tiền ra quầy giao dịch để kiểm đếm hay không bị cáo không nhớ rõ vì đây không phải trách nhiệm công việc của bị cáo”, bị cáo Lê Đắc Hà khai.
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 14 -20/11. HĐXX sẽ tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác.