|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ chối vốn đầu tư của Trung Quốc: Nói thì dễ, làm mới khó

21:50 | 16/04/2019
Chia sẻ
Các quốc gia Đông Nam Á dường như không thể tự tài trợ 100% cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn và khó lòng bỏ qua vốn từ Trung Quốc.
Từ chối vốn đầu tư của Trung Quốc: Nói thì dễ, làm mới khó - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt gây tranh cãi ở Malaysia đã được tiếp tục thi công sau khi chính quyền của ông Mahathir đàm phán lại với phía Trung Quốc.

Tuyến đường sắt gây tranh cãi ở Malaysia đã được tiếp tục thi công sau khi chính quyền của ông Mahathir đàm phán lại với phía Trung Quốc.

Các quốc gia Đông Nam Á dường như không thể tự tài trợ 100% cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn và khó lòng bỏ qua vốn từ Trung Quốc.

Một chiến lược được nhiều người sao chép

Chủ nghĩa dân tộc là một đặc điểm của diễn ngôn chính trị ở Indonesia kể từ sau Thế chiến thứ II. Xu hướng này càng được củng cố từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và sau khi đất nước trở lại chế độ dân chủ. Bây giờ, trong mọi cuộc bầu cử, các ứng cử viên liên tục nói về lòng yêu nước trong các dự định kinh tế của họ. Trong chiến dịch hiện tại, mà đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu vào ngày 18.4 tới, người thách thức Prabowo Subianto đã đi xa hơn và cáo buộc giới tinh hoa đang bán rẻ đất nước.

Các dự án của Trung Quốc sẽ được săm soi kỹ hơn, ông nói trong chiến dịch tranh cử của mình. Điều này là có thể hiểu được: Một chiến lược tương tự được các ứng cử viên ở các quốc gia khác áp dụng, từ Malaysia, Sri Lanka đến Maldives, nơi những nhà lãnh đạo đương nhiệm bị buộc tội ký các thỏa thuận mờ đục và không cân đối cho đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Tuy nhiên, bất cứ chính phủ nào lên nắm quyền sau bầu cử cũng sẽ cần phải thực dụng trong cách xử lý quan hệ với Bắc Kinh.

Tình thần dân tộc của người Indonesia không chỉ được thể hiện với các dự án của Trung Quốc. Ngay cả các công ty Mỹ cũng là những mục tiêu dưới thời Tổng thống Joko Widodo. Bộ Tài chính nước này đã trừng phạt JPMorgan Chase sau khi tổ chức này đưa ra khuyến nghị bán cổ phiếu ở Indonesia và chính phủ nước này năm ngoái đã quốc hữu hóa phần lớn cổ phần của mỏ Grasburg ở tỉnh Papua phía đông, vốn trước đây thuộc về tập đoàn Freeport-McMoRan của Mỹ.

Những hành động như thế là rất hấp dẫn cử tri. Chủ nghĩa dân tộc dường như không làm tổn hại đến hiệu quả kinh tế của Indonesia một cách rõ rệt. Tăng trưởng đã không đạt mức mục tiêu 7% của ông Widodo; đà tăng trưởng chỉ đạt quanh mức 5%. Nhưng Indonesia hầu như không phải là nước duy nhất không đạt kế hoạch.

Cần phải có một cách tiếp cận thực dụng

Mặc dù những lời hùng biện đó là rất hấp dẫn, việc cứ duy trì lập trường dân tộc chủ nghĩa trong các vấn đề kinh tế còn lâu mới đem lại lợi ích trong dài hạn. Indonesia chắc chắn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nhờ vào vốn đầu tư nước ngoài, chưa kể đến những dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng.

Các quốc gia trên khắp Đông Nam Á, thậm chí cả Malaysia, đang nhận ra rằng họ khó có thể tự tài trợ 100% cho các dự án lớn như vậy và thật là phi lý trí khi bỏ qua một nhà bảo trợ mạnh mẽ như Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo quốc gia có thể mặc cả, và đôi khi đạt được, các điều khoản tốt hơn.

Chẳng hạn, trong chiến dịch tranh cử gần nhất, ông Mahathir Mohamad đã nói rằng người tiền nhiệm của ông đã khiến đất nước gánh quá nhiều nợ từ các dự án khổng lồ và cam kết xem xét kỹ lưỡng chúng. Ngay sau khi trở lại nắm quyền, ông Mahathir thậm chí tạm thời cho dừng lại tuyến đường sắt xuyên quốc gia đắt đỏ.

Việc chấm dứt những dự án như thế chưa bao giờ là một giải pháp, vì nhiều lý do: Công việc đã bắt đầu; ông Mahathir cũng cho thấy là mình yêu thích các công trình công cộng lớn trong thời gian ông làm Thủ tướng trước đây. Trong chuyến thăm New York năm ngoái, ông Mahathir đã mô tả mối quan ngại của mình về các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn chủ yếu là về nợ và chi phí. Ông đã không trừng phạt Bắc Kinh nhiều như chính phủ Malaysia trước đây.

Thỏa thuận tuần trước của chính quyền Mahathir với Trung Quốc sẽ cho phép tuyến đường sắt gây tranh cãi được tiếp tục thực hiện là một hình mẫu của chủ nghĩa thực dụng. Dự án sẽ được xây dựng, nhưng tuyến đường sẽ ngắn hơn và chi phí giảm bớt hơn 1/3, từ 16 tỷ USD trong kế hoạch ban đầu xuống còn 10,7 tỷ USD.

Thể hiện quan điểm hoài nghi với Trung Quốc là một quân bài tốt cho các ứng viên trong các chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, khi đã nắm quyền các nhà lãnh đạo phải quản lý quan hệ với Bắc Kinh nếu họ muốn giải quyết các nhu cầu cấp bách không thể chối cãi của họ.

Tìm nguồn tài trợ từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế, những người đang lo lắng về sự lan rộng của sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, là một cách rõ ràng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Trung Quốc dường như cũng đang muốn thay đổi cách tiếp cận của mình. Nước này muốn Sáng kiến Vành đai và Con đường thành công. Điều đó giúp tránh những phản ứng tiêu cực ở các quốc gia có tinh thần dân tộc cao.

Về phần mình, Trung Quốc có thể giúp giảm bớt lo ngại về các khoản đầu tư của mình bằng cách làm cho chúng minh bạch và công bằng hơn. Điều đó có nghĩa là họ sẽ cần nới lỏng hơn với các quốc gia châu Á khác, như họ đã làm với ông Mahathir. Nếu các nhà lãnh đạo trong khu vực sẵn sàng thực dụng với tiền của Trung Quốc, thì các đối tác Trung Quốc của họ cũng sẽ hành xử tương tự.

Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia Daniel Moss, nhà bình luận của trang Bloomberg.

Mạnh Đức