|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ cô bé nghèo đến CEO hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển

06:40 | 17/11/2017
Chia sẻ
Với vai trò trợ lý, chị làm cả kiểm toán, nhân sự và đủ thứ việc linh tinh khác. Nhờ đó, chị hiểu cơ chế vận hành của doanh nghiệp, những thứ mà chị chưa từng biết.

Hằng lục đục bật dậy vào 4h sáng. Gà vẫn chưa gáy. Dưới ánh đèn leo lắt, chị đi từng đường kim mũi chỉ. Có lúc nước mắt bật rơi, Hằng cảm thấy rất tệ và đau lòng khi bị bố can ngăn đến trường. Gia đình khó khăn, ông muốn chị nghỉ học để lo cho bốn đứa em.

Khoảnh khắc những năm 1990, khi Hằng là cô thiếu nữ tuổi trăng tròn in hằn trong ký ức chị đến nay, khi đã là một doanh nhân thành công. Chị nói, nếu ngày đó bỏ học thì đã không có CEO của công ty ActionCoach bây giờ.

Để đổi lấy bốn giờ đến lớp mỗi ngày thuở ấy, Hằng làm bù mỗi đêm để kiếm tiền lo cho các em. Bố chị bệnh, phải đi viện triền miên. Mẹ dành toàn bộ thời gian lo cho bố. Cô gái tuổi mới lớn trở thành trụ cột gia đình. Hàng ngày, chị dậy lúc 4h sáng để làm việc đến 6h rồi đi học. 12h lại về nhà và làm tiếp cho đến 22h. Ngày nào cũng vậy, chị thêu áo, may vá, làm đủ việc để trang trải cuộc sống cho gia đình.

Bận rộn đến mức cô học sinh chẳng có thời gian tắm, thầy giáo phải nhắc nhở vì “ở dơ”. Hằng không thanh minh, chỉ im lặng và tiếp tục cày cuốc. Chị không có thời gian để nghĩ thêm về sĩ diện, chị phải lo đến cái ăn, cái mặc của gia đình.

Ở tuổi 16, khi bạn bè rong chơi phố xá sau giờ tan trường, chị vội vã trở về với công việc tay chân. Dù vậy, kết quả học tập của Hằng luôn tốt. “Tôi nghĩ chỉ có đi học mới thoát nghèo”, với ý nghĩ đó, Hằng đặt quyển tập trước mắt, vừa làm vừa học cho đến hết cấp ba.

Ở ngưỡng cửa đại học, chị đứng trước lựa chọn khó khăn khi đậu ba trường là Đại học Tổng hợp, Sư phạm và Ngoại ngữ Tin học. Vì nhà nghèo, Hằng muốn học cái gì đó kiếm tiền nhiều nhất để thoát khỏi chuỗi ngày khổ cực. Chị quyết định học ngành tiếng Anh của trường Đại học Ngoại ngữ Tin học theo lời khuyên của một người thân.

Chọn trường tư, Hằng lại một lần nữa đánh cược với tiền bạc. Học phí đắt đỏ không làm chị nản chí vì tin rằng mọi thứ luôn có cách giải quyết. Được tôi luyện từ nhỏ trong gia đình có nhiều khó khăn đã giúp chị trở thành trụ cột cho chính mình và các em. Ở vai trò đó, chị đủ bản lĩnh để biết nên làm gì vào lúc này.

tu co be ngheo den ceo ho tro cac doanh nghiep phat trien
Chị Nguyễn Thị Bích Hằng chọn sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển để phát huy sở trường của bản thân. Ảnh: VnExpress

Hằng vừa học vừa làm. Chị đi dạy thêm nhưng hễ có thời gian rảnh thì thêu và nhận ủi quần áo sida (hàng đã qua sử dụng). Thời điểm tiết trời miền Nam lạnh lẽo của năm 1996-1997, mỗi ngày chị thức đến 3h sáng để ủi đồ vì nhu cầu tăng mạnh, để đổi lấy một số tiền tàm tạm. Nhưng cộng lại hết thì đủ nuôi cả nhà. “Lúc đó một tháng tôi kiếm được còn nhiều hơn khi ra trường, có khi đến năm chỉ vàng thời đó”, chị nhớ lại.

Có tấm bằng cử nhân, Hằng làm trợ lý trong một công ty. Tại đây, chị học vô số thứ về một thế giới mới trong lĩnh vực kinh doanh. Ở vai trò trợ lý, chị làm cả kiểm toán, nhân sự và đủ thứ việc linh tinh khác. Nhờ đó, chị hiểu cơ chế vận hành của doanh nghiệp, những thứ mà chị chưa từng biết qua.

Trong thời gian này, chị nhận ra mình có thế mạnh về nhân sự, luôn được sếp khen biết chọn người phù hợp cho các vị trí mà công ty cần. Hằng bắt đầu thấy con đường mà mình muốn đi, đó là làm việc liên quan đến con người để giúp họ thành công dựa trên sở trường, qua đó cũng chính là theo đuổi thành công của riêng chị.

Hằng xin làm trợ lý phòng nhân sự tại một tập đoàn đa quốc gia. Từ vị trí thấp nhất, chị trở thành giám đốc phòng nhân sự ở tuổi 26. Nhưng hoài bão của người phụ nữ sinh năm 1976 không dừng lại ở đó.

Chị cảm thấy sẽ rất khó để giúp người khác thành công nếu chỉ làm cho phòng nhân sự bởi điều này cần có sự hỗ trợ của các phòng ban khác. “Môi trường làm việc phù hợp mới là yếu tố quan trọng để cá nhân phát huy sở trường và mang đến thành công cho doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc vào người chủ doanh nghiệp”, chị giải thích.

Hằng nghỉ việc để gia nhập một công ty tái cấu trúc doanh nghiệp. Tuy nhiên, chị không tìm được tiếng nói chung. Sáu tháng không tìm lối ra cho những vấn đề về quan điểm kinh doanh. Chị lại nghỉ việc và lần này quyết định táo bạo hơn là tự khởi nghiệp.

Đó là năm 2010 với khởi đầu là công ty chuyên săn các vị trí cấp cao cho các tập đoàn, phòng nhân sự thuê ngoài và tái cấu trúc nhân sự. Trong bốn năm, chị gần như hụt hơi dù công ty có doanh số và lợi nhuận cao, vì không có cộng sự giỏi. Bế tắc, chị thoáng nghĩ đến việc đóng cửa vì kiệt sức và không tìm ra lối đi.

Thời điểm đó, Hằng tình cờ biết đến ActionCoach, tổ chức quốc tế có bề dày lâu năm trong lĩnh vực huấn luyện doanh nghiệp. Chị tìm thấy chính mình trong hệ thống bài bản của tổ chức, có thể giúp giải quyết tất cả những bài toán đau đầu thời gian qua. Chị dừng hết mọi việc và toàn tâm theo đuổi dự án mới. Chị là một trong ba người đến Mỹ học và thực hiện hóa hệ thống ActionCoach tại Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước theo hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Chị dành tất cả thời gian vào việc kiểm soát tài liệu chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt, luyện quy trình hầu như hàng ngày để hiện thực hóa giấc mơ. Sau ba năm, chị đào tạo được một đội ngũ như ý để đồng hành trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

“Trong vai trò điều hành, tôi cảm thấy tự hào vì trong ba năm công ty đã nằm trong top 10 nhượng quyền thương hiệu của ActionCoach thế giới”, chị xúc động chia sẻ, khi cuối cùng đã tìm được con đường lý tưởng với giấc mơ thuở hai mươi.

Trương Sanh